Khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập

Báo điện tử Hải Phòng-Thứ năm, ngày 29/09/2016 16:53 GMT+7

VTV.vn - Hội Khuyến học Việt Nam được thành lập ngày 2-10-1996 với nhiệm vụ khuyến học, khuyến tài, xây dựng cả nước thành một xã hội học tập.

20 năm qua, Đảng, Nhà nước ta ban hành nhiều văn bản, chỉ thị định hướng về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong cả nước. Tại thành phố Hải Phòng, ngày 5-7-2007 Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chỉ thị "Về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập".

Sinh thời, Bác Hồ kính yêu rất chú trọng nâng cao dân trí- dân chủ- dân sinh. Ngay từ ngày đầu lập nước Bác coi chống giặc dốt cũng khẩn thiết như chống giặc đói, chống giặc ngoại xâm. Tại lễ khai giảng đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, Bác ân cần nhắc nhở: "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, chính phần lớn nhờ công học tập của các em". Bác thấy rất rõ và chỉ ra nguy cơ: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu". Sau này, Bác nêu một triết lý sâu sắc thông qua một việc cụ thể, đơn giản, khó quên: "Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người". Trước lúc đi xa, lâm bệnh trọng, Bác vẫn căn dặn cháu con: "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết".

Khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập - Ảnh 1.

Đoàn đại biểu Hội khuyến học thành phố chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Hội khuyến học Việt Nam.

Cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng ta chủ trương phát triển và thống nhất hệ thống giáo dục trong cả nước để cùng với thế giới thực hiện khẩu hiệu: "Giáo dục cho mọi người", thực hiện mục tiêu giáo dục "Ai ai cũng được học hành", nâng lên thành mục tiêu  "Mọi người đi học, học thường xuyên, học suốt đời". Xác định ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài và vai trò trọng trách của Hội Khuyến học,   ngày 16-9-2008, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 2-10 hằng năm là "Ngày khuyến học Việt Nam". Những năm gần đây, trước yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, Đảng, Chính phủ ban hành một số chỉ thị, quyết định, Đề án quan trọng nhằm đưa phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập lên một tầm cao mới. Theo Đề án "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020" của Thủ tướng Chính phủ, các mô hình "Gia đình hiếu học", "Dòng họ hiếu học", "Cộng đồng khuyến học" chuyển sang  mô hình "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập", "Cộng đồng học tập", "Đơn vị học tập".

Hội Khuyến học thành phố thành lập tháng 10-1998. Qua 18 năm kể từ khi thành lập, Hội góp phần đưa phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở thành phố Cảng phát triển mạnh mẽ từ các gia đình, dòng họ, cộng đồng, trường học, các tổ chức xã hội... Đến nay, 15/15 quận, huyện, 223 xã, phường, thị trấn tại thành phố thành lập Hội khuyến học với hơn  247 nghìn hội viên.  Một số địa phương còn xây dựng được mô hình liên chi hội khuyến học, khuyến tài phù hợp tính chất quản lý và hoạt động của chính quyền đô thị. Nổi bật là cuộc vận động xây dựng mô hình "Gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập" tại thành phố, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người dân.

Hội Khuyến học thành phố và các quận, huyện, xã, phường, thị trấn phối hợp chặt chẽ với ngành GD-ĐT, công đoàn ngành Giáo dục, Hội Cựu giáo chức, các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức xã hội ở địa phương tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, trong đó có việc biểu dương phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, góp phần vào thành tích GD-ĐT của thành phố. Trong các năm 2001, 2009 và  2013, Hội Khuyến học thành phố và các cấp tổ chức đại hội biểu dương gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học với 76.648 gia đình đạt danh hiệu gia đình hiếu học, 833 dòng họ đạt danh hiệu dòng họ hiếu học và 404 cộng đồng, đơn vị đạt danh hiệu cộng đồng hiếu học. Thông qua công tác tuyên truyền, vận  động, nhiều đơn vị có sáng kiến xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài đạt kết quả thiết thực. Tiêu biểu như: quỹ khuyến học trong các trường học ở quận Lê Chân; quỹ học bổng Trần Tất Văn ở huyện An Lão; quỹ học bổng Đức Trí của nhà giáo Đàm Lê Đức, Hiệu trưởng Trường bồi dưỡng văn hoá số 218 đường Lý Tự Trọng thành phố Hồ Chí Minh; quỹ học bổng Trần Phú của Trường THPT chuyên Trần Phú; quỹ khuyến học, khuyến tài mang tên Trạng Nguyên Lê ích Mộc của huyện Thuỷ Nguyên; quỹ khuyến học Tô Hiệu, Phú Mỹ Hưng; quỹ thắp sáng niềm tin; quỹ học bổng lá xanh; quỹ học bổng Hữu Nghị; phong trào "Nuôi lợn siêu trọng" giúp bạn nghèo vượt khó trong các trường học...

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, 7 năm qua, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài thành phố, gia đình, dòng họ tích cực ủng hộ, xây dựng quỹ khuyến học các cấp tại thành phố với tổng số tiền 226 tỷ 560 triệu đồng. Từ nguồn quỹ này, hàng nghìn học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập, học sinh nghèo vượt khó, học sinh thi đỗ thủ khoa đại học, học sinh đạt giải quốc tế, giáo viên dạy giỏi...được các cấp Hội động viên, khen thưởng kịp thời, góp phần khích lệ phong trào thi đua "Dạy tốt-Học tốt" trong giáo viên và học sinh thành phố Cảng.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước