Khi sức dân cùng văn hóa truyền thống được khơi dậy…

Huy Kha-Thứ ba, ngày 18/03/2014 17:06 GMT+7

Ảnh minh họa

Là huyện đặc biệt khó khăn, nhưng với sức dân và quyết sách lấy văn hóa truyền thống làm nền tảng, làm động lực phát triển, đến nay đời sống của đồng bào Cơ Tu ở huyện biên giới Tây Giang, tỉnh Quảng Nam đã từng bước thoát nghèo.

Những năm trước đây, khi chưa triển khai nghị quyết 09 của Huyện ủy Tây Giang, tỉnh Quảng Nam về định hướng phát triển bền vững dựa vào sức dân, dựa vào bản sắc văn hóa truyền, thông qua cầu nối là các già làng trưởng bản thì huyện Tây Giang có đến 95% làng bản của đồng bào Cơ Tu sống rải rác dọc theo các triền sông, triền suối, thiếu thốn trăm bề.

Tuy nhiên giờ đây, khi đã định cư tập trung về với làng mới, mọi chuyện đã thay đổi. Hiện cuộc sống của đồng bào Cơ Tu đã bước sang một trang đời mới, khi địa phương có điện đường, trường trạm, có nước sạch về đến thôn, có không gian văn hóa ngàn đời với những lễ hội văn hóa truyền thống...

Dọc theo các xã biên giới của huyện Tây Giang, đến đâu mọi người cũng dễ dàng bắt gặp những làng bản định cư bền vững theo mô hình Nông thôn mới. Chuyện đồng bào Cơ Tu nơi đây giúp nhau dựng nhà, dựng cửa hay nhượng hàng chục ha đất sản xuất cho nhau để lập làng, mở đường giao thông đã là chuyện thường ngày.

Để những làng bản định cư mới của đồng bào Cơ Tu có tính bền vững cao, gắn với tín ngưỡng ngàn đời của người dân, nhiều giải pháp mang tính đột phá được các già làng cùng với chính quyền đã được đưa ra.

Việc giao cho Hội đồng già làng chọn ví trí, chính quyền chỉ san ủi mặt bằng và định hướng quy hoạch, còn người dân toàn quyền xây dựng nhà theo tập quán, tính ngưỡng của mình - cách làm này đã khơi dậy được tính cộng đồng và cũng chính là động lực giúp những làng bản mới của đồng bào Cơ Tu tạo dựng được những không gian văn hóa của riêng mình, để từ đó bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa ngàn đời.

Việc dựa vào sức dân, lấy sức dân để khôi phục bản sắc văn hóa truyền thống, rồi lấy văn hóa làm nên tảng để phát triển kinh tế, huyện biên giới Tây Giang, tỉnh Quảng Nam đã tự tìm cho mình một cách làm riêng hiệu quả. Có thể xem đây là một trong những bước đột phá quan trọng, trong tiến trình xây dựng Nông thôn mới, góp phần đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và mô hình này cần được nhân rộng.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước