Đại dịch COVID - 19 đã gây ra những hậu quả nặng nề về nhiều mặt, mà người lao động yếu thế, trong đó có nhóm công nhân tại các nhà máy phải hứng chịu nhiều khó khăn, thiệt thòi. Từ đó FUNiX cùng 40 doanh nghiệp CNTT chính thức ra mắt Dự án Chuyển đổi số Công nhân - Chương trình học nghề lập trình miễn phí dành cho đối tượng này.
Theo đó, 40 doanh nghiệp CNTT cùng FUNiX sẽ chung tay trực tiếp đào tạo công nhân trở thành nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của chính mình. Các doanh nghiệp tài trợ ủy quyền cho FUNiX tiếp nhận và đào tạo lực lượng công nhân có mong muốn nhận tài trợ từ chương trình để học nghề và gia nhập ngành CNTT.
Dự án triển khai các chương trình học nghề dành cho công nhân, đặt mục tiêu mang đến cơ hội nghề nghiệp mới trong ngành công nghệ thông tin cho người lao động bị ảnh hưởng, mất việc hoặc có mong muốn chuyển nghề trong đại dịch. Đây đồng thời là một giải pháp tốt cung cấp nguồn nhân lực cho ngành CNTT vốn đang thiếu hụt trầm trọng.
40 doanh nghiệp CNTT đồng hành cùng FUNiX khởi động dự án Chuyển đổi số cho công nhân, mang cơ hội học lập trình cho người lao động muốn chuyển nghề sang lĩnh vực IT.
Người lao động là công nhân, nhân viên các ngành nghề chịu ảnh hưởng vì COVID - 19, có mong muốn chuyển nghề sang IT… không phân biệt tuổi tác, giới tính đều có thể tham gia và được doanh nghiệp tài trợ toàn bộ học phí để hoàn thành chương trình đào tạo trở thành lập trình viên.
Khóa học chuyển nghề công nghệ thông tin có lộ trình 6 tháng. Học viên cần cam kết học tập trực tuyến ít nhất 3 giờ/ngày, 6 ngày/tuần, mỗi ngày đều chủ động trao đổi học tập với giảng viên và cam kết làm việc cho doanh nghiệp ít nhất một năm sau khi học xong. Để đảm bảo cam kết này học viên đặt cọc 50% chi phí khóa học (tương đương 15 triệu đồng) và sẽ nhận lại số tiền này sau khi hoàn thành khóa học và nhận việc tại doanh nghiệp.
"Dự án tạo cơ hội để công nhân có mong muốn và quyết tâm có thể học và gia nhập vào ngành CNTT, đón đầu những cơ hội hấp dẫn trong nghề. Với sự đồng hành của doanh nghiệp và phương thức học tập hiệu quả của FUNiX, người lao động hoàn toàn có thể hoàn thành kế hoạch học tập chuyển nghề", bà Lê Minh Đức, Giám đốc FUNiX khẳng định.
Công nhân tham gia chương trình có 4 lựa chọn: Học nghề Tester, học nghề Lập trình viên Java, học nghề Lập trình viên Full Stack và học nghề Lập trình viên Mobile. Khóa học được thiết kế online, giúp học viên có thể học tập linh hoạt theo thời gian biểu của mình. Cùng với đó là sự hỗ trợ của các Hannah - đội ngũ chăm sóc học viên giàu kinh nghiệm và hàng nghìn mentor trong ngành IT - đội ngũ chuyên gia hướng dẫn kiến thức cho người học 24/7.
Hiện nay, tại FUNiX đã có nhiều học viên là công nhân, người lao động như tài xế xe tải, đầu bếp, các bạn trẻ kinh doanh tự do… theo học lập trình để chuyển hướng sang ngành CNTT. Có những xuất phát điểm khác nhau, nhưng rất nhiều bạn trong số đó đã tìm được hướng đi và hiện thực hóa mục tiêu của mình sau một quá trình học tập tại FUNiX.
Lê Đình Văn - một công nhân may tại Quảng Nam với quyết tâm xây dựng cho mình một tương lai rõ ràng, có cơ hội phát triển đã chọn học CNTT trực tuyến ở FUNiX và chuyển nghề thành công
Lê Đình Văn - một công nhân may tại Quảng Nam với quyết tâm xây dựng cho mình một tương lai rõ ràng, có cơ hội phát triển đã chọn học CNTT trực tuyến ở FUNiX và chuyển nghề thành công, hiện đang là lập trình viên tại FPT Software. Vượt qua những bỡ ngỡ, sự phản đối và nghi ngờ của gia đình, người thân, Lê Đình Văn đã nỗ lực thực hiện mơ ước. "Mọi con đường đều rất gian nan nhưng chỉ cần cố gắng hết sức, nhất định một ngày nào đó bạn sẽ thu lại được kết quả", Văn chia sẻ.
Khi dịch COVID - 19 nổ ra, Nguyễn Xuân An (Văn Giang, Hưng Yên) - hơn 10 năm làm nghề tài xế xe tải cũng học online CNTT với mục tiêu chuyển nghề lập trình. Chịu ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch do công việc đình trệ, thu nhập giảm sút, con nhỏ, anh An nỗ lực học tập để đổi nghề. Dành thời gian mỗi ngày để học code, hiện anh đã hoàn thành một nửa số môn trong chương trình. Nam tài xế quyết định sẽ theo hướng trở thành lập trình viên Java, hoàn thành chương trình tại FUNiX để có thể tìm được một công việc ưng ý.
Với sự đồng hành của 40 doanh nghiệp CNTT, hành trình chuyển nghề của những công nhân và người lao động chịu ảnh hưởng từ đại dịch chắc chắn sẽ bớt phần gian nan. Ông Nguyễn Trần Nhàn - CEO NCC đánh giá cao ý nghĩa từ Dự án Chuyển đổi số Công nhân. Theo ông Nhàn, thiếu hụt nhân lực đang là một trong những thách thức đối với ngành IT Việt. Phía doanh nghiệp đã có những nỗ lực nhất định như tự đào tạo, kết hợp đào tạo truyền thống - phi truyền thống tại các trường đại học, cao đẳng, các đơn vị đào tạo online… Những đơn vị như NCC thậm chí đã tìm kiếm đến nguồn nhân lực chuyển ngành, chuyển nghề từ các lĩnh vực khác nhưng chưa thể đáp ứng nhu cầu thực tế.
"Lực lượng công nhân là một trong những lực lượng nhân sự giàu tiềm năng và hoàn toàn có thể đào tạo để chuyển đổi số, khỏa lấp cơn "khát" nhân lực CNTT hiện nay. NCC sẵn sàng đón nhận các bạn vào thực tập, làm việc và tin tưởng đây sẽ là một nguồn lực giúp công ty phát triển về đường dài" – CEO NCC Nguyễn Trần Nhàn nói.
Bà Nghiêm Thị Lan Phương - COO AI Solution, đại diện một trong 40 doanh nghiệp đồng hành cũng tin tưởng rằng, học và làm IT không khó, trái lại đây còn là một lĩnh vực rất cởi mở, nhiều tiềm năng. Không chỉ học trực tuyến, các bạn trẻ còn có thể làm việc trực tuyến, tham gia các dự án CNTT của doanh nghiệp dù ở bất kỳ đâu.
"Đây sẽ là cơ hội lý tưởng, đặc biệt dành cho những lao động trẻ ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa… Các bạn không cần phải di cư, không phải đối mặt với những thách thức khi chuyển nơi ở như chi phí sinh hoạt đắt đỏ mà vẫn có được công việc ổn định, môi trường làm việc hiện đại và thu nhập hấp dẫn tại doanh nghiệp. Song song, doanh nghiệp CNTT cũng có thể giải quyết được bài toán khát nhân sự - vấn đề nan giải hiện nay" - bà Lan Phương nhận định.
Đại diện các đơn vị tổ chức khẳng định đây là một cơ hội tốt cho các bạn trẻ và công nhân muốn chuyển đổi công việc và kỳ vọng các bạn sẽ tận dụng tốt cơ hội này để không chỉ có cơ hội nghề nghiệp tốt cho bản thân mà còn góp phần vào sự phát triển của ngành CNTT.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!