TP. Hồ Chí Minh thêm 45 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh

P.V, icon
03:46 ngày 06/01/2023

VTV.vn - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh vừa có cập nhật về tình hình dịch bệnh trong tuần 1 năm 2023.

Hình minh họa. Ảnh: HCDC

Về tình hình dịch sốt xuất huyết Dengue, trong tuần 1 (từ ngày 26/12/2022 đến 1/1/2023), toàn thành phố ghi nhận 793 trường hợp mắc bệnh, tăng khoảng 3,1 lần với cùng kỳ năm 2022, giảm 30,5% so với trung bình 4 tuần trước, số ca nội trú giảm 41,9% và ngoại trú giảm 16,8%. Trong tuần 1, không có trường hợp tử vong do sốt xuất huyết Dengue.

Tuần qua, thành phố ghi nhận 45 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 34 phường, xã thuộc 12/22 quận huyện, thành phố Thủ Đức.

Tổng số ổ dịch được xử lý phun hóa chất trong tuần là 100 ổ dịch và không có phường, xã nào xử lý ổ dịch diện rộng. Có tổng cộng 136 lượt thực hiện diệt lăng quăng tại các ổ dịch, các điểm nguy cơ tại 75 phường, xã thuộc 17/22 quận huyện, thành phố Thủ Đức.

Về tình hình dịch bệnh tay chân miệng, trong tuần, thành phố ghi nhận 81 trường hợp mắc bệnh, giảm 54,6% so với trung bình 4 tuần trước đó. Trong đó, số ca bệnh giảm nhiều ở các trường hợp khám ngoại trú và ở các trường hợp nhập viện điều trị nội trú. Trong tuần 1, toàn thành phố không ghi nhận ổ dịch tay chân miệng mới.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh, hiện chưa có vaccine phòng bệnh tay chân miệng. Để chủ động phòng chống, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần chủ động thực hiện các biện pháp sau:

1. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

2. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

3. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

4. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

5. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

6. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục