Làm phu hồ, nuôi con đỗ thủ khoa đại học

Văn Quân-Thứ hai, ngày 14/10/2013 12:07 GMT+7

 Chồng mất sớm, bản thân đau yếu bệnh tật nhưng người phụ nữ ấy đã có một quyết tâm và khát vọng sống mãnh liệt. Ngày ngày đan lát và phụ hồ cho những công trình xây dựng, chị tích góp từng đồng lẻ để nuôi con ăn học...

‘ Chị Nghiêm Thị Thu và con trai

Từ những bữa ăn rau cháo của mẹ

Chị Thu sinh ra trong một gia đình nghèo tại thôn Nhị Khê, xã Hoàng Long huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Vùng quê chiêm trũng thời ấy, chỉ một năm hai vụ lúa, lo được cái ăn đã lã may mắn chứ kể chi đến chuyện được học hành. Năm 20 tuổi chị Thu xây dựng gia đình, một thời gian sau ba đứa con trai lần lượt ra đời đã đem lại cho vợ chồng chị những niềm vui khôn khiết. "Chồng tôi làm thợ xây quanh làng và tôi đi phụ giúp anh ấy, ngày hai vợ chồng kiếm được vài chục nghìn, rau cháo cũng đủ cho ba đứa con trai trứng gà trứng vịt."

Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, chị Thu bảo năm 2000, lúc này đứa con trai đầu Lê Văn Tú tròn 10 tuổi thì một ngày đi học về cháu kêu đau đầu. Tiền để ăn còn chưa có thì chuyện đưa con đi khám xét ở bệnh viện là một việc quá sức. Anh chị cứ động viên cháu và cho cháu uống thuốc Nam nhưng bệnh tình ngày một nặng. Cực chẳng đã, hai vợ chồng quyết định bán đàn lợn, là tài sản có giá duy nhất của gia đình để đưa con xuống bệnh viện Bạch Mai thăm khám. Nhận kết quả, anh chị ngỡ như có sét đánh ngang tai khi biết rằng Tú bị ung thư máu và dù có làm cách gì thì bệnh tình Tú cũng chỉ sẽ được tính bằng ngày mà thôi. Một thời gian ngắn sau Tú qua đời. Nhẹ nhàng như một giấc mơ.

Niềm đau mất con chưa nguôi thì 5 năm năm sau, năm 2005 chồng chị cũng bỏ mấy mẹ con bởi căn bệnh ung thư gan giai đoạn cuối. "Mẹ khổ thế này, con không đi học nữa đâu. Con nghỉ ở nhà đi làm giúp mẹ."- Trước hoàn cảnh quá đột ngột ấy, Duẩn đã nói quyết định ấy với mẹ. Im lặng trong giây lát rồi chị kể những lời gan ruột. Chị bảo rằng sống đến tuổi này, vui buồn được mất đã trải đủ thì chị thấy cuộc đời vẫn còn những người tốt và chị luôn tin, những điều tốt đẹp, nhân nghĩa vẫn hiện hữu trong cuộc sống. Khi một hôm cô giáo Hạnh, cô giáo chủ nhiệm của Duẩn đã đến tận nhà bảo với rằng: "Duẩn học rất được, em mà nghỉ thì tiếc quá. Gia đình cứ cố gắng, em sẽ giúp hết sức."

Vài ngày sau, với sự giúp đỡ của cô giáo chủ nhiệm, Duẩn đã được hỗ trợ 50% tiền học phí và lúc này, UBND xã cũng công nhận hộ nghèo cho mấy mẹ con chị Thu. Một chế độ mà chẳng ai muốn nhận nhưng với mẹ con chị, lúc này đó như một cứu cánh khi hàng tháng, ba mẹ con sẽ có thêm mấy trăm nghìn để sống. Ít tuổi nhưng Duẩn là đứa con trai nhạy cảm. Khi thấy bệnh đau dạ dày của mẹ ngày một nặng, Duẩn thêm một lần nữa muốn nghỉ học để đi làm phụ hồ, "thế" chân của mẹ trong tổ thợ xây.

"Nghe con nói vậy mà cũng chỉ để biết nước mắt chảy ngược vào trong bởi tôi biết rằng, 16 tuổi cao 1m60 và nặng chỉ 33kg thì không một tốp thợ nào dám nhận vào làm (Thời điểm này Duẩn đã cao 1m66 và nặng 38kg). Nhưng tôi không dám nói sợ con tủi thân. Không hiểu thông tin từ đâu mà mấy ngày sau nhà trường biết chuyện và cử ngay cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Hường đến thăm gia đình tôi. Và thêm một lần nữa, tôi phải nói lời cảm ơn những cô giáo chủ nhiệm nhân hậu mà con trai tôi đã may mắn gặp được trong đời.

‘ Chị Nghiêm Thị Thu

Đến thủ khoa Đại học

Lên cấp 3 Duẩn học xa nhà 10 cây số và có lẽ, em là một trong những thành phần đặc biệt khi buổi trưa, thường "trốn" một mình để ăn cơm. (Duẩn học cả ngày nên buổi trưa ăn cơm tại trường). Trong khi bạn bè ra quán ăn cơm thì Duẩn ăn suất cơm nắm mẹ gói cho buổi sáng. Đa phần là muối vừng, thi thoảng có thêm con tép con tôm, nhưng cũng chẳng đáng là bao. Chị Thu bảo nhiều lần, vừa gói cơm cho con, chị vừa nựng yêu: "đừng có buồn nhé, cứ ăn nhiều cơm, chắc cái bụng là khỏe cả thôi con ạ" Nói là an ủi con vậy thôi, nhìn cái dáng xiêu vẹo của con trên chiếc xe đạp cọc cạch khuất sau rặng tre làng, nhiều lần nằm trên giường chị mặc nước mắt cứ chảy ướt hết gối. Bù lại, những tờ giấy khen thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp thành phố Duẩn đem về, chị thấy mình được an ủi vô cùng.

Rồi ngày thi đại học của Duẩn cũng tới. Ban đầu chị bảo Duẩn thi Học viện An Ninh nhưng với cân nặng 37kg, không đủ tiêu chuẩn nên Duẩn bảo Duẩn chọn đại học Dược và đại học Y Học dân tộc cổ truyền. Duẩn bảo với mẹ: "Con muốn theo ngành y, và người đầu tiên con muốn chữa khỏi bệnh đó là cho mẹ, sau đó là là đến cô gì chú bác và những người ngheo khổ." Chị tôn trọng quyết định của con và cũng biết rằng. Thi đại học thì nghìn người thi, đôi khi chỉ đỗ một người. Đành rằng con mình học khá nhưng "trong nhà nhất mẹ nhì con", xã hội, thiếu gì người tài giỏi. Dù vậy, chị cũng bán đi bốn tạ thóc được 1,2 triệu đồng cho con đi thi.

Chị Thu ít chữ, cũng không để ý nhiều thì ngờ đâu, mấy tuần sau thấy các bác ở huyện, ở xã, đến tặng quà và bảo Duẩn đỗ cả hai trường đại học và là thủ khoa của Đại học Dược Hà Nội, Duẩn được 29,5 điểm. Chị Thu đã khóc, những giọt nước mắt hạnh phúc. Chuẩn bị cho con nhập học, chị may mắn vay được của Quỹ nước sạch (Ngân hàng NN&PTNT) 9 triệu đồng để trả bớt nợ cũ và mua sắp một ít đồ dùng học hành cho con. Ngồi trò chuyện chị bảo, dù có khó khăn đến đâu đi chăng nữa, chị vẫn sẽ cố để cho con được đi học đại học. Đã hai lần nghe con định bỏ học giữa chừng mà mình không thể giúp đỡ được gì, với chị, đó đã là những nỗi đau quá lớn, chị không muốn có thêm lần thứ 3…

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước