Doanh nghiệp đầu tư chứng khoán: Cẩn thận “trọng thương”

Hoàng Nam-Thứ hai, ngày 23/11/2020 19:30 GMT+7

VTV.vn - Sóng đầu tư tài chính nhiều khả năng chỉ có trong năm nay, năm sau chưa chắc có. Doanh nghiệp không nên quá ham cái lợi ngắn hạn.

Những nhà đầu tư F0 "bất đắc dĩ": Người được, người mất

Thanh khoản đột biến và sự thăng hoa của chỉ số VN-INDEX suốt nhiều tháng qua có đóng góp lớn từ lực lượng nhà đầu tư thế hệ mới hay còn được gọi là F0. Trong số F0 này rất nhiều là nhà đầu tư cá nhân nhưng cũng không ít trong đó là các nhà đầu tư tổ chức, những doanh nghiệp niêm yết có dòng tiền sản xuất kinh doanh bị tắc nghẽn bởi COVID-19 và bất đắc dĩ phải trở thành nhà đầu tư chứng khoán.

Xem xét báo cáo tài chính của Thủy sản Vĩnh Hoàn (VHC), 9 tháng đầu năm, Vĩnh Hoàn ghi nhận lãi ròng 26,4 tỷ đồng từ đầu tư vào các cổ phiếu như MWG, HPG, VNM. Hay như CTCP SXKD Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (GIL), nếu như đầu năm nay, giá trị gốc của khoản đầu tư chứng khoán là khoảng 3 tỷ đồng thì tới 30/9 đã tăng lên 14,7 tỷ đồng.

Doanh nghiệp đầu tư chứng khoán: Cẩn thận “trọng thương” - Ảnh 1.

Nguồn: Báo cáo tài chính VHC

Mặc dù thị trường chung thuận lợi nhưng không phải công ty nào cũng kiếm được lời. Ví dụ như Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (NDN), 9 tháng 2020 đang cho thấy khoản lãi do đầu tư chứng khoán khoảng 12,9 tỷ đồng nhưng đã lỗ hơn 25 tỷ đồng. Nhìn xa ra cả năm 2019, công ty này cũng lỗ 10,7 tỷ đồng.

Doanh nghiệp trái ngành không nên ham đầu tư chứng khoán

Theo các chuyên gia, việc doanh nghiệp chủ động tìm kiếm cơ hội kinh doanh trong bối cảnh dòng tiền sản xuất bị ứ đọng cho thấy sự linh hoạt và bản lĩnh. Nhưng các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp không có ngành nghề kinh doanh chính là tài chính cần nhớ đến 1 số bài học nhãn tiền.

"Gỗ Trường Thành nhiều năm trước đang ăn nên làm ra số 1 Việt Nam về nội thất mà 1 lần đi đầu cơ gỗ, nghĩ giá gỗ lên xong ôm 1 đống về rồi giá gỗ sụt thì doanh nghiệp điêu đứng gần như sạt nghiệp luôn, với Vĩnh Hoàn chưa thấy vấn đề nhưng nếu liều lĩnh đầu tư tài chính quá cũng cẩn thận trọng thương", ông Nguyễn Đức Hùng Linh, chuyên gia tư vấn đầu tư cho biết.

Theo ông Hùng Linh, bối cảnh COVID-19 lại tạo ra những khoảng trống nhất định mà doanh nghiệp có thể tranh thủ để đầu tư Nghiên cứu & Phát triển (R&D) hay Mua bán & Sáp nhập (M&A) từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng sản xuất. Định giá doanh nghiệp là dòng tiền tương lai, dự án thành công thì giá trị doanh nghiệp cũng đi lên. Tiền mang lại từ dự án mở rộng mới rất đều và đem lại giá trị bền vững cho cổ đông. Trong khi đó, lợi nhuận tài chính là lợi nhuận bất thường, ngắn hạn, chưa kể lỗ là mất ngay trước mắt trong khi lợi dài hạn không thấy đâu.

"Đầu tư tài chính thì chỉ có sóng năm nay, năm sau chắc chắn không có, trong khi nếu doanh nghiệp tập trung vào cơ bản, mở rộng sản xuất kinh doanh thì năm nay có thể chưa mang lại lợi nhuận nhưng khi dự án mới hoàn thành và nó hoạt động tốt sẽ mang lại dòng tiền rất ổn định", ông Nguyễn Đức Hùng Linh, chuyên gia tư vấn đầu tư chia sẻ.

Còn với các doanh nghiệp đã và đang muốn tham gia đầu tư tài chính, Ông Phạm Thanh Tùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trí Việt (T-Corp) cho biết 1 lựa chọn phù hợp và an toàn hơn là đầu tư trái phiếu doanh nghiệp còn mảng cổ phiếu chỉ nên phân bổ 1 tỷ trọng nhỏ. Doanh nghiệp nên phát triển 1 tiểu ban chứng khoán quản lý rủi ro và việc tham vấn, thậm chí thuê mua nguồn lực từ các công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư trong bối cảnh hiện này được xem là cần thiết.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và  VTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước