Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn - Căn bệnh nguy hiểm

P.V, icon
09:00 ngày 16/02/2022

VTV.vn - Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Đà Nẵng vừa tiếp nhận điều trị một bệnh nhân 15 tuổi bị viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Theo thông tin từ bệnh viện, sáng 12/2, bệnh nhân người nhà đưa đến cấp cứu trong tình trạng đau bụng quanh rốn, với các đầu ngón tay, ngón chân bị thâm có nốt đỏ, bệnh nhân có biểu hiện sốt nhẹ trong 3 ngày trước khi nhập viện.

Các bác sĩ đã khám, kiểm tra các xét nghiệm, đặc biệt siêu âm doppler tim phát hiện có mảng sùi (van tim) tại van động mạch chủ kèm hở van động mạch chủ 2/4.

Nhận thấy được các điểm bất thường ở tim, các bác sĩ đã nhanh chóng hội chẩn và đưa ra kết luận: Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn.

Theo BSCKI. Trần Lệ Hằng, Trưởng Khoa Khám bệnh, đây là một bệnh lý vô cùng phức tạp, bệnh nhân cần được nhanh chóng nhập viện để có những phác đồ điều trị an toàn. Về mặt lý thuyết, yêu cầu tiên quyết để điều trị khỏi bệnh là phải tìm thấy và tiêu diệt vi khuẩn bằng thuốc kháng sinh đặc hiệu.

Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn - Căn bệnh nguy hiểm - Ảnh 1.

Đầu ngón tay, chân của bệnh nhân có các vết thâm đỏ. Ảnh: BVCC

Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn là tình trạng nhiễm trùng và viêm các van tim cũng như lớp lót bên trong các buồng tim (nội tâm mạc). Viêm nội tâm mạc xảy ra khi các sinh vật gây bệnh chẳng hạn như vi khuẩn hoặc nấm đi vào máu và ở lại trong tim. Trong hầu hết các trường hợp, những sinh vật này là liên cầu, tụ cầu hoặc các loài vi khuẩn thường sống trên bề mặt cơ thể.

Tùy thuộc vào độc lực của các mầm bệnh, tổn thương tim do viêm nội tâm mạc có thể nhanh chóng và nặng (viêm nội tâm mạc cấp tính) hoặc chậm hơn và ít nguy kịch (viêm nội tâm mạc bán cấp).

Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn bán cấp thường được gây ra bởi vi khuẩn Streptococcus viridans, xảy ra trên van bị tổn thương và nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây tử vong.

Để phòng ngừa viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, các bác sĩ lưu ý:

Vệ sinh răng miệng đúng cách mỗi ngày, trong đó có thể bao gồm: thường xuyên đánh răng và dùng chỉ nha khoa, tránh đánh răng mạnh tay, khám nha khoa thường xuyên, đảm bảo răng giả đúng vị trí.

Tránh gây nhiễm trùng da, bao gồm xỏ khuyên trên cơ thể và xăm mình.

Đảm bảo an toàn khi thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán hoặc thủ thuật ngoại khoa trong bệnh viện.

Điều trị các tình trạng liên quan đến tim kịp thời.

Tránh sử dụng thuốc tiêm tĩnh mạch.

Kiểm soát bệnh tiểu đường bằng cách thay đổi lối sống phù hợp.

Giải quyết ngay bất kỳ vấn đề y khoa nào gây suy giảm hệ miễn dịch bao gồm cả điều trị nhiễm HIV và AIDS.

Thường xuyên tái khám nếu được chẩn đoán từng mắc bệnh viêm nội tâm mạc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục