"Con bé không cho em bế"
Đó là lời tâm sự đẫm nước mắt của chị Nguyễn Thị Thanh Thảo (23 tuổi, ngụ tại tỉnh Đắk Lắk) khi nhắc đến đứa con gái mới hơn 7 tháng tuổi. "Con em chưa một lần được biết đến mùi vị của sữa mẹ. Thời điểm sinh bé em chỉ nhớ mình được đưa vào phòng sinh sau đó hôn mê nhiều ngày, tỉnh lại mới biết bé đã chào đời bằng phương pháp mổ bắt con. Sau nhiều tháng điều trị, em được bác sĩ cho về thăm con nhưng con bé không cho em bế mà còn khóc thét lên, em đau lòng quá..."
Bé gái mới hơn 7 tháng tuổi có nguy cơ phải sống cảnh mồ côi
Sinh ra trong gia đình có tới 9 anh chị em, Thanh Thảo là con thứ 8 và cũng là 1 trong 2 người được may mắn học hết lớp 12. Mơ ước tiếp tục học lên cao của cô gái trẻ bị dập tắt bởi cảnh khó khăn của cha mẹ. "Ở quê, gia đình em không có đất canh tác, chỉ đi làm nương, làm rẫy mướn kiếm sống qua ngày vất vả lắm nhưng chẳng đủ ăn".
Với hi vọng thay đổi cuộc sống của bản thân để có tương lai tốt đẹp, hơn 3 năm trước Thanh Thảo xuống Sài Gòn đi xin làm công nhân cho một công ty may mặc xuất khẩu tại quận Bình Tân. "Thu nhập của em cũng được hơn 4 triệu đồng mỗi tháng, nếu chi tiêu tiết kiệm em cũng dư được chút ít gửi về cho mẹ".
Phát bệnh tim trong thời kỳ mang thai, sinh mạng mẹ con chị Thanh Thảo suýt lâm nguy
Thời gian đi làm, Thanh Thảo quen biết rồi mang lòng yêu thương người cùng cảnh ngộ là anh Nguyễn Văn Miền (28 tuổi cùng ngụ tại Đắk Lắk). Chồng em gia cảnh cũng khó khăn nên phải vào Sài Gòn mưu sinh bằng nghề thợ hàn rồi chuyển sang lái xe tải. Gần 2 năm trước họ nên vợ thành chồng sau lễ cưới đạm bạc. Hạnh phúc càng viên mãn khi Thanh Thảo mang thai đứa con đầu lòng.
"Chồng đi lái xe, em làm công nhân, thu nhập không nhiều nhưng chúng em có thể tự lo được cho bản thân và tin là sẽ chăm sóc được con của mình. Suốt những tháng mang thai em vẫn cố gắng đi làm, dành kỳ nghỉ thai sản vào giai đoạn sau sinh để được chăm sóc con. Nhưng đến tháng thứ 8 của thai kỳ, em bắt đầu mệt nhiều, không thể đi làm được nữa nên xin nghỉ về quê. Tưởng rằng về nhà nghỉ ngơi sẽ tốt hơn nhưng em chẳng ăn uống được, mệt lả đi nên phải chuyển xuống Bệnh viện Hùng Vương" - chị Thanh Thảo tâm sự.
Nếu không được mổ, bệnh nhân cầm chắc cái chết
Thần may mắn đã mỉm cười với mẹ con chị Thanh Thảo bởi ngay sau khi chuyển đến bệnh viện các bác sĩ phát hiện thai nhi có biểu hiện suy tim thai trong cơ thể người mẹ đã suy kiệt. Ngay lập tức ca mổ bắt con được thực hiện, sau cuộc mổ bé gái tiếp tục chăm sóc tại bệnh viện, sản phụ phải chuyển sang bệnh viện Chợ Rẫy điều trị vì mắc bệnh tim rất nặng.
Vượt qua nguy kịch nhưng chị Thanh Thảo có thể tử vong bất kỳ lúc nào
Bác sĩ chẩn đoán chị Thanh Thảo bị viêm nội tâm mạc nhiễm trùng; bệnh cơ tim phì đại không đối xứng; hở van 2 lá nặng do rách lá van; hở van động mạch chủ nặng do rách lá van; áp-xe thành trước động mạch chủ; hở van 3 lá trung bình. Sau nhiều tháng điều trị tại khoa Nội Tim mạch, bệnh nhân chuyển xuống khoa Hồi sức Phẫu thuật Tim chuẩn bị cho cuộc mổ.
BS Phạm Thanh Tâm, người trực tiếp điều trị của chị Thanh Thảo cho biết: "Đây là một ca bệnh rất nặng, nhiều tháng qua bệnh viện nỗ lực chăm sóc, điều trị nội khoa tích cực đã giúp bệnh nhân qua được nguy kịch. Trong quá trình theo dõi, điều trị nội khoa người bệnh không thể đủ sức thực hiện cuộc mổ, đến nay sức khỏe của chị đã tương đối ổn định chúng tôi chỉ định phẫu thuật. Tuy nhiên, bên cạnh khó khăn về chuyên môn người bệnh đang gặp rào cản rất lớn về tài chính."
Đứa con gái nhỏ chưa một lần biết đến mùi vị của sữa mẹ
Theo BS Thanh Tâm, người bệnh sẽ buộc phải bước vào cuộc mổ hở để thay van động mạch chủ, sửa van 2 lá và van 3 lá. Chi phí cho cuộc phẫu thuật dự kiến là 120 triệu đồng (đã trừ bảo hiểm y tế). "Nếu được can thiệp sớm cơ hội sống đang rộng mở cho bệnh nhân. Nếu không được mổ sớm, ổ áp-xe sẽ bị vỡ bất kỳ lúc nào khiến bệnh nhân nhiễm trùng nặng dẫn tới tử vong".
Sau nhiều tháng nằm viên, chi phí điều trị tốn hàng chục triệu đồng cùng với những khoản chăm sóc cho đứa trẻ mới chào đời khiến gia đình lâm vào cảnh khánh kiệt. Hiện anh Miền đang phải "gửi" vợ ở bệnh viện nhờ bác sĩ chăm sóc để đi làm. Nghe đến khoản chi phí khổng lồ cho ca mổ, chị Thanh Thảo lặng lẽ gạt nước mắt: "Chồng em đi chạy xe giờ chẳng đủ tiền mua sữa cho con, chi phí cho ca mổ ở nhà đi vay mượn khắp nơi nhưng chỉ gửi lên được 5 triệu đồng. Em mong có cơ hội được trở về chăm sóc con nhưng có lẽ không còn hi vọng nữa rồi".
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!