20m đê mềm chống xâm nhập mặn với thông số kỹ thuật chiều cao 2,5m, bề ngang là khoảng 4,7m được trình diễn thử
Trong 20 năm qua, thiên tai đã gây tác động rất lớn đến dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bến Tre. Cụ thể, thiên tai làm chết 43 người, 84 người mất tích, 819 người bị thương; trên 28.000 căn nhà bị sập đổ, cuốn trôi; 100.000 căn nhà bị hư hỏng, tốc mái; 200.000 ha lúa bị thiệt hại và 100.000 ha cây ăn trái bị ảnh hưởng; gần 250.000 km đê bao, bờ bao bị ngập úng, sạt lở; trên 350.000 người bị thiếu nước sạch sử dụng. Ước tổng giá trị thiệt hại 8.000 tỷ đồng. Từ năm 2016 đến nay, tình hình thiên tai đang diễn biến phức tạp và bất thường tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Trước đây, Bến Tre vốn được biết đến là thủ phủ của dừa tại Việt Nam. Thì nay, Bến Tre còn được nhắc đến như là mảnh đất phải chịu nhiều thiên tai nhất ở nước ta. Do đặc điểm địa hình của tỉnh Bến Tre có hệ thống sông ngòi chằng chịt, nên thường chịu ảnh hưởng bởi các loại thiên tai như bão, áp thấp nhiệt đới, giông, lốc xoáy, hạn hán và xâm nhập mặn, lũ và triều cường, sạt lở bờ sông, bờ biển.
Một trong những loại hình thiên tai đáng báo động tại Bến Tre trong những năm gần đây là xâm nhập mặn. Theo quan trắc của Đài Khí tượng Thủy văn Bến Tre, độ mặn đo được tại các trạm đạt mức cao nhất vào thời điểm nửa cuối tháng 3 và đầu tháng 4/2018 trung bình từ 3-4% xâm nhập trên các sông chính. Trong đó sông Cửa Đại đến đến xã Giao Hòa (Châu Thành) đang trong tình trạng báo động.
Trước tình trạng thiên tai đang diễn biến ngày càng phức tạp và trở thành gánh nặng không chỉ của mỗi người dân mà còn của cả đất nước, Tổng Cục phòng chống Thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp, phối hợp cùng UBND tỉnh Bến Tre, Công ty CP Nhựa Tân Đại Hưng đã nghiên cứu và lắp đặt thử nghiệm ống chống tốc mái cho 5 nhà tại huyện Bình Đại, theo công nghệ Aqua Dam của Mỹ. Với những chiếc ống nhựa có độ bền cao, chỉ cần 1 chiếc máy bơm công suất nhỏ bơm nước từ 15 - 20 phút, người dân ven biển hoàn toàn có thể yên tâm về sự vững chắc của mái nhà trước mùa bão.
Lắp đặt thử nghiệm ống chống tốc mái cho 5 nhà tại huyện Bình Đại
Đê mềm ngăn mặn với thông số kỹ thuật chiều cao 2,5m, bề ngang là khoảng 4,7m có thể chặn được mực nước từ 1,8 - 2m.
Cũng theo công nghệ Aqua Dam của Mỹ, Công ty CP Tân Đại Hưng đã đi đầu trong công nghệ tạo ra các sản phẩm chống xâm nhập mặn, lũ tràn tại Việt Nam. Bước đầu hỗ trợ và trình diễn thử 20m đê mềm chống xâm nhập mặn với thông số kỹ thuật chiều cao 2,5m, bề ngang là khoảng 4,7m tại Tỉnh Bến Tre. Loại đê này có thể chặn được mực nước từ 1,8 - 2m.
Ống chống tốc mái hay đê mềm ngăn mặn, chống lũ là 1 giải pháp thích hợp để ngăn mặn, bảo vệ mùa màng và cuộc sống của người dân và sẽ sớm được ứng dụng rộng rãi để giảm thiểu một cách tối đa hậu quả của thiên tai, để mỗi người dân sống trong điểm nóng sẽ được "an toàn trước thiên tai" như lời kêu gọi của Thủ tướng chính phủ.