Hàng triệu hộ thoát nghèo nhờ chính sách tín dụng đặc thù

Chính phủ-Thứ năm, ngày 17/07/2014 06:48 GMT+7

Nhờ tín dụng chính sách, hàng triệu hộ đã vươn lên thoát nghèo. Ảnh NHCSXH

Nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi với phương thức quản lý vốn đặc thù, sáng tạo riêng của Việt Nam, sau 11 năm, trên 3,2 triệu hộ dân đã vượt qua ngưỡng nghèo.

Câu chuyện thiếu vốn sản xuất, cũng như việc quanh quẩn một năm 2 vụ lúa rồi chẳng biết làm thêm nghề gì để có thu nhập là tình cảnh chung của không ít gia đình nông dân. Tuy nhiên, nhờ tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ, cộng với sự hướng dẫn của các đoàn thể và nghị lực tự thân... không ít hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Gia đình chị Vi Thị Chiên (dân tộc Thái, ở Nghệ An) vốn là một hộ nghèo. Nhưng nhờ được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, bây giờ nhà chị đã có của ăn của để. Với thu nhập ổn định mỗi năm cả trăm triệu đồng, gia đình chị không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu.

Cùng trong hoàn cảnh đó, chị Nguyễn Thị The (Nam Định) luôn trăn trở tìm hướng thoát nghèo. Cách đây 6 năm, chị quyết định vay 50 triệu đồng từ Chương trình cho vay giải quyết việc làm của NHCSXH huyện đầu tư làm VAC.

Ngay sau khi nhận vốn, chị xây dựng chuồng trại kiên cố, mua gà giống, thức ăn tổng hợp... làm trang trại. Chịu khó học hỏi, lao động, tính toán thời điểm gây đàn, xuất bán hợp lý, nên lợi nhuận từ trang trại gà thịt, gà đẻ của gia đình chị ngày một tăng lên.

Đầu năm nay, sau khi trả hết nợ cũ, chị lại được NHCSXH cho vay mới 200 triệu đồng để mở rộng chăn nuôi, đào ao thả cá, trồng cây cảnh… Trang trại VAC không chỉ giúp chị làm giàu trên mảnh đất quê hương, mà còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương với thu nhập ổn định mỗi tháng từ 3,5-4,5 triệu đồng.

Cùng với gia đình chị Chiên, chị The, hàng triệu hộ nghèo trong cả nước đã được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ đầu tư sản xuất, kinh doanh, học tập… vươn lên thoát nghèo.

Báo cáo với đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư và đoàn công tác (gồm đại diện các bộ, ngành, đoàn thể) trong buổi làm việc sáng 15/7, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cho biết: Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 131/2002/QĐ-TTg thành lập NHCSXH đến nay, NHCSXH cùng với sự cộng tác của 4 đoàn thể (Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh, Thanh niên) đã chuyển tải trên 266 nghìn tỷ đồng vốn ưu đãi tới 24,5 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách.

Nguồn vốn ưu đãi này đã tiếp thêm động lực giúp trên 3,2 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút tạo việc làm cho trên 10 triệu lao động; giúp 3.236.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập… tỷ lệ nợ quá hạn, nợ khoanh toàn hệ thống chỉ có 0,99%.

Điều đáng phấn khởi là, qua việc vay vốn ưu đãi, hộ nghèo và các đối tượng chính sách được làm quen với việc có vay, có trả. Do đó đã dần thay đổi cơ bản về nhận thức từ việc cấp phát, cho không chuyển sang vay vốn làm ăn sòng phẳng.

Dưới sự hướng dẫn của các đoàn thể nhận ủy thác, người nghèo biết chủ động tính toán làm ăn, sử dụng vốn hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, từng bước hòa nhập với sự phát triển của kinh tế hàng hóa. Đặc biệt thông qua hoạt động gửi tiền tiết kiệm của Tổ Tiết kiệm và vay vốn, hộ nghèo đã rèn luyện ý thức tiết kiệm, chắt chiu dành dụm tạo lập nguồn vốn tự có và tích lũy cho tương lai.

Gắn bó với NHCSXH từ những ngày đầu thành lập, Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa khẳng định: Mô hình hoạt động của NHCSXH Việt Nam là một mô hình ngân hàng đặc thù, chưa có tiền lệ trên thế giới. Với phương thức ngân hàng ủy thác một số công đoạn trong quy trình nghiệp vụ tín dụng chính sách cho các đoàn thể, đồng vốn ưu đãi đã đến được với người nghèo.

Đặc biệt, cách làm này không chỉ giúp các đoàn thể phát huy được thế mạnh của mình mà bản thân ngân hàng cũng tiết kiệm được chi phí hành chính, hiệu quả thu hồi vốn và chất lượng tín dụng được nâng cao. Bà Hòa cho biết thêm: "Khi trao đổi kinh nghiệm trên với bạn bè quốc tế, họ rất ngạc nhiên và khâm phục”.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả phấn khởi nêu trên, công tác tín dụng chính sách cũng còn không ít khó khăn cả về nguồn vốn, cũng như cơ chế chỉ đạo điều hành tập trung, thống nhất của các ngành, các cấp trong việc phối hợp, lồng ghép các chương trình, dự án, kế hoạch phát triển KTXH… với hoạt động tín dụng chính sách trong toàn quốc cũng như tại các địa phương.

Chính vì thế, trong buổi làm việc, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm phát huy hơn nữa vai trò của cấp ủy và chính quyền cơ sở; thu hút thêm nguồn vốn… để NHCSXH làm tốt vai trò là công cụ thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách của Nhà nước, hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững.

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Lê Hồng Anh khẳng định: Việt Nam được quốc tế công nhận là quốc gia sớm thực hiện thành công mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo và phát triển con người. Những thành tựu đó có đóng góp quan trọng của NHCSXH.

Tuy nhiên, số hộ nghèo, hộ cận nghèo vẫn còn tương đối lớn. Ranh giới giữa thoát nghèo và tái nghèo là hết sức mong manh nên nhiệm vụ giảm nghèo bền vững ở Việt Nam vẫn còn rất nặng nề và phải được tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa. Chính vì vậy, đồng chí Lê Hồng Anh mong muốn, NHCSXH cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục những tồn tại hiện nay, thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011–2020.

Đồng thời, đồng chí Lê Hồng Anh cũng cho ý kiến đối với một số đề xuất của NHCSXH và các đoàn thể để NHCSXH thực hiện tốt vai trò là công cụ thực hiện có hiệu qua chủ trương xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước