Đại diện Ngân hàng TMCP Đông Nam Á cho biết, khoản đầu tư trị giá 75 triệu USD của AIIB cho dự án trái phiếu xanh lam và xanh lá của SeABank sẽ giúp ngân hàng củng cố thêm nguồn vốn. Ngoài ra, khoản đầu tư này sẽ được SeABank hướng tới mở rộng tài trợ cho các hoạt động kinh tế gắn với biển và nước, tăng trưởng các tài sản như tòa nhà xanh, năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng.
AIIB là ngân hàng phát triển đa phương được thành lập bởi hơn 50 nước thành viên sáng lập trong và ngoài khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hoạt động với mục tiêu hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững trong khu vực, AIIB tập trung vào các lĩnh vực đầu tư chính như năng lượng, giao thông và nước sạch.
Khoản đầu tư trị giá 75 triệu USD này được xúc tiến thông qua IFC, một trong những đối tác chiến lược đồng hành cùng SeABank trong quá trình triển khai các dự án bền vững, gắn liền với tài chính xanh được chính phủ Australia hỗ trợ. Mới đây, IFC đã cung cấp khoản đầu tư trị giá 150 triệu USD cho SeABank để xây dựng thị trường tài chính xanh lam, đẩy mạnh trái phiếu xanh lá và hỗ trợ các doanh nghiệp SME tại Việt Nam.
Ông Gregory Liu, Tổng Giám đốc phụ trách Quỹ và Định chế tài chính toàn cầu AIIB cho rằng, kế hoạch trên nhấn mạnh vai trò của việc huy động nguồn lực từ các tổ chức tài chính vào các dự án liên quan đến giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu.
"Chúng tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều trái phiếu chủ đề được các tổ chức tài chính Việt Nam khác phát hành trong tương lai", ông Gregory Liu nói.
Theo thống kê, từ năm 2019-2023, Việt Nam đã phát hành trái phiếu xanh được 1,157 tỷ USD (Ảnh minh hoạ)
Với cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 năm 2050, giảm phát thải khí methane vào năm 2030, nhu cầu đầu tư của Việt Nam vào các dự án giảm thiểu tác động đến môi trường đang ngày càng lớn. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cần đầu tư thêm khoảng 368 tỷ USD cho đến năm 2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm khi theo đuổi lộ trình phát triển kết hợp khả năng chống chịu và phát thải ròng bằng "0".
Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng một số nghị định, thông tư khuyến khích phát triển tài chính xanh, để tài chính xanh thật sự là kênh dẫn vốn và điều tiết nguồn lực cho phát triển xanh, phát triển bền vững. Chính sách huy động cả từ khu vực tài chính công, các định chế tài chính lớn cũng như từ khu vực tư, các tổ chức tài chính vi mô.
Đến nay, thị trường tài chính xanh tại Việt Nam đã định hình nền tảng và phát triển với 3 cấu phần, gồm: thị trường tín dụng xanh, thị trường cổ phiếu xanh và trái phiếu xanh. Bộ Tài chính đã phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện khung khổ pháp lý về trái phiếu xanh. Trên thị trường có các sản phẩm trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương phục vụ cho các dự án, công trình xanh như: thủy lợi, bảo vệ môi trường, điện gió, năng lượng mặt trời. Theo thống kê, từ năm 2019-2023, Việt Nam đã phát hành trái phiếu xanh được 1,157 tỷ USD.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!