Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn - Bệnh lý nguy hiểm

Linh Chi, icon
08:00 ngày 17/04/2020

VTV.vn - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vừa tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhân nam 33 tuổi với chẩn đoán viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn.

Bệnh nhân tiền sử hoàn toàn khỏe mạnh. Khoảng 1 tháng nay xuất hiện sốt, ăn uống kém, thỉnh thoảng khó tiểu tiện và đau thắt lưng trái.

Đến khám tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm trùng đường tiết niệu. Sau khoảng 1 tuần điều trị kháng sinh đường tiêm phối hợp, bệnh nhân hết sốt, ăn uống tốt, được chỉ định ra viện, tiếp tục uống thuốc kháng sinh tại nhà.

Tuy nhiên, tình trạng sốt tái diễn sau 1 tuần. Khi quay lại khám, ngoài triệu chứng như lần trước, bệnh nhân còn có đau ngực và khó thở nhẹ. Qua kiểm tra, bác sĩ phát hiện thêm tình trạng tim mạch bất thường: hở và sùi van hai lá, kèm theo giãn buồng tim.

Bệnh nhân được chuyển vào Trung tâm Tim mạch của bệnh viện để điều trị tiếp với chẩn đoán: Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn.

Theo các bác sĩ, đây là một bệnh lý vô cùng phức tạp. Về mặt lý thuyết, yêu cầu tiên quyết để điều trị khỏi bệnh là phải tìm thấy và tiêu diệt vi khuẩn bằng thuốc kháng sinh đặc hiệu (thường phải mất khoảng 1,5 tháng). Sau đó, người bệnh được theo dõi chặt chẽ, trong vòng 1 tháng, nếu hoàn toàn ổn định thì sẽ phẫu thuật khắc phục những hậu quả nặng nề trên tim mạch.

Tuy nhiên, ở bệnh nhân phát sinh những vấn đề nan giải khiến cho các bác sĩ phải hết sức thận trọng và cân nhắc để đưa ra quyết định cuối cùng mà không thể tiến hành tuần tự các bước như quy trình đã nói ở trên.

Bệnh nhân đã được làm tất cả các xét nghiệm tối ưu nhưng không thể tìm thấy vi khuẩn gây ra bệnh - điều đôi khi vẫn xảy ra trong thực hành lâm sàng với các nhiễm trùng toàn thân nặng. Khi đó, sử dụng thuốc kháng sinh thế nào để diệt được vi khuẩn gây nhiễm trùng sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào kinh nghiệm của người thầy thuốc và tình trạng thực tế người bệnh. Sau một thời gian điều trị thuốc, bệnh nhân đã có cải thiện nhiễm trùng rõ rệt nhưng chưa dứt hoàn toàn.

Ngoài tình trạng hở van tim nặng, trong buồng tim còn chứa một cục sùi rất lớn và di động mạnh (khoảng 20mm, là vị trí vi khuẩn "làm tổ"). Theo y văn thế giới, những cục sùi lớn hơn 10mm nếu không được phẫu thuật kịp thời thì có thể văng ra và trôi đi một phần hay toàn bộ, nguy cơ dẫn tới tình trạng đột tử khi nó di chuyển lên não hoặc làm tắc mạch máu trong ổ bụng.

TS.BS Vũ Ngọc Tú - phẫu thuật viên trực tiếp tham gia cho biết: Ca mổ đã diễn ra thuận lợi, cắt bỏ cục sùi, khắc phục được hở van tim bằng giải pháp tối ưu, kỹ thuật phức tạp: bệnh nhân được tạo hình, giữ lại gần như nguyên vẹn cấu trúc van tim thay vì sử dụng kỹ thuật khá đơn giản là thay van tim nhân tạo như thông thường.

Lý do lựa chọn phương pháp này cho bệnh nhân, TS.BS Vũ Ngọc Tú cho hay: Bệnh nhân còn quá trẻ, tạo hình thành công sẽ là tiền đề để anh có cuộc sống hoàn toàn bình thường sau này, thay vì phải khám định kỳ liên tục, sử dụng thuốc chống đông liều cao, kèm theo nhiều biến chứng, hệ lụy nguy hiểm đeo đẳng suốt đời nếu như phải thay van nhân tạo. Ngoài ra, tạo hình van tim cũng sẽ giảm thiểu cấu trúc nhân tạo được đưa vào buồng tim, giảm nguy cơ tái phát nhiễm trùng.

Bên cạnh đó, nhờ kỹ thuật siêu âm tim thực quản 3D được thực hiện ngay trong mổ cho thấy các cấu trúc và chức năng van tim, buồng tim tốt như ở người bình thường.

Sau mổ 2 ngày, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, hết sốt, nói chuyện và ăn uống bình thường. Đây là cơ sở quan trọng để chuyển sang giai đoạn điều trị dứt điểm viêm nội tâm mạc, bệnh nhân có thể xuất viện trong thời gian sớm nhất.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục