Mẹ mất, chị bị tâm thần, cậu học trò nhỏ đối mặt với ung thư

Theo Dân trí-Thứ sáu, ngày 02/01/2015 00:06 GMT+7

Anh Long đang phải lao lực chăm con trọng bệnh và hai người tâm thần

Thằng bé gục đầu vào vai cha khóc rưng rức, nó đang lên cơn sốt cao, mặt tái xanh vì thiếu máu. Ngồi bên cạnh, cô chị gái say sưa húp tô hủ tiếu vừa được hàng xóm “cứu đói".

Lận đận cảnh “gà trống nuôi con”

Đến ấp 5, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM, hỏi thăm nhà của cháu bé bị bệnh máu trắng, bà chủ quán cà phê thở dài chua xót: “Tội nghiệp thằng bé, nó bị bệnh nặng nhưng gia đình nghèo quá nên đã mang về rồi". Nằm cuối con đường nhỏ của ấp, là căn nhà tình thương chính quyền địa phương cất cho hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Từ trong nhà, người đàn ông thấp bé, lưng còng, làn da rám nắng, áo quần xộc xệch bước ra, anh là Nguyễn Văn Long (41 tuổi) chủ gia đình.

Trên chiếc nệm đã cũ nát đặt giữa nhà, bé Nguyễn Tấn Phụng (12 tuổi, con trai anh Long) nằm ôm đầu rên rỉ. Thằng bé đang bị cơn sốt cao hành hạ thân xác, đưa đôi mắt thâm quầng chào khách. “Tội nghiệp, mấy hôm nay nó chỉ húp được vài muỗng cháo nhưng ăn chưa khỏi miệng thì lại ói ra, hết thuốc Tây rồi lại thuốc Nam song chẳng thấy có kết quả gì”, cụ Lưu Thị Bảy (80 tuổi) nhìn đứa cháu ngoại xót xa.

Nhìn lên bàn thờ và di ảnh người con gái đã vội vã ra đi trước, cụ Bảy nhớ lại, hơn 14 năm trước chị Lưu Thị Kim Long (SN 1966) đã mang lòng yêu thương rồi thành vợ thành chồng với anh Nguyễn Văn Long. “Chúng nó về với nhau nhưng chỉ có hai bàn tay trắng. Thương con, tôi cắt cho một phần đất ở của gia đình để chúng có nơi sinh sống”.

Một năm sau con đầu của họ là Nguyễn Thị Kim Yến (SN 2001) chào đời nhưng niềm vui chẳng trọn. Từ lúc mới sinh nó đã nhiều lần chết đi, sống lại. Nằm hết bệnh viện này đến bệnh viện khác cháu mới dần qua được nguy kịch, từ đó đến nay nó cứ ngây ngô như đứa trẻ lên hai. Bác sĩ cho biết, những trận ốm liên tiếp đã khiến con bé bị di chứng não, chậm phát triển về tâm thần, vận động.

Năm 2002, vợ chồng anh Long sinh thêm Tấn Phụng, thằng bé chào đời khỏe mạnh bình thường đã bù đắp phần nào nỗi buồn của cha mẹ. Ngoài việc nuôi dưỡng hai đứa trẻ, họ còn phụ mẹ già chăm sóc cho người chị gái của vợ bị bệnh tâm thần là bà Lưu Thị Vẹn (SN 1958). Để lo cho chi phí sinh hoạt của cả gia đình, vợ chồng anh Long phải quần quật làm thuê làm mướn, ngoài phụ hồ ai có công việc gì họ cũng sẵn sàng.

Nhưng, 5 năm trước khi đang chạy xe gắn máy trên đường đến công trình xây dựng, vợ chồng anh Long va chạm với xe tải, người vợ ngã đập đầu xuống đường bất tỉnh. Sau gần một tuần phẫu thuật rồi chữa trị, chị Kim Long đã vĩnh viễn ra đi vì chấn thương sọ não quá nặng.

Từ ngày vợ mất, anh Long phải gồng mình lao động để nuôi cả 4 miệng ăn và lo cho cậu con trai đi học. “Tôi cố gắng làm mọi điều tốt nhất có thể để nuôi thằng bé ăn học với hy vọng sau này khi tôi không còn, Tấn Phụng sẽ là chỗ dựa cho chị của nó. Nhưng ngờ đâu, niềm hy vọng lớn nhất của tôi nay lại trở thành nỗi bất hạnh”.

Sự sống của thằng bé đang tắt dần

Chị Kỹ Thị Hồng Nhung (44 tuổi, hàng xóm của gia đình) cho biết: “Gần một năm trước, thằng bé liên tục đổ bệnh, chúng tôi nhiều lần động viên anh Long đưa con đến bệnh viện kiểm tra. Nhưng quá khó khăn về kinh tế nên mỗi lúc con đau, anh chỉ mua thuốc cảm cúm nhức đầu cho uống. Đầu tháng 9/2014 bé Phụng đi học cháu liên tục bị ngất trên lớp, lúc này anh Long mới đưa con đến bệnh viện. Khi bác sĩ tại bệnh viện Huyết học và Truyền máu, TP.HCM thông báo kết quả xét nghiệm bé Phụng bị bệnh bạch cầu cấp dòng tủy, bố con anh gần như suy sụp".

Nhờ sự giúp đỡ của bà con lối xóm và vay mượn thêm gần 10 triệu đồng, anh cho con nhập viện điều trị. Nhưng mới nằm viện hơn 1 tuần, số tiền anh Long có được đã hết nhẵn. Theo phác đồ điều trị, bé Phụng còn phải trải qua quá trình hóa trị, xạ trị kéo dài và thuốc thang rất tốn kém. Người cha đã gõ cửa khắp nơi để vay mượn với hy vọng tiếp tục chạy chữa cho con. Nhưng thấy gia cảnh khốn quẫn của anh, đến cả những người cho vay nặng lãi cũng lắc đầu từ chối. Bế tắc, anh buộc lòng đưa con về…

Các tế bào ung thư ác tính tấn công và phá hủy tế bào máu khiến bé Phụng liên tục rơi vào tình trạng thiếu máu, gần 4 tháng qua cháu đã phải 2 lần truyền máu bổ sung để duy trì sự sống. Đồng lương công nhật từ việc phụ hồ mỗi ngày chỉ được 160.000 đồng nhưng từ khi con bệnh, số ngày đi làm của anh Long chỉ đếm trên đầu ngón tay. Không chỉ người cha có nguy cơ mất việc mà cậu con trai cũng có khả năng sẽ phải thôi học giữa chừng vì bệnh tật và không lo nổi tiền trường.

Phía gia đình anh Long cha mẹ đã mất sớm, anh chỉ có một người em gái đi lấy chồng ở xa, cuộc sống cũng khốn khó. Gia đình bên ngoại còn 3 anh chị em thì anh đã phải cưu mang một người chị mắc bệnh tâm thần, một người anh khác đang bị ung thư vòm họng giai đoạn cuối. Bố con anh đã lâm vào bước đường cùng, đến bữa ăn thường ngày họ cũng phải trông chờ vào sự chia sẻ của bà con lối xóm.

Trao đổi với phóng viên, ông Huỳnh Văn Đây, Trưởng ấp 5, xã Vĩnh Lộc B cho biết: “Gia đình anh Long thuộc diện hộ nghèo của ấp. Bà con trong ấp ai cũng xót xa cho hoàn cảnh của anh, vợ mất sớm, một mình anh vừa phải nuôi chị vợ và đứa con gái tâm thần nay lại thêm đứa con trai mắc bệnh nan y. Tôi rất mong cộng đồng xã hội sẽ chung tay giúp sức để anh Long có điều kiện chạy chữa cho con và sớm ổn định cuộc sống".

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước