TP.HCM: Sốt xuất huyết và tay chân miệng tăng cao

P.V, icon
06:27 ngày 15/09/2019

VTV.vn - Chỉ tính trong tháng 8, TP.HCM ghi nhận hơn 3.000 ca mắc tay chân miệng và hơn 7.800 ca sốt xuất huyết.

Bệnh tay chân miệng tăng theo mùa

Trong tháng 8, có 3.088 ca tay chân miệng được báo cáo, tăng 115% so với tháng trước. 

Bệnh tay chân miệng chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi. Tháng 8, tháng 9 là thời điểm bệnh tay chân miệng tăng cao. Đây là thời điểm trẻ em phải trở lại trường học sau khi nghỉ hè. Vì vậy, các trường học cần tuân thủ thực hiện các hoạt động kiểm soát bệnh truyền nhiễm trong trường học. Đặc biệt là việc theo dõi giám sát phát hiện sớm trẻ bệnh để cách ly kịp thời thông qua hoạt động điểm danh, ghi nhận những trường hợp nghỉ vì bệnh mỗi ngày và phụ huynh cần thông báo rõ lý do cho nhà trường ngay nếu con em mình nghỉ học.

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chưa có vaccine dự phòng. Việc phòng bệnh chủ yếu thông qua ý thức giữ gìn vệ sinh của trẻ và của người chăm sóc trẻ như: Rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng, vệ sinh hàng ngày và khử khuẩn hàng tuần vật dụng, đồ chơi của trẻ. Đồng thời cần phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh cũng như các dấu hiệu trở nặng để đưa trẻ đến cơ sở điều trị sớm, tránh xảy ra những biến chứng có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Bệnh sốt xuất huyết cũng tiếp tục gia tăng

Tổng số ca mắc bệnh sốt xuất huyết (nội và ngoại trú) trong tháng 8 là 7.833 ca, tăng 18% so với tháng 7. 

Số ca tích lũy từ đầu năm đến hết tháng 8 là 39.814 ca, tăng 142% so với cùng kỳ năm 2018. Diễn tiến của bệnh tương tự như mùa dịch những năm trước, số ca mắc bệnh gia tăng nhanh từ tháng 6.

Sở Y tế TP.HCM đã chỉ đạo các Trung tâm Y tế quận huyện tham mưu để các quận/huyện khẩn trương tiến hành các biện pháp kiểm soát dịch bệnh sốt xuất huyết trên từng địa bàn dân cư. Theo đó, tổ chức triển khai đồng thời 3 chiến dịch:

- Chiến dịch xử lý điểm nguy cơ theo phương pháp phân loại mới 2019.

- Chiến dịch phun hóa chất diện rộng kết hợp diệt lăng quăng triệt để tại các ổ dịch.

- Chiến dịch "Thanh niên xung kích" tại các đơn vị có cơ sở Đoàn, tại các hộ gia đình của Đoàn viên thanh niên và trên địa bàn dân cư khu phố, ấp.

Việc phòng chống bệnh sốt xuất huyết không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành y tế hay chỉ là sự phối hợp của các ban ngành đoàn thể địa phương. Đây chính là trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cơ quan, công sở trong việc phải dọn dẹp, loại bỏ những nơi, những vật dụng có thể chứa nước tạo điều kiện cho muỗi có thể đẻ trứng, phát triển và trở thành điểm nguy cơ gây bệnh sốt xuất huyết.

Những đồ vật trong nhà và ngoài trời có khả năng chứa nước, đọng nước như xô chậu, thùng phi, bình bông, chậu hoa, cây cảnh, hồ tiểu cảnh, vỏ xe, ly nhựa, hầm cống, hố nước, hốc cây, các vật phế thải, các công trình xây dựng... đều là nơi trú ngụ và sinh sản của muỗi. Việc phun hóa chất diệt muỗi của ngành y tế, của các hộ gia đình chỉ là biện pháp cấp thời nhằm diệt đàn muỗi trưởng thành, giảm mật độ muỗi truyền bệnh chứ không ngăn ngừa được sự lây lan của bệnh nếu không diệt lăng quăng triệt để.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục