Cẩn trọng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu

Hoàng Nam-Thứ tư, ngày 28/10/2020 23:05 GMT+7

VTV.vn - Nếu doanh nghiệp phát hành trái phiếu phá sản mà không có tài sản đảm bảo (TSĐB) thì không có nguồn nào để nhà đầu tư thu hồi lại tiền.

Hàng trăm nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp không có TSĐB vẫn "đắt hàng"

Theo SSI Research, lãi suất tiền gửi tiếp tục giảm mạnh (70-110bps) trong Quý 3/2020 đưa lãi suất tiền gửi về vùng thấp lịch sử, hiện chỉ giữ ở mức 3-3.8%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 3.7-5.0%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng, 4.9-5.8%/năm với kỳ hạn 12,13 tháng. Chênh lệch lãi suất giữa trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trên thứ cấp và lãi suất tiền gửi tiếp tục giãn rộng, khoảng từ 2%-4%/năm khiến TPDN vẫn "đắt hàng".

Trong 9 tháng năm 2020, nếu loại trừ 98 nghìn tỷ đồng TPDN không có thông tin về tài sản đảm bảo và toàn bộ 101,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu ngân hàng và công ty chứng khoán không có tài sản đảm bảo, số TPDN không có tài sản đảm bảo là 43,5 nghìn tỷ, gồm: 20,5 nghìn tỷ là trái phiếu BĐS (TNR Holdings, Địa ốc Phú Long, CTCP BĐS Mỹ, CTCP Đầu tư và Xây dựng Phú Thượng…); và 22,6 nghìn tỷ trái phiếu của các doanh nghiệp khác (Sovico, Masan, BCG, IPA…).

Có 29,1 nghìn tỷ trái phiếu được bảo đảm bằng cổ phiếu của chính tổ chức phát hành hoặc của bên thứ 3, gồm: 22,9 nghìn tỷ đồng trái phiếu BĐS (Vinhomes, CTCP Phát triển BĐS Phát Đạt, Novaland…); và các trái phiếu của Tổng CTCP Thiết bị Điện VN, Camimex, Uniben, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM…

Cẩn trọng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu - Ảnh 1.

Cẩn trọng khi đầu tư TPDN không có TSĐB

Dù lãi suất hấp dẫn và lời mời gọi đầu tư có "chắc nịch" thế nào. Nhà đầu tư cá nhân cũng phải luôn lưu ý, trái phiếu doanh nghiệp là sản phẩm đầu tư, bên cạnh mặt lợi nhuận vẫn có mặt rủi ro.

"Rủi ro là doanh nghiệp phát hành không trả được gốc và lãi trái phiếu khi có vấn đề về sản xuất kinh doanh hay là khi doanh nghiệp triển khai dự án thất bại hay không hiệu quả thì là nhà đầu tư sẽ bị mất tiền", ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Thanh Tú, Chuyên viên phân tích cao cấp, Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư, CTCP Chứng khoán SSI cho biết: "Tài sản đảm bảo đối với trái phiếu là cái phao cuối cùng với nhà đầu tư khi mà tổ chức phát hành mất khả năng thanh toán và bị phá sản, cái giúp cho nhà đầu tư thu hồi được vốn đầu tư là xử lý tài sản đảm bảo. Trái phiếu không có tài sản đảm bảo mà doanh nghiệp phá sản là không có nguồn nào thu hồi đầu tư luôn".

Theo bà Tú, kể cả với tài sản đảm bảo là cổ phiếu, khi mà doanh nghiệp mất khả năng thanh toán hoặc là có vấn đề dẫn đến phá sản không thực hiện được trách nhiệm với chủ nợ, cổ phiếu của doanh nghiệp cũng sẽ bị giảm giá rất là mạnh hoặc cổ phiếu bên thứ 3 đứng ra đảm bảo cũng sẽ bị ảnh hưởng mạnh, có thể về 0 nên tài sản đảm bảo là cổ phiếu cũng không được đánh giá cao.

Dù vậy không phải mọi TPDN không có tài sản đảm bảo hay đảm bảo bằng cổ phiếu đều không nên đầu tư, 1 số TPDN được các nhà tạo lập thị trường là ngân hàng, công ty chứng khoán tạo ra tính thanh khoản bằng cam kết mua lại hay tạo ra thị trường thứ cấp sôi động cho các mã trái phiếu thì vẫn có thể đầu tư trong khoảng thời gian kỳ vọng và bán lại trên thị trường nhờ tính thanh khoản cao.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và  VTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước