Mẹ thập tử nhất sinh, 2 con thơ khắc khoải chờ mong

Theo Dân trí-Thứ bảy, ngày 28/04/2018 06:17 GMT+7

VTV.vn - Căn bệnh lupus ban đỏ biến chứng gây suy đa cơ quan khiến sinh mạng người mẹ trẻ tựa ngọn đèn dầu trước gió.

Sinh mạng người mẹ trẻ cận kề cửa tử

Nằm co ro trên giường bệnh khoa Nội thận, chị Kon Sa K’ Srin (29 tuổi) khó nhọc hít từng hơi thở. Cơ thể người phụ nữ đang ở tuổi sung sức của cuộc đời nhưng gần 1 tháng qua chị bị bệnh tật hành hạ đến tiều tụy. Chị gầy rộc đi, đôi mắt sâu hoắm, lừ đừ đưa qua, đưa lại trên gương mặt hốc hác. Sự sống đang muốn rời bỏ thân xác chị.

Mẹ thập tử nhất sinh, 2 con thơ khắc khoải chờ mong - Ảnh 1.

Chị K' Srin nằm co ro trên giường bệnh với ánh mắt khắc khoải

Ngày 23/4, trao đổi với phóng viên, BS Nguyễn Sơn Lâm, khoa Nội thận, Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM cho hay: "Ngày 6/4 bệnh nhân được chuyển đến trong tình trạng rất nặng. Sau thăm khám và thực hiện các xét nghiệm, chúng tôi xác định người bệnh bị lupus ban đỏ gây tổn thương đa cơ quan, mất hoàn toàn chức năng thận, suy gan cấp, rối loạn điện giải nặng".

Người bệnh đã được chạy thận nhân tạo cấp cứu. Bệnh lupus ban đỏ trên nền cơ địa thiếu máu tán huyết tiếp tục gây biến chứng vi mạch huyết khối, nguy cơ tử vong rất cao do tắc mạch máu, xuất huyết. Hiện bệnh nhân đã có những ổ chảy máu nhỏ trên não, tình trạng chảy máu khó cầm. Nỗ lực cứu chữa của bác sĩ đã kiểm soát được suy gan, nhưng cơ thể suy kiệt, ý thức của người bệnh đang giảm dần.

Mẹ thập tử nhất sinh, 2 con thơ khắc khoải chờ mong - Ảnh 2.
Mẹ thập tử nhất sinh, 2 con thơ khắc khoải chờ mong - Ảnh 3.

Bác sĩ đang nỗ lực điều trị nhưng gia đình không lo nổi chi phí

Dự kiến, chị K’ Srin sẽ phải thay máu từ 5 đến 7 lần kết hợp điều trị nội khoa tích cực, dinh dưỡng nâng đỡ tổng trạng. Bệnh nhân diện khó khăn mới thoát nghèo, không có bảo hiểm y tế vì thế chi phí điều trị rất tốn kém. Ngoài khoản gần 100 triệu đồng gia đình đã chi trả từ khi vào viện, dự kiến thời gian tới, người bệnh cần thêm 100 triệu đồng để thay máu, điều trị tích cực.

"Đây là ca bệnh nặng, điều trị khó khăn nếu đủ chi phí và cơ thể người bệnh đáp ứng với phác đồ hi vọng sống cho bệnh nhân có thể lên tới 80%. Y bác sĩ chúng tôi đang nỗ lực hết sức về chuyên môn tích cực cứu người bệnh bởi chị còn quá trẻ. Tuy nhiên, nếu không có chi phí thay huyết tương, chạy thân... sự hỗ trợ chuyên môn của bác sĩ cũng khó giữ được sinh mạng cho bệnh nhân" - BS Sơn Lâm tâm sự.

Con thơ đói khát mong mẹ từng ngày

Bên giường bệnh, anh Kơ Dơng Ha Drim (31 tuổi) nghẹn ngào: "Vợ em giờ đau lắm, không còn nói được, ăn uống khó khăn nên bác sĩ phải nuôi ăn trực tiếp vào dạ dày. Nếu chẳng may chuyện xấu xảy đến với vợ, em và 2 đứa con sao sống nổi. Ngày nào 2 đứa cũng nhờ người nhà gọi điện hỏi "hôm nào mẹ về với chị em con?" Khi mới vào viện, vợ em còn nói chuyện được nhưng giờ không nói được nữa, hai đứa tưởng mẹ đã chết nên khóc lóc bỏ cả ăn uống.

Mẹ thập tử nhất sinh, 2 con thơ khắc khoải chờ mong - Ảnh 4.

Anh Drim đã tìm mọi cách để xoay xở chi trả viện phí cho vợ

Theo lời anh Drim, vợ chồng anh ở cùng làng, lớn lên với nhau từ nhỏ. Sau thời gian dài yêu thương nhau, năm 2009 chị K’ Srin cưới anh về làm chồng (chế độ mẫu hệ của người Cil, một chi nhánh thuộc đồng bào Cơ Ho sinh sống ở Lâm Đồng - PV). Sau 9 năm chung sống, họ có với nhau 2 đứa con gái, bé lớn là Kon Sa Thiên Thủy (7 tuổi, học lớp 2), bé nhỏ là Kon Sa Mỹ Hạnh (3 tuổi).

Vợ chồng Drim được nội ngoại cho 5 sào đất trồng cà phê, hiện mới cho thu 3 năm. Tuy nhiên, đây là diện tích xâm canh trên đất lâm nghiệp nên không thể sang nhượng hợp pháp. Từ khi cà phê cho trái với thu nhập khoảng 20 triệu mỗi năm, vợ chồng Drim đã thoát diện hộ nghèo ở địa phương.

Mẹ thập tử nhất sinh, 2 con thơ khắc khoải chờ mong - Ảnh 5.
Mẹ thập tử nhất sinh, 2 con thơ khắc khoải chờ mong - Ảnh 6.

Xác nhận hoàn cảnh khó khăn từ chính quyền địa phương và 2 đứa trẻ bên gian nhà gỗ đang rao bán

Vợ chồng Drim đang hi vọng với nguồn thu nhập từ cà phê kết hợp làm mướn, họ sẽ lo cho các con có cuộc sống ấm no nhưng bệnh tật bất ngờ ập đến. "Hơn 2 năm nay vợ em bắt đầu xuống sức. Cuối năm trước vợ thường than mệt, đau đầu, choáng. Gần đây, vợ em bị phù nề toàn thân, ngất xỉu phải chuyển đến Chợ Rẫy, điều trị hơn nửa tháng nhưng bệnh ngày càng nặng" - anh Drim tâm sự.

Gửi lại 2 con thơ nhờ mẹ vợ chăm sóc trong cảnh gạo ăn đã hết, Drim viết giấy tay thế chấp đất rẫy vay gần 100 triệu đồng lo viện phí cho vợ. Hiện không còn ai cho mượn, anh lại lên tiếng bán gian nhà gỗ với giá 20 triệu đồng nhưng chưa ai hỏi mua. "Bác sĩ nói vợ em còn nằm viện dài ngày, chi phí tốn kém. Giờ em chẳng còn gì cả làm sao cứu được vợ đây?"

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước