Tư vấn trực tuyến: Tai biến sản khoa - Phát hiện sớm và can thiệp kịp thời

PV, icon
09:12 ngày 05/05/2020

VTV.vn - Tai biến sản khoa như thuyên tắc ối, vỡ tử cung, băng huyết, sản giật, nhiễm trùng… nếu không phát hiện, can thiệp kịp thời có thể gây tử vong cả sản phụ và thai nhi.

Tai biến sản khoa là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng tránh tai biến sản khoa? Thời điểm nào trong thai kỳ dễ gặp tai biến sản khoa nhất? Các mốc siêu âm quan trọng mẹ bầu cần nhớ là gì? Làm sao để có một thai kỳ khỏe mạnh?... Những băn khoăn của hàng triệu thai phụ sẽ được giải đáp trong chương trình giao lưu trực tuyến "Tai biến sản khoa - Phát hiện sớm và can thiệp kịp thời" diễn ra vào 20h ngày 6/5/2020.

Chuyên gia Sản - Nhi khoa của BVĐK Tâm Anh, Hà Nội: gồm PGS.TS.BS Khu Thị Khánh Dung (Nguyên Phó Giám đốc, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương, Cố vấn cao cấp về Nhi khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh); PGS.TS.BS Lưu Thị Hồng (Trưởng khoa Phụ sản) và ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê (Bác sĩ cao cấp khoa Phụ sản) sẽ cùng xuất hiện trong chương trình, tư vấn cho độc giả.

Quý độc giả có thể đặt câu hỏi cho các chuyên gia tại đây

Tai biến sản khoa là gì?

Thống kê cho thấy, mỗi năm trên toàn cầu có khoảng 515.000 phụ nữ tử vong trong quá trình mang thai và sinh nở. Tại Việt Nam, gần 800 bà mẹ tử vong hàng năm do các tai biến sản khoa có thể phòng ngừa hoặc điều trị sớm. Bên cạnh đó, vẫn có gần 2 triệu phụ nữ có thai mỗi năm đang phải đối mặt với hàng loạt nguy hiểm gây ra bởi biến chứng sản khoa. Đáng chú ý, Việt Nam đứng thứ 80 trong số 184 quốc gia về tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong.

Tai biến sản khoa là các biến chứng trầm trọng với bà mẹ và trẻ sơ sinh, có thể xảy ra trong lúc mang thai, trong lúc chuyển dạ, trong lúc sảy thai hay sinh non, thậm chí trong thời gian hậu sản (6 tuần sau sinh).

Tai biến sản khoa có thể xuất hiện ở bất cứ thời điểm nào của thai kỳ, có thể đặc biệt nguy hiểm vì không thể tiên lượng trước được và nguy cơ đe dọa tính mạng của cả sản phụ lẫn thai nhi. Bất kỳ sản phụ nào cũng có nguy cơ đối diện với tai biến sản khoa. Do đó, dự phòng tai biến sản khoa đóng một vai trò quan trọng để đảm bảo sức khỏe cho thai phụ và thai nhi.

Các chuyên gia y tế nhận định, có 5 tai biến thường gặp ở mẹ là băng huyết sau sinh, tiền sản giật - sản giật, nhiễm trùng hậu sản, vỡ tử cung, tắc mạch ối và 1 tai biến ở thai nhi là uốn ván sơ sinh. Ngoài ra, sự phát triển của y học hiện đại đã phát hiện được những bệnh lý bất thường đặc biệt của thai nhi như dị tật bẩm sinh, truyền máu song thai…

Nguyên nhân gây tai biến sản khoa

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các tai biến sản khoa, trong đó phổ biến nhất là do chậm trễ trong quá trình khám thai cũng như việc phát hiện nguy cơ chậm, có thể do bác sĩ chẩn đoán và xử lý muộn, chuyển tuyến không kịp thời. Cho đến nay, y học thế giới kể cả ở các nước tiên tiến vẫn luôn khuyến khích thai phụ thường xuyên kiểm tra, theo dõi thai để sớm phát hiện những tai biến sản khoa nguy hiểm nhằm có biện pháp hỗ trợ kịp thời.

"Lựa chọn đơn vị chăm sóc thai kỳ và sinh nở là việc vô cùng quan trọng. Không chỉ cần cơ sở vật chất đầy đủ, dịch vụ tốt; các chuyên gia khuyến cáo nên lựa chọn nơi có đầy đủ máy móc hiện đại, đặc biệt có đội ngũ chuyên gia - bác sĩ giàu kinh nghiệm, giỏi chuyên môn; cơ sở sản khoa liên kết chặt chẽ với các chuyên khoa như hồi sức cấp cứu, nhi khoa, nhũ nhi, chẩn đoán hình ảnh,… để có thể phát hiện sớm và can thiệp kịp thời các biến chứng thai kỳ, tầm soát sớm dị tật thai nhi, và chăm sóc nhi sơ sinh tốt nhất trong những tình huống xấu khi xảy ra", PGS.TS.BS Lưu Thị Hồng, Trưởng khoa Phụ sản BVĐK Tâm Anh cho biết.

Tư vấn trực tuyến: Tai biến sản khoa - Phát hiện sớm và can thiệp kịp thời - Ảnh 1.

Hạnh phúc của một sản phụ khi vượt cạn thành công tại BVĐK Tâm Anh, Hà Nội

5 tai biến sản khoa nguy hiểm thường gặp

1. Thuyên tắc ối là tình trạng xâm nhập của nước ối vào trong mạch máu người mẹ, gây ra hàng loạt biến đổi nguy hại có thể nhanh chóng dẫn đến tử vong cho sản phụ. Nếu xảy ra thuyên tắc ối, tỷ lệ tử vong mẹ hơn 80% dù tỷ lệ sống sót của thai nhi có thể lên đến 70%. Thống kê cho thấy có đến 50% sản phụ tử vong ngay trong giờ đầu khi khởi phát triệu chứng thuyên tắc ối, trường hợp may mắn sống sót cũng để lại nhiều di chứng thần kinh nặng nề.

Thuyên tắc ối diễn tiến rất bất ngờ, 50% từ vong do suy hô hấp, trụy tuần hoàn, rối loạn đông máu, dẫn đến chảy máu không cầm được. Đây là tai biến sản khoa không thể tiên lượng, không thể phòng ngừa và không thể điều trị được. Do vậy, để cứu người bệnh thì phải cố gắng nhận diện ra TTO sớm nhất có thể.

Triệu chứng nhận biết nguy cơ thuyên tắc ối:

•Sản phụ tím tái, khó thở, ngưng thở Sp02 (oxy máu) nhỏ hơn hoặc bằng 90%;

•Sản phụ ngưng tim, mạch nhanh, nhẹ, huyết áp tụt;

•Chảy máu không có cục máu đông.

2. Vỡ tử cung là 1 trong 5 tai biến sản khoa đe dọa tính mạng cả mẹ lẫn thai nhi. Vỡ tử cung được hiểu là sự xuất hiện của một vết rách trên thành tử cung. Khi tử cung bị vỡ hoàn toàn, vết rách toạc qua các lớp của thành tử cung và hậu quả có thể nguy hiểm cho thai phụ và thai nhi. Thông thường, khi tử cung đã vỡ, thai nhi sẽ chết và nếu không được xử trí kịp thời thai phụ có khi cũng bị tử vong.

Vỡ tử cung thường xảy ra ở trường hợp thai quá to, ngôi thai bất thường (ngôi ngang), đa thai hoặc có vết mổ ở tử cung. Trước khi vỡ tử cung có một giai đoạn dọa vỡ tử cung, cần phải phát hiện sớm nguy cơ vỡ tử cung để can thiệp kịp thời.

Triệu chứng nhận biết nguy cơ vỡ tử cung:

•Cơn co dồn dập làm cho sản phụ đau đớn vật vã

•Người bệnh có biểu hiện sốc: mặt tái nhợt, vã mồ hôi, mạch nhanh, huyết áp tụt và lịm đi... Có thể ra máu âm đạo nhiều hoặc ít.

•Có thể không có cơn co tử cung.

•Tim thai thường mất.

•Nắn bụng có thể thấy các phần thai nhi lổn nhổn dưới da bụng.

3. Băng huyết sau sinh là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong ở sản phụ, chiếm đến 35%. Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm, có 14 triệu phụ nữ mang thai trên toàn cầu bị ảnh hưởng bởi băng huyết sau sinh. Băng huyết sau sinh là tai biến thường xảy ra trong vòng 24 giờ đầu sau khi sinh. Sản phụ được xác định là bị băng huyết sau sinh nếu như lượng máu tiếp tục ra trên 500ml sau sinh ngả âm đạo hoặc trên 1.000ml sau mổ lấy thai. Băng huyết sau sinh thường gặp ở những thai phụ sinh nhiều lần, con to, nạo thai nhiều lần, có vết mổ ở tử cung.

Triệu chứng nhận biết nguy cơ băng huyết sau sinh:

•Người bệnh có biểu hiện sốc: mệt, tím tái, da xanh xao, khát nước, mạch nhanh nhỏ, huyết áp có thể tụt thấp (chảy máu càng nặng thì huyết áp càng giảm nhiều)

•Chảy máu ồ ạt từ tử cung qua âm đạo ra ngoài.

•Ra máu với các mức độ và hình thái khác nhau

•Một số trường hợp máu chảy không qua âm đạo nhiều nhưng đọng lại trong buồng tử cung hoặc tạo thành các khối huyết tụ.

Tư vấn trực tuyến: Tai biến sản khoa - Phát hiện sớm và can thiệp kịp thời - Ảnh 2.

PGS.TS.BS Lưu Thị Hồng, Trưởng khoa Phụ sản, BVĐK Tâm Anh, Hà Nội đang tiến hành siêu âm, kiểm tra thai cho thai phụ

4. Sản giật là biến chứng của những rối loạn tăng huyết áp trong thời kỳ mang thai trong 3 tháng cuối của thai kỳ với 3 triệu chứng: tăng huyết áp, protein niệu và phù. Tiền sản giật là giai đoạn xảy ra trước khi lên cơn sản giật. Biến chứng xuất huyết não có thể xảy ra ngay khi lên cơn co giật, làm sản phụ hôn mê sâu kéo dài và tử vong. Sản giật có thể xảy ra 50% trước đẻ, 25% trong đẻ, 25% sau đẻ

Triệu chứng nhận biết nguy cơ sản giật:

•Nhiễm độc thai nghén nặng (phù, tăng huyết áp, protein niệu...)

•Hội chứng tiền sản giật: nhức đầu, hoa mắt chóng mặt, mờ mắt, có thể nôn, đau thương vị...

•Xuất hiện cơn sản giật với các đặc điểm đột ngột qua 4 giai đoạn: xâm nhiễm, co cứng, co giật giãn cách và hôn mê. Biến chứng xuất huyết não có thể xảy ra ngay khi sản phụ lên cơn co giật, làm sản phụ hôn mê sâu và tử vong.

5. Nhiễm trùng hậu sản là tình trạng nhiễm trùng xảy ra ở sản phụ sau khi sinh xuất phát từ đường sinh dục như âm đạo, cổ tử cung, tử cung trong khoảng 6 tuần đầu sau sinh. Nhiễm trùng hậu sản là một tai biến sản khoa xảy ra do nhiều nguyên nhân làm ảnh hưởng đến sức khỏe thậm chí đe dọa tính mạng của sản phụ. Các hình thái nhiễm trùng hậu sản thường gặp là nhiễm khuẩn tầng sinh môn, âm hộ, âm đạo; viêm niêm mạc tử cung, viêm tử cung và viêm quanh tử cung, viêm phúc mạc tiểu khung, viêm phúc mạc toàn bộ, nhiễm trùng huyết, viêm tắc tĩnh mạch.

Triệu chứng nhận biết nhiễm trùng hậu sản:

•Sản dịch có mùi hôi

•Có thể bị sốt

•Tử cung co chậm và đau

6. Uốn ván sơ sinh là tình trạng hệ thần kinh trung ương của trẻ bị nhiễm độc bởi độc tố uốn ván Clostridium tetani. Đây là loại độc tố xâm nhập vào cơ thể trẻ thông qua đường rốn, qua vết cắt dây rốn bằng dụng cụ có mang nha bào uốn ván như: dao, kéo, băng bông không được vệ sinh tiệt trùng đúng quy cách, không sạch sẽ. Mặc dù hiện nay, y học đã nghiên cứu các phương pháp hồi sức hiện đại nhằm điều trị uốn ván sơ sinh, nhưng tỷ lệ tử vong do uốn ván sơ sinh vẫn cao, lên đến 80%. Do vậy, cách tốt nhất vẫn là dự phòng phòng bệnh

Triệu chứng nhận biết uốn ván sơ sinh:

•Tê lưỡi, cứng cơ hàm là dấu hiệu đầu tiên của uốn ván.

•Hay lên cơn cơ giật, co giật toàn thân và co cứng cơ.

•Trẻ bỏ ăn, bỏ bú, vã mồ hôi, sốt.

•Trẻ thường nằm ưỡn, nắm chặt tay, gấp khuỷu tay, chân duỗi thẳng.

•Co thắt phế quản, gây ngừng tim và tử vong.

Những bất thường gây nguy hiểm cho thai nhi

1. Hội chứng truyền máu song thai (TTTS) hay còn gọi là Twin-twin transfusion syndrome - TTTS xảy ra trong thai kỳ khi người mẹ mang thai cặp song sinh cùng trứng và cùng chia sẻ một bánh nhau. Sự thông nối giữa mạch máu của hai thai nhi ở trong bánh nhau khiến máu của một thai sẽ truyền cho thai còn lại. Thai cho máu kém phát triển, thiếu ối, yếu ớt, teo tóp dần đi. Thai nhận máu do lượng máu quá nhiều phát triển nhanh dẫn đến suy tim, phù thai, đa ối, bàng quang căng to, đa niệu…

Nếu hội chứng xuất hiện trước tuần 20 của thai kỳ, thai nhi tử vong gần như 100%, mức độ nặng xảy ra trước tuần 16 sẽ cân nhắc chấm dứt thai kỳ. Hội chứng chia làm 5 giai đoạn, ở giai đoạn 3 song thai gặp nguy hiểm, giai đoạn 4 rơi vào nguy kịch, còn giai đoạn 5 thì một hoặc cả 2 bé bị chết lưu. Nếu một trong hai thai chết lưu thì thai còn lại sẽ tử vong trong bụng mẹ.

Triệu chứng nhận biết Hội chứng truyền máu song thai:

•Cảm giác tăng trưởng nhanh chóng của tử cung;

•Tử cung lớn hơn so với kỳ hạn;

•Đau bụng, đau thắt hoặc co thắt;

•Tăng đột ngột trọng lượng cơ thể;

•Sưng ở bàn tay và chân ngay thời kỳ đầu của thai kỳ;

•Nôn mửa;

•Phù nặng;

•Tăng huyết áp.

Tư vấn trực tuyến: Tai biến sản khoa - Phát hiện sớm và can thiệp kịp thời - Ảnh 3.

ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê trong một ca phẫu thuật nội soi cứu sống cặp sinh đôi bị hội chứng truyền máu song thai

2. Dị tật bẩm sinh

Dị tật bẩm sinh là tên gọi chung của các bệnh đã có sẵn khi sinh ra. Đó có thể là các bệnh được chẩn đoán trước khi sinh, hoặc nhiều năm sau khi sinh mới biểu hiện triệu chứng. Dị tật bẩm sinh có thể do bất thường di truyền, tai biến trong tử cung hay rối loạn trong quá trình hình thành của phôi, thai.

Các dị tật bẩm sinh được phân loại dựa vào cấu trúc, chức năng cũng như sự phát triển thể chất. Hiện nay, có hơn 4.000 loại dị tật bẩm sinh được biết đến.

Dị tật cấu trúc xảy ra khi một phần có thể cụ thể nào đó bị thiếu hoặc có hình dạng kỳ dị. Những dị tật cấu trúc thường thấy là:

•Dị tật tim;

•Hở môi hoặc vòm miệng (tình trạng vòm miệng hoặc môi bị sứt hoặc hở);

•Nứt đốt sống (tình trạng tủy sống phát triển không đúng như bình thường);

•Quặp chân (bàn chân bị gập vào trong thay vì hướng về đằng trước);

Dị tật chức năng có thể khiến một phần hoặc toàn bộ hệ thống cơ thể không làm việc bình thường, gây thiểu năng trí tuệ hoặc hạn chế sự phát triển như:

•Hội chứng Down (gây nên tình trạng hạn chế sự phát triển về trí não cũng như thể chất)

•Bệnh tế bào hình liềm (tế bào hồng cầu bị méo)

•Xơ nang (tổn hại cho phổi và hệ tiêu hóa)

Cách phòng ngừa tai biến sản khoa

"Nguyên tắc chung để phòng tránh các biến chứng thai kỳ và bất thường thai là cần quản lý thai kỳ tốt, nhắm sớm phát hiện các thai kỳ nguy cơ để quản lý thai kỳ nguy cơ đó tốt nhất có thể. Điều này có nghĩa là thai phụ cần được khám thai định kỳ và sinh nở ở những cơ sở y tế uy tín", PGS.TS.BS Lưu Thị Hồng - Trưởng khoa Phụ Sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Hà Nội cho biết.

Ngoài ra, để phòng tránh các tai biến trong sản khoa, thai phụ lưu ý:

- Thực hiện đầy đủ lịch khám thai định kỳ, đặc biệt là 3 lần trong thai kỳ vào giai đoạn 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối;

Thực hiện các kiểm tra, siêu âm, xét nghiệm cần thiết để tầm soát dị tật thai và bất thường nếu có;

- Cần tiêm phòng uốn ván đầy đủ, bổ sung sắt, canxi…

- Có chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi, lao động nhẹ nhàng.

- Khi có một trong các dấu hiệu bất thường như: đau bụng, ra nước âm đạo, ra huyết âm đạo, nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, thai máy yếu, đau bên sườn hoặc khó thở… cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Tư vấn, giải đáp thắc mắc về Tai biến sản khoa - Phát hiện sớm và can thiệp kịp thời

Tất cả những thắc mắc, lo lắng của các ông bố, bà mẹ tương lai về quá trình mang thai an toàn sẽ được giải đáp trong chương trình giao lưu trực tuyến do BVĐK Tâm Anh, Hà Nội phối hợp với báo điện tử VTV.VN tổ chức: "TAI BIẾN SẢN KHOA - PHÁT HIỆN SỚM VÀ CAN THIỆP KỊP THỜI" vào lúc 20h, ngày 06/05/2020.

Tư vấn trực tuyến: Tai biến sản khoa - Phát hiện sớm và can thiệp kịp thời - Ảnh 4.

Chương trình phát trực tiếp trên báo điện tử https://vtv.vn/, https://tamanhhospital.vn/, livestream trên các fanpage: Thời sự VTV, Trung tâm Tin tức VTV24, Báo điện tử VTV, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, IVF Tâm Anh Hà Nội đồng thời tiếp sóng trên: fanpage VnExpress.net của Báo điện tử VnExpress với sự tham gia của các chuyên gia Sản - Nhi khoa hàng đầu:

•PGS.TS.BS Khu Thị Khánh Dung - Nguyên Phó Giám đốc, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương, Cố vấn cao cấp về Nhi khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Hà Nội.

•PGS.TS.BS Lưu Thị Hồng - Trưởng khoa Phụ Sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Hà Nội.

•ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê - Bác sĩ cao cấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Hà Nội.

Ngay từ bây giờ, độc giả có thể gửi những thắc mắc liên quan qua hộp thư điện tử suckhoe@vtv.vn, gọi điện đến tổng đài 1800 6858 hoặc gửi câu hỏi ngay tại fanpage Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để được các chuyên gia tư vấn trực tiếp trong chương trình.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục