Trẻ bị giảm tiểu cầu khi mắc sốt xuất huyết có nguy hiểm?

Linh Chi, icon
07:59 ngày 09/09/2019

VTV.vn - Sốt xuất huyết có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, trong đó có giảm tiểu cầu. Khi trẻ bị giảm tiểu cầu, cơ thể rất dễ bị chảy máu dưới tác động rất nhẹ.

Hình minh họa.

Sốt xuất huyết giảm tiểu cầu là lượng tiểu cầu trong máu bị giảm dưới mức bình thường (dưới 150.000/mm3 hay tương đương dưới 150 G/L) nguyên nhân là do virus gây bệnh sốt xuất huyết gây ra.

Loại virus này chủ yếu thuộc họ Filoviridae – Dengue, với tác nhân truyền bệnh chính là muỗi vằn. Khi bị sốt xuất huyết, virus gây bệnh sẽ ức chế khu vực sản xuất tiểu cầu (tủy xương) giảm khả năng sản xuất tiểu cầu, các tế bào máu bị ảnh hưởng bởi virus khiến số lượng tiểu cầu trong máu giảm. Các kháng thể được tạo ra trong giai đoạn sốt xuất huyết cũng phá hủy một lượng lớn tiểu cầu trong thời gian người bệnh bị sốt xuất huyết.

Theo các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc, trẻ nhỏ khi bị sốt xuất huyết giảm tiểu cầu có thể khiến lượng tiểu cầu giảm thấp hơn 6 lần so với mức bình thường, điều này có thể gây thoát huyết tương và gây ra các biến chứng rất nguy hiểm cho phổi, gan, tim mạch. Huyết áp có thể giảm xuống mức nguy hiểm, gây sốc, trong một số trường hợp trẻ có thể tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết giảm tiểu cầu

Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn gồm sốt, giai đoạn nguy hiểm và hồi phục.

- Giai đoạn sốt:

Giai đoạn này trẻ thường có các biểu hiện sốt cao đột ngột, liên tục, nhức đầu, chán ăn, buồn nôn. Da sung huyết, đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt. Thường có chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam.

- Giai đoạn nguy hiểm:

Thường rơi vào ngày thứ 3 - 7 của bệnh. Người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt. Một số biểu hiện dễ gặp là thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch, tràn dịch màng phổi, nề mi mắt, gan to, có thể đau, li bì, da lạnh ẩm, tụt huyết áp hoặc không đo được huyết áp, tiểu ít… Số lượng tiểu cầu thường giảm đáng kể vào ngày thứ 4 của bệnh.

Ở người trưởng thành không bị sốc do sốt xuất huyết, số lượng tiểu cầu giảm nhẹ đến vừa từ ngày thứ 3 - 7 của bệnh và trở lại mức bình thường vào ngày thứ 8 hoặc thứ 9. Ở trẻ nhỏ, có rất ít mối tương quan giữa số lượng tiểu cầu và biểu hiện chảy máu hoặc số lượng tiểu cầu và mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Người bệnh thường có xuất huyết dưới da, chảy máu mũi, tiểu máu, kinh nguyệt kéo dài hoặc xuất hiện kinh sớm hơn kỳ hạn, xuất huyết nội tạng như tiêu hóa, phổi, não. Một số trường hợp nặng có thể có biểu hiện suy tạng như viêm gan nặng, viêm não, viêm cơ tim...

- Giai đoạn hồi phục:

Giai đoạn này kéo dài từ 48 - 72 giờ. Người bệnh hết sốt, thể trạng tốt lên, thèm ăn, huyết động ổn định và tiểu nhiều. Giai đoạn này nếu truyền dịch quá mức có thể gây ra phù phổi hoặc suy tim.

Khi nào cần đưa trẻ đến viện?

Phần lớn trường hợp sốt xuất huyết đều được điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở. Chủ yếu là điều trị triệu chứng và phải theo dõi chặt chẽ phát hiện sớm để xử trí kịp thời.

Khi trẻ có dấu hiệu cảnh báo như đau bụng, nôn ói, xuất huyết niêm mạc, lừ đừ, li bì, bứt rứt, đau bụng vùng hạ sườn phải, đặc biệt trẻ có thể trạng béo phì cần đưa đến cơ sở y tế để được bác sĩ theo dõi, điều trị kịp thời, tránh đến trễ trong tình trạng trụy mạch.

Hiện chưa có vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết. Biện pháp chủ yếu là tránh muỗi đốt, diệt lăng quăng, diệt muỗi trưởng thành. Mặc quần áo rộng vì muỗi có thể cắn qua quần áo bó sát. Mặc quần dài, áo sơ mi dài tay, vớ và giày để tránh muỗi cắn. Ngủ trong màn chống muỗi, kể cả ban ngày. Dọn dẹp, phát quang môi trường xung quanh thường xuyên, vì muỗi lây truyền bệnh sốt xuất huyết thường sống trong các vũng nước đọng, bụi cây, góc tối…

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục