Nợ công vẫn ở mức an toàn

Nguyễn Trung (Ban Thời sự)-Thứ năm, ngày 24/12/2015 19:28 GMT+7

VTV.vn - Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá, nợ công của Việt Nam vẫn ở mức an toàn theo tiêu chuẩn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng thế giới.

Với dự kiến tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 bình quân đạt 6,5 - 7% và Ngân sách nhà nước không phát sinh nhu cầu chi đột xuất lớn, dự báo nợ công sẽ giảm dần ở mức đảm bảo an ninh tài chính quốc gia vững chắc. Đó là một trong những nội dung quan trọng trong văn bản của Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa về kế hoạch giảm nợ công, giảm thâm hụt ngân sách Nhà nước. Hiện tại, nợ công vẫn đang ở mức an toàn và góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo Bộ Tài chính, nợ công Việt Nam tăng từ mức 50% GDP năm 2011 lên mức dự kiến 61,3% GDP năm 2015, trong đó nợ Chính phủ khoảng 49% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 41,5% GDP. Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá, nợ công của Việt Nam vẫn ở mức an toàn theo tiêu chuẩn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng thế giới.

Nợ công thời gian qua tăng có nguyên nhân quan trọng là do ngân sách Nhà nước bị thâm hụt trước áp lực phải giảm thuế, phí để hỗ trợ doanh nghiệp và giá dầu thô giảm mạnh. Mặt khác, do nhu cầu chi tăng mạnh, đặc biệt là nhu cầu đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và an sinh xã hội. Hiện 98% nợ công được sử dụng cho đầu tư phát triển.

Trong 5 năm qua, cả nước tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội và đạt được kết quả quan trọng. Nhiều công trình hạ tầng thiết yếu về giao thông, năng lượng, thủy lợi, đô thị, thông tin truyền thông, y tế, giáo dục đã được đưa vào sử dụng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tạo diện mạo mới cho đất nước. Do vậy, dư nợ công từ năm 2011 đến năm 2015 tăng thêm khoảng 7% GDP chủ yếu là do phải tăng vay để đầu tư kết cấu hạ tầng.

Dù nợ công vẫn ở mức an toàn song các chỉ số đo lường nợ công đang tiệm cận các ngưỡng cảnh báo và cao hơn mức bình quân của các nước đang phát triển. Thêm vào đó, bội chi ngân sách ở mức cao, nghĩa vụ trả nợ hàng năm tăng mạnh, trong khi việc sử dụng vốn vay ở một số dự án chưa thực sự hiệu quả đang gây áp lực cho việc cân đối nguồn vốn để trả nợ.

Để nợ công luôn ở mức an toàn, Chính phủ cũng đã đề ra nhiều biện pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công và đầu tư công trong thời gian tới. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã chỉ đạo tăng cường tính tuân thủ kỷ luật tài khóa trong quản lý và sử dụng ngân sách và nợ công, đặc biệt là giảm dần mức bội chi ngân sách xuống dưới 4% vào năm 2020.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước