Thừa cân béo phì và các chính sách liên quan hiện nay

P.V, icon
09:05 ngày 29/06/2019

VTV.vn - Tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, tình trạng thừa cân béo phì đang có xu hướng tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây, nhất là ở trẻ em.

Hình minh họa.

Tình hình mắc thừa cân béo phì trên thế giới

Thừa cân và béo phì được định nghĩa là sự tích tụ mỡ bất thường hoặc quá mức có thể làm giảm sức khỏe. Chỉ số khối cơ thể (Body mass index_BMI) là một chỉ số đơn giản của cân nặng theo chiều cao thường được sử dụng để phân loại thừa cân và béo phì ở người lớn. BMI được tính bằng cách lấy trọng lượng của một người tính bằng kg chia cho bình phương chiều cao của người đó theo mét (kg/m2).

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, BMI ≥ 25 là thừa cân, BMI ≥ 30 là béo phì. Phân tích dữ liệu của 188 quốc gia công bố trên Tạp chí The Lancet cho thấy: tỷ lệ thừa cân và béo phì tăng 28% trong 33 năm qua với sự gia tăng lớn nhất ở trẻ em. 47% của tất cả người trẻ tuổi và thanh thiếu niên trên toàn thế giới hiện nay được coi là thừa cân hoặc béo phì.

Thừa cân và béo phì là nguy cơ đứng hàng thứ sáu về số trường hợp tử vong trên toàn cầu, ít nhất 3,4 triệu người lớn tử vong mỗi năm do hậu quả của tình trạng thừa cân hoặc béo phì. Ngoài ra, 44 % gánh nặng do bệnh tiểu đường, 23% gánh nặng bệnh tim thiếu máu cục bộ và từ 7% - 41% gánh nặng về một số bệnh ung thư là do thừa cân và béo phì.

Tình hình mắc thừa cân béo phì tại Việt Nam

Việt Nam đang nằm trong số 20 nước có số lượng trẻ suy dinh dưỡng thấp còi nhiều trên thế giới (khoảng 1,7 triệu/156 triệu trẻ đang bị thấp còi trên toàn thế giới). Tuy nhiên, số người TCBP cũng đang gia tăng nhanh chóng, đặc biệt ở các đô thị. Theo số liệu giám sát dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ người thừa cân béo phì đã tăng gấp 3 lần (từ 3,5% lên 10,2%) từ năm 2000 đến năm 2015. Tỷ lệ trẻ em bị thừa cân béo phì dưới 5 tuổi tăng gấp 9 lần sau 10 năm (2000-2010) vào đến năm 2015 thì tỷ lệ này là 6,9%. Như vậy, Việt Nam đang phải chịu một gánh kép về dinh dưỡng, phải giải quyết cả vấn đề về suy dinh dưỡng các thể (thấp còi, gầy còm, nhẹ cân) và sự gia tăng của số người mắc thừa cân béo phì.

Các chính sách nhằm phòng chống thừa cân béo phì trên thế giới

WHO đã công bố Kế hoạch Chấm dứt Béo phì trẻ em (Ending Childhood Obesity – ECHO), cung cấp cho các quốc gia các hướng dẫn rõ ràng để kiểm soát béo phì ở trẻ em và vị thành niên, hướng dẫn nhân viên y tế tuyến cơ sở chủ động xác định và quản lý trẻ em thừa cân hoặc béo phì, khuyến khích các nỗ lực giải quyết các vấn đề đang làm gia tăng khả năng béo phì của trẻ em. Trong đó, hướng đến những mục tiêu cụ thể để giảm thiểu các loại thực phẩm rẻ tiền, chế biến nhiều, giàu năng lượng, nghèo dinh dưỡng. Đồng thời, giảm thời gian trẻ em dành cho các hoạt động giải trí trước màn hình và ít vận động, thúc đẩy sự tham gia vào các hoạt động thể chất, các hoạt động thể thao và giải trí tích cực.

Một số nước như Nhật Bản, đã áp dụng các chính sách, chương trình phù hợp để hạn chế thừa cân béo phì. Mặc dù trong nhóm các nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G8), Nhật Bản có tỷ lệ béo phì là 3,5%, thấp hơn hẳn so với Đức, Pháp và Italia (21 - 22%) Anh (26%) và Mỹ (33,6%). Chính phủ Nhật Bản đã xây dựng chiến lược quốc gia "Y tế Nhật Bản Thế kỷ 21" nhằm nâng cao sức khỏe, hai bộ luật Shuku Iku và Metabo đã mang lại thành công trong việc hạn chế số người béo phì.

Bộ luật Shuku Iku có một ý nghĩa khá sâu sắc: Shuku đề cập đến thực phẩm, chế độ ăn uống và ăn kiêng, và Iku nói về việc giáo dục trí tuệ, đạo đức và thể chất. Được đưa vào áp dụng năm 2005, bộ luật Shuku Iku đã định ra quy trình xây dựng thực đơn lành mạnh trong các trường học, các nhà dinh dưỡng chuyên nghiệp có trình độ giáo viên để giảng bài về dinh dưỡng cho các lớp học nhằm giáo dục dinh dưỡng cho trẻ em. Bộ luật Metabo nhắm vào đối tượng người lớn từ 40 đến 75 tuổi, trong đó quy định các biện pháp kiểm soát thường xuyên chu vi vòng eo để tránh các bệnh tim mạch, nam giới cần phải kiểm soát chu vi vòng eo của mình dưới 94cm và phụ nữ dưới 80cm.

Các chính sách nhằm phòng chống thừa cân béo phì của Việt Nam

Ngày 22/2/2012 Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt "Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030", trong đó Mục tiêu 4 là: "từng bước kiểm soát có hiệu quả tình trạng thừa cân-béo phì và yếu tố nguy cơ của một số bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng người trưởng thành" với các chỉ tiêu cụ thể. Ngoài ra, còn các mục tiêu hỗ trợ như nâng cao hiểu biết, tăng cường thực hành dinh dưỡng hợp lý và nâng cao năng lực của mạng lưới dinh dưỡng tại cộng đồng. Chỉ thị 46/CT-TTg năm 2017 của Thủ tướng Chính Phủ chỉ đạo tăng cường công tác trong tình hình mới, giải quyết vấn nạn kép về dinh dưỡng, yêu cầu tham gia từ các Bộ, Ngành và các tổ chức xã hội.

Hoạt động của hệ thống Y tế: Bộ Y tế và Viện Dinh dưỡng đã xây dựng khuyến cáo chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ trong 1000 ngày vàng đầu đời nhằm làm giảm gánh nặng một số bệnh ở tuổi trưởng thành, trong đó có giảm tỷ lệ mắc thừa cân béo phì. Viện Dinh dưỡng đã xây dựng tháp dinh dưỡng cho trẻ từ 6-11 tuổi hướng dẫn dinh dưỡng cân bằng hợp lý cho sự phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ của trẻ. Tháp dinh dưỡng dành cho trẻ 6 - 11 tuổi giúp trẻ và người chăm sóc trẻ biết cách thực hành dinh dưỡng để mang lại nhiều lợi ích nhất cho sức khỏe của trẻ. Triển khai nhiều nghiên cứu về thừa cân béo phì.

Chính phủ đang xem xét áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường nhằm giảm mức tiêu thụ đường tự do trong cộng đồng. Dự thảo mới nhất dự kiến áp dụng thuế Tiêu thụ đặc biệt cho mặt hàng nước ngọt ở mức 10% hoặc 20% vào năm 2019. Để hướng dẫn điều tiết tiêu dùng đối với đồ uống có đường và phù hợp với thông lệ quốc tế, Bộ Tài chính đề nghị bổ sung nước ngọt bao gồm loại có ga, không ga, tăng lực, thể thao, trà, cà phê uống liền được đóng gói theo dây chuyền sản xuất công nghiệp, trừ: nước trái cây, nước rau quả 100% tự nhiên, sữa và các sản phẩm sữa vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Một số hoạt động của các công ty tư nhân

Hiện nay, nhiều công ty thực phẩm chưa có hành động cụ thể để cùng phòng chống thừa cân béo phì. Tuy nhiên, một số công ty thực phẩm cũng đã có những hành động cụ thể nhằm hạn chế tỷ lệ mắc thừa cân béo phì giảm tỷ lệ đường, muối, calo trong sản phẩm

Như vậy, để có thể kiểm soát tỷ lệ thừa cân béo phì cần có sự đóng góp của gần như toàn bộ hệ thống, bao gồm cả Nhà nước, các công ty sản xuất thực phẩm, ngành y tế và người dân. Những chính sách, những hoạt động hợp tác cụ thể với mục tiêu lớn là giúp làm giảm gánh nặng dinh dưỡng từ sự gia tăng nhanh chóng của tỷ lệ mắc thừa cân béo phì trong cộng đồng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục