Ứng dụng trí tuệ nhân tạo để đưa ra phác đồ điều trị ung thư

Lê Thạch, icon
06:20 ngày 11/05/2018

VTV.vn - Bệnh viện K vừa tổ chức Hội thảo "Báo cáo kết quả thử nghiệm hệ thống IBM Watson for Oncology - Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ điều trị ung thư".

Hệ thống đã được đưa vào thử nghiệm tại Bệnh viện K từ cuối tháng 1/2018

IBM Watson for Oncology là hệ thống ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ đưa ra phác đồ điều trị ung thư dựa trên bằng chứng; được phát triển bởi Công ty IBM và các chuyên gia của Trung tâm ung thư Memorial Sloan Kettering (Hoa Kỳ).

Hệ thống được xây dựng dựa trên việc tổng hợp hàng triệu hồ sơ bệnh án ung thư, hơn 300 tạp chí y khoa, 200 sách giáo khoa và hơn 15 triệu trang tài liệu y văn liên quan đến ung thư. Tới nay, hệ thống này hỗ trợ thông tin liên quan tới 13 loại ung thư và đã triển khai tại hơn 80 bệnh viện và các cơ sở y tế trên toàn thế giới.

Tại Bệnh viện K, hệ thống đã được đưa vào thử nghiệm từ cuối tháng 1/2018 trên số lượng 200 ca bệnh, tập trung phần lớn là bệnh ung thư vú, phổi. Sau 3 tháng triển khai thử nghiệm, kết quả cho thấy sự tương đồng giữa phác đồ mà hệ thống IBM WFO đưa ra và phác đồ của bác sĩ của bệnh viện là trên 90%. Điều này cho thấy, các bác sĩ của bệnh viện đã cập nhật và sử dụng các phác đồ điều trị ung thư tiên tiến trên thế giới.

Theo PGS.TS Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc Bệnh viện K, hệ thống đặc biệt hữu ích trong việc đào tạo, nâng cao năng lực của bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ trẻ và nhất là tại tuyến tỉnh. Tuy nhiên, xu hướng điều trị ung thư là cá thể hóa và việc đưa ra phác đồ điều trị phụ thuộc vào đặc điểm của từng bệnh nhân. Chỉ có bác sĩ mới đưa ra các chỉ định phù hợp với điều kiện sinh học và hoàn cảnh xã hội khác nhau của từng người bệnh. Do đó, hiện tại và lâu dài hệ thống này không thể thay thế bác sĩ trong việc khám, chẩn đoán và quyết định điều trị lâm sàng.

Chuyên gia từ IBM WFO cho rằng, bên cạnh những ưu điểm thì hiện tại hệ thống mới hỗ trợ điều trị 13 loại ung thư phổ biến. Hệ thống chưa chẩn đoán và không chịu trách nhiệm điều trị, không hỗ trợ điều trị với người bệnh mắc nhiều loại ung thư cùng một lúc, bệnh nhân dưới 18 hoặc trên 89 tuổi. Vây nên, IBM không thể thay thế bác sĩ mà chỉ đưa ra nhiều thông tin hơn, hỗ trợ bác sĩ trong điều trị và cho người bệnh những lựa chọn điều trị phù hợp theo hướng dẫn cập nhật.

Tại hội thảo, nhiều bác sĩ cũng cho rằng IBM WFO không phải là phương pháp chẩn đoán hay điều trị ung thư mà là phương tiện gợi ý, giúp bác sĩ chuyên ngành ung thư có thêm sự lựa chọn, tham khảo trong quá trình điều trị. Việc quyết định điều trị cuối cùng cần thiết phải dựa trên kiến thức, kỹ năng của bác sĩ chuyên khoa trên từng trường hợp bệnh nhân cụ thể… bởi lẽ điều trị ung thư không những cần áp dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật mà còn đòi hỏi cả nghệ thuật, kinh nghiệm của người thầy thuốc, có như vậy mới có thể mang lại hiệu quả điều trị cao nhất cho người bệnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục