Cô giáo rẻo cao kể chuyện về bản nghèo dạy chữ

Thu Ngà-Thứ ba, ngày 20/10/2015 14:33 GMT+7

VTV.vn - Đi lại khó khăn, chỗ ngủ tạm bợ, bữa ăn thiếu thốn...là thực tế các cô giáo trẻ gặp phải khi lên cắm bản dạy học tại các vùng đặc biệt khó khăn.

Cô giáo trẻ Bùi Thị Ngọc hiện là giáo viên mầm non, công tác tại Trường Mầm non Bản Khoang, huyện Sa Pa, Lào Cai. Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Lào Cai năm 2014, cô giáo Ngọc quyết định gắn bó với các em nhỏ dân tộc thiểu số trên mảnh đất khó khăn này.

Nơi cô dạy nằm tại thôn Suối Thầu, là 1 trong 5 điểm thôn khó đi nhất của trường. “Điểm trường mình dạy cách thị trấn Sa Pa 23km, trong đó có khoảng 6km là đường núi, nếu đi bộ sẽ mất khoảng 2 giờ. Mỗi lần xuống thị trấn mua sắm lương thực, thực phẩm, mình và mọi người phải đi nửa ngày mới tới nơi. Chưa kể những hôm mưa, đường đất trơn láng, suối dâng lũ lên, đi lại vô cùng nguy hiểm”, cô kể lại.

 


Đường lên thôn Suối Thầu, Sapa vô cùng khó đi, đặc biệt là vào những ngày mưa lũ

Đường lên thôn Suối Thầu, Sapa vô cùng khó đi, đặc biệt là vào những ngày mưa lũ

 


Cuối tuần, cô giáo Ngọc thường phải vượt hơn 20km đường núi, xuống thị trấn mua thực phẩm dự trữ cho tuần tiếp theo

Cuối tuần, cô giáo Ngọc thường phải vượt hơn 20km đường núi, xuống thị trấn mua thực phẩm dự trữ cho tuần tiếp theo

 


Cơ sở hạ tầng nơi đây vẫn còn khá sơ khai vô cùng thiếu thốn

Cơ sở hạ tầng nơi đây vẫn còn khá sơ khai vô cùng thiếu thốn

 

Do địa phương còn nhiều khó khăn nên dù đã đi làm hơn 1 năm, chỗ ăn ở, sinh hoạt của các cô giáo vẫn chưa được đầu tư đúng mức. Vì không có phòng riêng nên hiện tại, các cô vẫn phải ở ngay tại lớp học. Cô giáo Ngọc tâm sự: "Buổi sáng, mình dạy các con tại lớp, đến tối lại tận dụng ngay không gian, trải chiếu làm nơi ngủ. Lúc đầu, do không quen nên khá khó ngủ và lưng thường đau ê ẩm. Sau thời gian ngắn thì mọi người thích nghi dần, đến nay đã quen hẳn. Đối với mình, có được một nơi kiên cố để nghỉ ngơi hàng ngày đã là điều vô cùng hạnh phúc".


Chỗ nghỉ ngơi hàng ngày của các cô được tận dụng từ chỗ nghỉ trưa của trẻ

Chỗ nghỉ ngơi hàng ngày của các cô được tận dụng từ chỗ nghỉ trưa của trẻ

 


Nơi sinh hoạt hàng ngày của các cô giáo thường tạm bợ và đơn giản nhất có thể

Nơi sinh hoạt hàng ngày của các cô giáo thường tạm bợ và đơn giản nhất có thể

 


Bữa cơm hàng ngày của các cô giáo nơi đây

Bữa cơm hàng ngày của các cô giáo nơi đây

 

Kể về những ngày đầu công tác tại trường Mầm non Bản Khoang, cô giáo Ngọc cho biết, dù đã chuẩn bị sẵn tinh thần "chịu khó, chịu khổ" nhưng khi trực tiếp trải qua những khó khăn, cô không tránh khỏi cảm giác "sốc", tủi thân và nhớ nhà. "Khi mới nhận công tác, tâm trạng mình khá mâu thuẫn. Vừa háo hức, vui mừng nhưng cũng rất lo lắng cho quãng thời gian sắp tới. Đã tìm hiểu điều kiện công tác từ trước nhưng quả thực, đến nơi, mình mới thấm cuộc sống các cô giáo thiếu thốn đến mức nào. Điểm trường không có sóng điện thoại, suốt tuần đầu tiên mình không liên lạc được với gia đình. Chỉ đến khi ra trường chính họp vào chiều thứ 6, mình mới gọi được về cho bố mẹ và không giấu nổi nỗi nhớ nhà", cô giáo Ngọc ngậm ngùi.

Không chỉ khó khăn trong việc sinh hoạt, ăn ở, các cô giáo trẻ nơi đây còn phải đối mặt với nhiều thử thách. Cô Ngọc cho hay: "Do địa hình đồi núi chia cắt nên nhiều học trò có nhà xa trường, phải đi bộ hàng giờ mới tới. Ngày thường không sao nhưng những ngày mưa, việc đi lại khó khăn nên nhiều con không tới lớp. Để đảm bảo lịch dạy, chúng mình phân chia nhau đến tận nhà học sinh, đón các con đi học. Thân con gái, tay lái không vững mà đường thì trơn, nhiều lúc chỉ muốn bỏ xe rồi men đường rừng đi bộ".


Đường núi ngày mưa thường trơn láng, gây khó khăn cho các phương tiện khi di chuyển

Đường núi ngày mưa thường trơn láng, gây khó khăn cho các phương tiện khi di chuyển

Học sinh ở thôn Suối Thầu chủ yếu là người dân tộc Mông và Dao đỏ, thời gian đầu chưa quen nên việc dạy học của cô giáo Ngọc gặp rào cản lớn. Trải qua thời gian, hiện tại, Ngọc cũng biết sơ qua ngôn ngữ của trẻ, hiểu được những gì trẻ muốn nên cô trò gần gũi nhau hơn. Cô cũng chia sẻ, các đồng nghiệp ở đây hầu hết đều chung hoàn cảnh nên hay động viên nhau. Nỗi cô đơn vì thế cũng dịu dần. Càng ngày, cô càng thấy gắn bó với mảnh đất, con người nơi đây. "Hàng ngày, cứ hết giờ là các con lại theo mình lên núi lấy củi về đun hay chặt trúc về rào quanh trường. Các con tuy nhỏ nhưng rất chăm ngoan. Có khi lên lớp đem biếu cô cả củ khoai, củ sắn vì sợ cô đói", Ngọc tâm sự.


Cô giáo Ngọc trong tiết dạy học sinh tập tô

Cô giáo Ngọc trong tiết dạy học sinh tập tô

Mối quan tâm và trăn trở lớn nhất của cô giáo Ngọc cũng dành cho trẻ nhỏ nơi đây: "Đường núi hiểm trở, nhìn các con đi bộ đến trường mình thương lắm. Thời tiết cũng gần chuyển sang đông, lúc nào ở đây cũng lạnh và có sương mù ẩm ướt, mình rất lo trẻ không đủ ấm khi đi học. Các con gần như cả mùa đông chỉ có 1 chiếc áo khoác mỏng được đoàn từ thiện ủng hộ chứ bố mẹ nghèo, không có tiền mua áo cho con".

Lựa chọn một công việc mà không nhiều người dám hy sinh gắn bó, cô giáo Bùi Thị Ngọc cùng rất nhiều giáo viên cắm bản đang góp phần làm thay đổi cuộc sống của nhiều thế hệ trẻ thơ miền núi rừng xa xôi.

Tài năng sáng tạo của phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới Tài năng sáng tạo của phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới

VTV.vn - 90 sản phẩm sáng tạo thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau đã hội tụ tại Triển lãm "Phụ nữ và sáng tạo" nhân kỉ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

 

 

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước