Dù không cầu kỳ, đẹp mắt như những quán cà phê sách nhưng quầy sách báo cũ của bà Phạm Thị Huyền Dung (73 tuổi, nguyên giảng viên Triết học tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) đặt tại phần đất trống đối diện số nhà 55 Đặng Tiến Đông (Đống Đa, Hà Nội) vẫn thu hút đông đảo người dân đến đón đọc.
Sau nhiều năm về hưu, bà Dung vẫn duy trì sở thích đọc sách báo hàng ngày của mình. Từng ấy năm dạy học, gắn bó với từng trang sách, bà luôn mong muốn được sẻ chia những thông tin bổ ích từ các cuốn sách, tờ báo tới mọi người. Chính vì thế, ngày 3/2/2017, nhờ sự giúp đỡ của con trai, bà đã dựng được một quầy sách nhỏ tại sân gò Đống Đa.
Cứ thế đều đặn hơn 1 năm qua, sạp sách báo của bà Dung đều đặn mở cửa từ 6h đến 22h mỗi ngày. Ít người biết rằng, để người dân có thể đọc báo sớm thì từ 4-5h sáng, bà đã dậy và ra khu vực bày sách để dọn dẹp, sắp xếp lại bàn ghế và chuẩn bị sẵn nước thiết đãi khách. Bà tâm niệm, quầy báo chính là linh hồn của mình và mỗi một cuốn sách là những câu chuyện, kỷ niệm khác nhau mà bà không thể nào quên.
Để có được tủ sách đủ đầy sách báo như hiện tại, bà Dung nhớ lại những ngày đầu: "Năm ngoái thôi, quầy sách của tôi chỉ có đúng một tấm biển ghép lại từ 3 miếng gỗ ghi dòng chữ "Mời nhân dân đọc báo" và một tờ báo Hà Nội mới đặt trên bờ rào ở vỉa hè. Lúc ấy, nhiều người hiếu kỳ nên khi đi bộ qua họ cũng dừng lại xem. Thế nhưng sau này, nhiều người thường xuyên lui tới và nán lại lâu hơn.
Thấy nhiều người mê đọc sách quá, tôi quyết định trích một phần lương hưu của mình để mua thêm nhiều đầu sách phục vụ. Khi biết đến tủ sách của tôi, nhiều người không ngần ngại lặn lội từ xa tìm đến và tặng sách. Nhờ đó mà hiện tại, tủ sách của tôi đã có hơn 700 đầu sách với đầy đủ thể loại khác nhau".
Nhìn vào từng món đồ tại quầy sách của mình, bà Dung kể: "Cái tủ màu trắng được một cậu sinh viên tặng. Cái ô che nắng che mưa của cô gái nhà đối diện tặng khi chứng kiến nhiều người sẵn sàng đội nắng ngày hè chỉ để được đọc sách. Hay cái quạt nhỏ cũng được anh giảng viên mang tặng." Bà tâm sự rằng từ khi mở quầy sách đến hiện tại, hôm nào bà cũng nhận được quà.
Nói về kỷ niệm khiến mình nhớ nhất, bà Dung xúc động nói: "Tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh 3 cậu thanh niên ngày hè tháng 6 mồ hôi nhễ nhại chở hơn 500 cuốn sách đến ủng hộ mình. Tôi xúc động vì họ tặng mình sách thay vì bán lấy tiền, vì họ không quản ngại đường xa, nắng gắt mà đến bên mình. Tấm lòng đó tôi không bao giờ quên".
Sạp báo của bà Dung thu hút rất nhiều đối tượng khác nhau: Từ những em nhỏ mới chỉ học lớp 1, lớp 2 ùa đến để đọc truyện sau giờ tan trường cho đến các bạn sinh viên, cụ già và cả những người lao động nghèo lên Hà Nội sinh sống. Biết tủ sách của mình có nhiều cụ già hay lui tới, bà Dung còn mua cả kính lão để phục vụ riêng cho những bạn đọc cao tuổi.
Bạn Nguyễn Minh Hạ, sinh viên năm 2 trường Đại học Công Đoàn chia sẻ: "Ngày nào em cũng tới tủ sách của bà Dung. Có những cuốn sách rất hay em tìm được từ tủ sách của bà. Nói không ngoa thì nó như thư viện ở trường của em vậy".
Nhìn lứa sinh viên đang ngồi say sưa đọc sách, bà Dung tâm sự: "Tôi rất vui khi thấy mình có thể góp phần nhỏ công sức của mình vào việc hình thành thói quen, phát triển văn hóa đọc. Tôi cũng mong quầy sách của mình được duy trì lâu nhất có thể, để nó thực sự trở thành điểm hẹn văn hóa của mọi người".
Quầy sách báo miễn phí không chỉ là công việc thiện nguyện mà còn là niềm vui tuổi già của bà Dung. Mỗi ngày, đọc từng dòng lưu bút, chia sẻ cảm nghĩ của mọi người dành cho việc làm đầy ý nghĩa của mình, bà Dung lại có thêm động lực để tiếp tục thực hiện cái công việc mà nhiều người cho là "dở hơi" hay "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng" của mình.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!