Phòng ngừa bệnh béo phì ở trẻ

Linh Chi, icon
10:23 ngày 09/02/2019

VTV.vn - Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trên toàn thế giới hiện có khoảng 22 triệu trẻ em dưới 5 tuổi mắc bệnh béo phì, trong đó hơn 17 triệu trẻ sống ở các nước đang phát triển.

Hình minh họa.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hoa - Khoa Nhi, Bệnh viện Quốc tế City, đối với trẻ béo phì, cha mẹ phải điều trị theo chế độ giảm cân cho trẻ. Tuy nhiên, phụ huynh cần lưu ý là trẻ đang trong giai đoạn phát triển về trí não và thể chất nên bé cần ăn đầy đủ các chất, tuy nhiên sẽ giảm về số lượng. Mỗi bữa ăn ít hơn, giảm thức ăn có vị ngọt, chất béo bởi chất béo làm tăng năng lượng. Nguyên tắc cần nhớ: giảm ăn tối, giảm ăn vặt, giảm chất béo và chất ngọt. Khi ăn trẻ cần nhai kỹ, không vừa ăn vừa xem tivi bởi sẽ làm trẻ không tập trung ăn, mất cảm giác no. Ngoài ra, cần tăng cường vận động cho trẻ như: đá banh, bơi lội, tập võ... để cân bằng năng lượng hấp thu và năng lượng tiêu hao.

Với những bé đã quen ăn số lượng nhiều, mẹ nên chọn thực phẩm ít năng lượng. Trước giờ ăn, cho trẻ ăn rau, canh, thực phẩm nhiều đạm như thịt nạc để bé no lâu, ăn cơm ít hơn. Nếu bé đói hoặc thèm ăn thì phụ huynh nên bổ sung thực phẩm ít năng lượng cho bé như: rau, trái cây... Về sữa, bé vẫn cần đủ canxi mỗi ngày nên bé vẫn cần được uống sữa nhưng chọn loại không đường, tách béo.

Béo phì được chẩn đoán dựa trên chỉ số khối cơ thể (Body Mass Index: BMI) chỉ số này được tính bằng công thức cân nặng tính bằng kg chia cho chiều cao bình phương tính bằng mét. Vì cơ thể trẻ thay đổi theo các giai đoạn phát triển của từng lứa tuổi nên chỉ số này cũng thay đổi theo tuổi. Trẻ được xem là dư cân khi trẻ nặng hơn 85% trẻ có cùng tuổi và chiều cao. Trẻ được xem là béo phì khi trẻ nặng hơn 95% trẻ có cùng tuổi và chiều cao. Để tính được điều này, bác sĩ sẽ dùng bảng BMI theo tuổi.

- Về mặt sức khoẻ: Béo phì ở trẻ em thường đưa đến các bệnh lý sau ở trẻ: Sạm da vùng nếp gấp, tăng lipid máu (cả cholesterol và triglyceride), tiểu đường, gan nhiễm mỡ, dậy thì sớm, bệnh lý túi mật, cao huyết áp.

Ngoài ra béo phì trẻ em cũng có thể dẫn đến các bệnh lý sau (tuy ít gặp hơn các bệnh kể trên): Khó thở khi ngủ, giả u não (gây nhức đầu), hội chứng giảm thông khí và biến chứng ở khớp (đau khớp hông, khớp gối, giới hạn vận động).

- Về mặt cảm xúc: Trẻ có khuynh hướng mắc chứng tự ti, không hài lòng với hình dáng cơ thể, trầm cảm.

- Về mặt xã hội: Trẻ sẽ bị kỳ thị, ấn tượng xấu, chọc ghẹo, bắt nạt.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục