Tranh cãi quanh việc tình nguyện viên dùng giả dược không được tiêm vaccine COVID-19 trong 2 năm

Nhật Anh, icon
10:26 ngày 06/12/2020

VTV.vn - Tình nguyện viên thử vaccine COVID-19 nằm trong nhóm dùng giả dược được yêu cầu không tiêm chủng trong khoảng hai năm tới, kể cả khi vaccine đã được phê duyệt hiệu quả.

Hình minh họa: TIME

Theo tờ New York Times, bà Judith Munz và chồng là Scott Petersen đã tình nguyện tham gia thử nghiệm vaccine COVID-19 của hãng Johnson & Johnson. Trong khi chồng bà bị mệt mỏi, mẩn đỏ và sưng tấy cánh tay sau tiêm, thì bà không cảm nhận bất cứ dấu hiệu bất thường nào.

Thông thường, xác suất được tiêm vaccine là 50-50. Dựa trên các triệu chứng, bà đoán mình nhận giả dược. Sau đó, bà được yêu cầu ký vào một mẫu cam kết. Theo đó, nhóm những người tiêm giả dược phải đợi đến hai năm mới có thể tiêm vaccine COVID-19. Theo bà Munz, bản cam kết này đã đặt bà vào tình thế rủi ro, có thể mắc COVID-19 bất kỳ lúc nào.

Tranh cãi quanh việc tình nguyện viên dùng giả dược không được tiêm vaccine COVID-19 trong 2 năm - Ảnh 1.

Mỹ đang chuẩn bị phân phối vaccine COVID-19 cho nhân viên y tế tuyến đầu và người cao tuổi. (Ảnh: AP)

Trong khi Mỹ đang chuẩn bị phân phối vaccine COVID-19 cho nhân viên y tế tuyến đầu và người cao tuổi, sự đóng góp của hàng chục nghìn tình nguyện viên trong các cuộc thử nghiệm trở thành chủ đề tranh luận gay gắt của các chuyên gia y tế. Một số nhà khoa học đồng tình rằng những người dùng giả dược như bà Munz nên được ưu tiên khi có vaccine, như lời cảm ơn đối với đóng góp của họ cho cộng đồng.

"Tôi nghĩ có lẽ chúng ta mang ơn họ. Do đã tham gia thử nghiệm, tôi nghĩ họ nên được tiêm vaccine trước" - Tiến sĩ Francis Collins, Giám đốc Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), nhận định.

Tuy nhiên, 18 chuyên gia đầu ngành về vaccine, gồm thành viên của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA), lập luận rằng việc tiêm chủng sớm cho nhóm dùng giả dược sẽ ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của thử nghiệm. Đó là bởi các nhà khoa học không còn cơ sở để so sánh tình trạng sức khỏe giữa hai nhóm.

Tranh cãi quanh việc tình nguyện viên dùng giả dược không được tiêm vaccine COVID-19 trong 2 năm - Ảnh 2.

Một số nhà khoa học cho rằng việc tiêm chủng sớm cho nhóm dùng giả dược sẽ ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của thử nghiệm vaccine COVID-19. (Ảnh minh họa: Reuters)

Theo ông Richard Peto, chuyên gia thống kê y tế tại Đại học Oxford, nếu không còn nhóm dùng giả dược, cơ hội thu thập dữ liệu về vaccine sẽ biến mất. Các nhà khoa học khó biết được thời gian duy trì miễn dịch của người được tiêm phòng. Thông thường, khi độ bảo vệ của vaccine giảm, số người đã chủng ngừa nhưng vẫn mắc bệnh sẽ tăng lên so với nhóm giả dược.

Tiến sĩ Anthony Fauci, Viện trưởng Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia, đã đề xuất một cách khả thi để cân bằng giữa khía cạnh đạo đức và khoa học của thử nghiệm. Đó là các nhà nghiên cứu có thể cung cấp vaccine cho những người từng dùng giả dược, và ngược lại, tiêm giả dược cho các tình nguyện viên đã dùng vaccine trước đó. Như vậy, họ có thể so sánh giữa hai nhóm xem độ bảo vệ của vaccine có suy yếu theo thời gian hay không?

Tranh cãi này có thể được đem ra thảo luận ngày 10/12, trong buổi họp của ban cố vấn FDA về việc phê duyệt vaccine Pfizer.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục