Ông Lê Tất Dũng (trái) nhận phao cứu sinh của Ban An toàn giao thông tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: Dân trí)
Kể từ khi chiếc cầu phao dài gần 80m, rộng 2m, được nâng bởi 150 thùng phuy và chịu được tải trọng 750kg được đưa vào sử dụng, công việc vận chuyển nông sản, cũng như đi lại của hơn 3.000 hộ dân ở 5 thôn thuộc 2 xã Đại Cường và Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam đã trở nên dễ dàng hơn. Được đi lại trên một chiếc cầu phao chắc chắn và không còn lụy cảnh đò giang đã đem lại niềm vui rất lớn cho người dân ở hai bên bờ sông Vu Gia.
Ông Đỗ Văn Chung, xã Đại An, huyện Đại lộc, cho biết: “Trước khi có cây cầu phao, việc vận chuyển nông sản qua lại hai bờ sông của người dân chỉ bằng một chiếc thuyền. Khi nông sản nhiều, mọi người làm một chiếc cầu tre nhưng cầu tre thường không an toàn trong đi lại. Do vậy, chiếc cầu phao mới đã giúp ích rất nhiều cho người dân ở vùng ngập lụt này”.
Hiện tại, ông Dũng đang sống trong một căn nhà lợp tôn rất tạm bợ. 300 triệu đồng bỏ ra xây cầu là số tiền ông Dũng tích cóp trong 20 năm làm nghề sửa xe và lẽ ra số tiền này được dùng để sửa lại căn nhà xiêu vẹo của ông. Tuy nhiên, do nhiều năm chứng kiến cảnh đi lại quá vất vả của bà con trong xã vào mỗi mùa mưa lũ trên sông Vu Gia, nên ông đã dùng số tiền đó cho việc xây cầu phao. Chính bởi vậy, cây cầu phao lại càng có ý nghĩa hơn.
“Trường hợp ông Dũng là một trường hợp rất đặc biệt vì đây là lần đầu tiên có một cá nhân bỏ tiền ra xây cầu để phục vụ dân sinh. Trước mắt, ban An toàn giao thông tỉnh hỗ trợ ông 15 triệu đồng, 20 cái phao và 300m cáp. Sau này, nếu có sự cố hỏng hóc mọi người sẽ có phương án hỗ trợ thêm. Việc làm của ông Dũng cần được nhân rộng để giúp người dân đi lại an toàn ở các tuyến ven sông và đò ngang”, ông Lê Ngọc Sơn, Phó Chánh văn phòng ban An toàn giao thông tỉnh, cho biết.
Cây cầu phao mới thuộc 2 xã Đại Cường và Đại An, huyện Đại Lộc đã được đưa vào hoạt động gần 6 tháng, nhưng ông Lê Tất Dũng không hề tính tới chuyện thu phí người và phương tiện qua lại mặc dù ông được chính quyền cho phép.
Giờ đây, hạnh phúc của ông Dũng không phải là xây cho riêng mình một căn nhà tươm tất, mà niềm vui lớn nhất của anh là hằng ngày được nhìn bà con ra đồng, nhìn các em học trò tung tăng đến lớp trên chiếc cầu do tự tay mình thiết kế và thi công.
Tuy nhiên, điều mà ông Lê Tất Dũng lo lắng nhất hiện nay là duy tu, bảo dưỡng cho cây cầu, vì tiền ông có đã đầu tư hết vào xây cầu, nên nếu cầu bị hư hỏng trong quá trình sử dụng, việc tìm kiếm nguồn kinh phí để sửa chữa cho cây cầu sẽ gặp rất nhiều khó khăn.