Thận mất chức năng, sốc nhiễm trùng vì sỏi thận

P.V, icon
06:18 ngày 01/11/2019

VTV.vn - Khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Bưu Điện thường xuyên tiếp nhận và điều trị cho nhiều ca bệnh sỏi thận, trong đó có những trường hợp bị biến chứng nặng nề do sỏi.

Hình minh họa.

TS.BS Dương Văn Trung, Trưởng Khoa Ngoại Tiết niệu, mới đây, khoa tiếp nhận trường hợp bệnh nhân Đ.T.N.N. (61 tuổi, trú tại Hà Nội) trong tình trạng sốt cao, nôn nhiều, cơ thể rất yếu. Kết quả khám và xét nghiệm cho thấy: Bệnh nhân bị suy đa tạng do sốc nhiễm khuẩn vì sỏi thận trái để lâu gây ứ mủ, nhiễm khuẩn máu. Bệnh nhân được hồi sức tích cực, lọc máu liên tục trong 48 giờ.

Ngay khi tình trạng của bệnh nhân được cải thiện, thoát khỏi tình trạng sốc, các bác sĩ đã thực hiện phương pháp tán sỏi qua da đường hầm nhỏ để lấy hết sỏi thận. Sau gần hai tuần điều trị, bệnh nhân hoàn toàn bình phục.

Còn trường hợp bệnh nhân V.T.L. (52 tuổi, trú tại Thanh Hóa) đột nhiên đau bụng phía bên trái dữ dội. Sau khi được bác sĩ khám, chỉ định thực hiện siêu âm, chụp X-quang và các xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy: Thận trái ứ nước bởi sỏi san hô như một củ gừng có kích thước tới 4cm, còn thận bên phải thì teo nhỏ không còn chức năng hoạt động do trước đây đã bị sỏi phá huỷ.

Bệnh nhân khá bất ngờ vì cách đây hơn 7 năm đã từng điều trị sỏi thận, không ngờ nay bệnh này lại tái phát.

Trường hợp bệnh nhân L., TS.BS Dương Văn Trung cho biết: Đây là một ca bệnh khó, bệnh nhân hiện đang sống dựa hoàn toàn vào chức năng của quả thận bên trái mà quả thận này lại bị sỏi san hô rất to. Nếu can thiệp bằng phương pháp tán sỏi thì rủi ro cho người bệnh là rất cao. Chỉ cần một sơ suất nhỏ hoặc nhiễm trùng, quả thận còn lại sẽ mất nốt chức năng, người bệnh sẽ bị suy thận và phải chạy thận nhân tạo suốt đời. Còn nếu không can thiệp, chỉ kê đơn thuốc rồi cho bệnh nhân về thì viên sỏi sẽ vẫn còn trong thận và người bệnh sẽ tiếp tục bị những cơn đau hành hạ và biến chứng suy thận chắc chắn sẽ xảy ra.

Tiến hành tán sỏi qua da đường hầm nhỏ, sau 30 phút, khối sỏi san hô của bệnh nhân được lấy ra hoàn toàn. Bệnh nhân hồi phục tốt sau can thiệp.

Để phòng và chữa bệnh sỏi thận, bác sĩ Dương Văn Trung khuyến cáo: Mọi người nên uống nhiều nước (trên 2 lít/ngày), việc uống nhiều nước cũng sẽ hạn chế được 50% sỏi tái phát nếu người bệnh đã từng điều trị sỏi thận. Các loại nước uống như nước cam, nước chanh… rất tốt cho thận. Có thể ăn thực phẩm tôm, cua, cá nhưng nên hạn chế ăn nhiều thịt. Đồng thời, khi phát hiện có những dấu hiệu hoặc triệu chứng bất thường liên quan đến các bệnh lý về thận thì cần phải tới ngay bệnh viện hoặc các cơ sở y tế uy tín để được phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục