Một ngày cuối tháng 3, tìm tới tổ 8, thị trấn Thạch Hà (Hà Tĩnh) ai trong chúng đoàn chúng tôi cũng xót thương cho tình cảnh nghiệt ngã, cám cảnh của mấy cha con anh Nguyễn Văn Tứ. Kể về gia đình anh Tứ, nhiều người trong xóm không giấu được nỗi buồn, gọi gia đình anh là "gia đình bệnh tật". Chị Nguyễn Thị Hà, vợ anh Tứ bị chứng bệnh tim hành hạ suốt nhiều năm. Anh Tứ bị bệnh khớp, ốm yếu tiều tụy. Hai đứa con nhỏ, cháu Nguyễn Thị Thắm, học lớp 9 bị chứng bệnh lupus ban đỏ, chân tay thường xuyên sưng, đau khắp người; cháu Nguyễn Văn Bảo Phúc, học lớp 1, bị chứng lao hạch.
3 cha con anh Tú sống buồn thương trong căn nhà xây cấp 4 nhiều năm chưa có tiền hoàn thiện.
Cả gia đình bị bệnh tật nên suốt năm tháng qua, không tháng ngày nào gia đình anh Tứ không có thành viên nằm viện. Hết bố, lại mẹ, rồi lần lượt đến các con. Bao nhiêu tiền của tích góp, vay mượn, cả gia đình anh Tứ đều dành cho thuốc men, viện phí. Suốt nhiều năm, cả gia đình 4 con người sống lay lắt, rau cháo qua ngày.
Đã bao mùa xuân, bao cái Tết ảm đạm, buồn thương, nhưng đây là cái Tết ngậm ngùi, thê lương nhất mà bố con anh Tứ đã và đang trải qua. Hôm 23 tháng Chạp, sau nhiều năm chống chọi với chứng bệnh tim, sau hơn một năm ăn nằm một chỗ do bị tai biến mạch máu não, chị Hà đã bỏ bố con anh về với tổ tiên. Cái chết của chị Hà vào áp Tết đẩy bố con anh Tứ thêm khốn khó. Anh Tứ đã phải đôn đáo vay mượn người thân, xóm làng mới lo được tang ma cho vợ. Lo liệu xong đám tang cho người vợ xấu số, anh Tứ cũng cạn kiệt sức lực, đâu còn có thể nghĩ gì đến Tết cho các con.
Chị Hà ra đi ở tuổi 49, bỏ mặc người chồng và 3 đứa con ốm đau chưa biết rồi sẽ ra sao?
Nỗi đau còn quá lớn, chưa thể nguôi ngoai, anh Tứ giờ đang quá lo lắng cho bệnh tình của hai đứa con tội nghiệp của mình. Chứng bệnh lupus ban đỏ kèm một loạt chứng khác như hạ kali máu, tăng men gan đã khiến cháu Thắm ốm yếu, chân tay thường xuyên sưng, đau khắp người. Vì bệnh tật dày vò, không tiền chạy chữa, nên đầu năm học vừa rồi khi vừa kết thúc lớp 9, cháu Thắm đã phải bỏ học giữa chừng.
Nhắc đến đứa con gái bệnh tật, lớm rớm nước mắt, ngồi buồn sau lưng, người cha như muốn bật khóc vì bất lực, vì thương con. "Tháng 10 năm trước, cháu nó đau và yếu quá, tui mượn xe đưa cháu vào Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh. Các bác sĩ khám cho, hẹn ngày đưa cháu tái khám. Đến ngày, xoay mãi không ra tiền, mẹ cháu lúc đó lại sống thập tử nhất sinh, nên tui đành để cháu ở nhà cho đến nay"- anh Tứ nhìn con rầu rỉ nói.
Cháu Thắm (bên phải) học xong lớp 9 phải bỏ học vì bệnh tật và nhà quá cám cảnh.
Giấy hẹn tái khám từ tháng 11/2017, nhưng do mẹ mất, nhà khánh kiệt nên Thắm chưa thể trở lại bệnh viện để các y bác sĩ kiểm tra tình trạng bệnh tật.
Anh Tứ mới dứt lời, cháu Bảo Phúc, 7 tuổi, đã ôm cổ rên rỉ bố, "bố ơi, cổ con lại đau nhức bố ạ". Tiếng rên la đến tội nghiệp của đứa con trai khiến ruột gan của anh Tứ như bị cào xé. Thực tình, không cần con rên rỉ, kêu van, thì anh cũng đã biết thân thể con trai đang bị chứng lao hạch, với một mụn nhọt to hơn hạt bưởi trồi ra ngoài da thịt hành hạ từng phút từng giây. "Cháu mới được sinh thiết, đang theo dõi có phải phẫu thuật nữa không. Nhưng từ hôm mẹ cháu mất, tui cũng chưa biết xoay trở như thế nào để đưa cháu đi viện. Bất lực, xót xa quá, giờ tất cả tui chỉ còn cầu mong trời thương cho hai đứa chúng nó được khỏe chứ cũng không còn biết ra sao"- anh Tứ đau đớn tiếp lời.
Cháu Phúc, 7 tuổi, học lớp 1 cũng đang có nguy cơ bỏ học vì bệnh tật và nhà quá nghèo. Người cha đang rất lo lắng cho nhọt hạch đang một lớn dần.
Bệnh tật, nỗi nhớ người mẹ quá cố đến mất ăn mất ngủ khiến cháu Phúc càng ngày càng gầy thêm. Như một bản năng tự nhiên, đầu xuân Phúc không ra khỏi nhà vui đùa với lũ trẻ trong xóm, cháu cứ suốt ngày ngồi trước bàn thờ ngắm nhìn di ảnh mẹ. Nhìn con trai, anh Tứ nén lòng: "Lúc mẹ cháu còn sống luôn ước cho con được học hành để con khỏi khổ, giờ dưới suối vàng nhìn chị bỏ học, rồi em có thể nối gót chị, hẳn mẹ các cháu cũng rất buồn".
Hình ảnh quá đỗi thương tâm. Cháu Tú cứ suốt ngày ngồi trước bàn thờ ngắm nhìn di ảnh mẹ.
Khi trở về nhà, ngồi viết về tình cảnh của hai cháu Thắm và Phúc, đầu tôi vẫn miên man câu hỏi, không biết với hoàn cảnh gia đình tận cùng của nỗi bất hạnh, không còn hơi ấm chỗ dựa tinh thần từ mẹ, người cha cũng đang cắn răng chịu đau đớn, thì hai đứa trẻ rồi sẽ ra sao? Chỉ mỗi kinh phí đến tái khám ở bệnh viện mà bố hai đứa trẻ cũng không lo nỗi, thì làm sao các cháu có thể chạy chữa…
Tương lại mịt mù đang ở phía trước với chị em Thắm và Phúc.
Tôi không dám nghĩ thêm về tình cảnh của hai đứa trẻ. Đầu xuân năm mới, tôi chỉ còn biết nguyện cầu cho hai đứa trẻ gặp niềm may, có một phép màu để tai ương rời xa hai bé, cho hai đứa trẻ được sống, có được niềm vui như bao đứa trẻ khác. May mắn hơn, các cháu có cơ hội để trở lại với con chữ, như ước nguyện của người mẹ quá cố của các em.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!