Đó là lời khẩn cầu kêu cứu của cô giáo Nguyễn Thị Thạo, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Hải, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang về việc xin giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn của gia đình cháu Vi Thị Thùy Dung, lớp 3C, trường Tiểu học Sơn Hải, là học trò của cô Thạo.
Theo tìm hiểu, gia đình cháu Dung gồm bố, mẹ, ông bà nội, 2 chị gái và 1 em trai, tổng cộng là 8 người đang trong tình trạng nguy kịch vì nghi ngờ bị trúng độc do ăn phải rau nhiễm thuốc diệt cỏ.
Chỉ ăn rau cũng không xong
Được biết, ngày 1/11, em Vi Thị Hoàn (học lớp 8, là chị cả) đi hái rau cải tại vườn rau của nhà cách nhà khoảng 1km về cho cả gia đình ăn. Số rau đó được chia ra ăn làm 3 bữa (bữa chiều ngày 1 và 2 bữa ngày mùng 2). Lúc đó vẫn chưa thấy biểu hiện gì từ việc ăn rau nhiễm độc, cho đến ngày 3/11, em Hoàn tiếp tục đi hai rau về ăn thì phát hiện vườn rau đã héo, chết gần hết, thêm vào đó 9 cây vải là nguồn thu nhập lớn của gia đình gần kề vườn rau cũng héo vàng, rụng hết lá. Đây cũng là lúc gia đình em bắt đầu có những biểu hiện lạ, bất thường như nôn mửa, đau bụng, đau đầu, choáng váng.
Sau đó ông, bà nội, mẹ và chị gái cháu Dung phải nhập viện tại bệnh viện huyện Lục Ngạn trong tình trạng nguy kịch. Cháu Dung bệnh “nhẹ” hơn nên vẫn đi học bình thường: “Tôi thấy em đi học trong tình trạng mệt mỏi, nhăn nhó vì đau bụng, để ý thì thấy da em vàng lắm, gặng hỏi mãi mới biết được hoàn cảnh hiện tại trong gia đình em như thế”, cô Thạo kể lại. Còn anh Vi Văn Siều (29 tuổi), bố cháu Dung cho biết: “Hôm ấy tôi đi tuốt lúa thuê cho người ta nên không ăn cơm ở nhà, mới ăn có 1 bữa thôi nên chắc cũng không cần phải đi khám. Khám hết cả nhà tốn kém lắm”.
Đồng cảm trước hoàn cảnh hết sức khó khăn của gia đình cháu Dung, trường Tiểu học Sơn Hải cùng các thầy cô đã rất nhiệt tình quyên góp đồng lương “còm” ít ỏi để đưa 4 chị em Dung đi khám tại Bệnh viện Bạch Mai vào ngày 22/11 vừa qua. Kết quả xét nghiệm cho thấy đã không còn độc tố trong máu, tuy nhiên chất độc đã ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, dẫn đến đau bụng, nôn mửa, vàng da…sức khỏe vẫn ngày một yếu dần đi. Hiện tại các cháu đã được kê đơn thuốc uống thải độc và phải kiểm tra lại sau 2 tuần nữa để biết kết quả chính xác nhất.
Hiện tại mẹ cháu Dung, chị Lục Thị Yên đang uống thuốc và chữa trị tại nhà nhưng vẫn đang trong tình trạng xấu: “Chị Yên vẫn nguy kịch lắm, không thể tự đi lại được vì chân tay cứ run rẩy, mắt thì mờ nhìn không rõ nữa, vẫn còn tình trạng nôn mửa, ăn uống rất ít”, cô Thạo cho biết.
Anh Siều nghẹn ngào: “Thấy vợ con đau ốm, mình là chồng, là trụ cột gia đình cũng khổ tâm lắm, nhưng gia đình thật sự khó khăn lắm, không có điều kiện để đi Hà Nội khám bệnh chứ nói gì đến việc nằm viện lâu chữa trị.”
Gia cảnh hết sức khó khăn.
Anh Siều và chị Yên là lao động chính trong nhà. Nguồn thu nhập chính hàng ngày của chị là số gạo ít ỏi từ 2 sào ruộng. Vụ nào được mùa tằn tiện cũng ăn được vài tháng, chứ mất mùa như năm nay do nước trong hồ dâng cao, mấy thúng thóc chắc ăn được gần tháng là hết: “Ngoài cấy lúa, gia đình cũng nuôi gà, nuôi lợn, nhưng chỉ toàn lỗ thôi. Gà thì chết dịch, cứ sắp được bán là lăn ra chết, nuôi lợn thì cũng lỗ vì cám đắt lắm không có tiền mua cám về cho lợn ăn vỗ béo”.
Quanh năm suốt tháng, vợ chồng anh Siều lang thang làm thuê, làm mướn, cứ ai thuê gì thì làm. Vào thời vụ, anh Siều thường đi tuốt lúa thuê, những ngày nông nhàn anh lại lang thang khắp xứ xách vữa thuê để có tiền nuôi các con ăn học ở nhà. Chị Yên, ngoài việc chăm sóc mấy sào ruộng thì chị còn trồng khoai, trồng sắn để tăng thu nhập cho gia đình, hoặc cùng chồng bươn trải làm thuê, quốc mướn để có tiền nuôi các con.
Trước đây gia đình anh - 5 con người sống trong ngôi nhà làm bằng đất (chỗ vườn rau bị nghi phun thuốc trừ cỏ) siêu vẹo, ẩm thấp vô cùng. Vợ chồng anh đã cố gắng vay mượn thêm xây được căn nhà cấp 4 hiện tại, hi vọng cải thiện được chỗ “chui ra chui vào” hàng ngày cho con cái bớt khổ. Nhưng ai ngờ số nợ ấy giờ chính là gánh nặng cho gia đình anh trong hoàn cảnh khó khăn cùng cực như bây giờ.
Được hỏi về việc ăn uống của vợ anh trong những ngày bệnh tật thế nào, anh Siều giọng trầm xuống: “Bác sỹ cũng dặn là phải ăn uống “khác” hơn mọi ngày vào (đủ chất dinh dưỡng hơn - PV) nhưng nhà không có điều kiện như thế nên cũng chỉ cố gắng cải thiện được phần nào thôi”.
Bữa cơm hàng ngày của gia đình anh Siều chủ yếu là rau xanh. Họa hiếm lắm mới có thêm quả trứng hay con cá. Em Vi Thị Thùy Dung thường phải đi bộ đi học từ sáng sớm tối mịt mới về đến nhà. Bữa cơm trưa của em thường là cơm nắm từ nhà mang đi: “Thường thì chỉ ăn cơm nắm thế thôi, hôm nào có thức ăn thì cho em mang thêm quả trứng luộc nữa.”, anh Siều đắng lòng tâm sự.
Hiện tại anh Siều phải ở nhà chăm sóc cho vợ nên không thể đi làm kiếm tiền được. Anh Siều cảm kích: “Lần này cũng may nhờ có cô Thạo giúp đỡ, nhờ các thầy cô trường Tiểu học Sơn Hải đã quyên góp giúp đỡ đưa vợ con tôi đi khám bệnh. Và nhờ các nhà hảo tâm, các nhà báo đã giúp đỡ gia đình chi trả tiền viện phí của lần khám bệnh cho các cháu hôm 22 vừa qua. Nếu chỉ có gia đình thì quả thật chúng tôi không có điều kiện để lo được nhiều việc như thế. Tôi biết ơn lắm!”.
Được biết tại xã Sơn Hải có tới 70% là hộ nghèo, gia đình anh Siều cũng thuộc diện hộ nghèo, các con anh đi học đều được miễn giảm học phí. Tình trạng sức khỏe của các con, đặc biệt là vợ anh Siều đều rất nguy kịch, hoàn cảnh gia đình anh đang cần lắm những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ gia đình để vượt qua được gánh nạn này.