Người thầy thuốc 15 năm gắn bó với người dân vùng gian khó

Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản-Thứ hai, ngày 22/02/2016 20:00 GMT+7

VTV.vn - Hơn 15 năm tình nguyện làm việc tại xã Xuân Lai, huyện miền núi Yên Bình (Yên Bái), thầy thuốc Vũ Hoàng Toàn đã trở thành người thân của biết bao đồng bào dân tộc thiểu số

Sinh năm 1980, theo đuổi ước mơ làm bác sỹ, tốt nghiệp trung học phổ thông, Vũ Hoàng Toàn lựa chọn thi vào trường Trung cấp Y của tỉnh. Năm 2000, anh tình nguyện “cắm bản” tại Trạm Y tế xã Xuân Lai, huyện miền núi Yên Bình. “Đường vào xã quá khó khăn, đó là những con đường mòn vắt qua vách núi cao thăm thẳm. Điện thì không có, tứ bề là núi non hiểm trở, tìm mỏi mắt mới thấy một nóc nhà, cuộc sống của người dân thì đói khổ. Dù cũng là dân miền núi, đã hình dung những thiếu thốn không tránh khỏi ở nơi làm việc khi rời gia đình để nhận nhiệm vụ. nhưng thực sự tôi cũng thấy ngỡ ngàng... Trạm Y tế xã ngày đó chỉ là căn nhà ba gian tạm bợ, thiết bị y tế hầu như chẳng có gì, chỉ vỏn vẹn có chiếc tủ gỗ đựng vài lọ thuốc B1, B6, tetracyclin, penicillin, clorocid, ít bông,gạc... Mọi sinh hoạt cá nhân, chúng tôi phải nhờ nhà dân cả” - anh Toàn nhớ lại.

Nhưng khó khăn do thiếu thốn cơ sở vật chất, điều kiện đi lại, làm việc không khó bằng những hủ tục lạc hậu mà người thầy thuốc phải đối mặt. “Tôi không thể quên câu chuyện mà người mới bước vào nghề như tôi lúc đó phải đối mặt. Đó là trường hợp một gia đình đưa sản phụ dân tộc Cao Lan tới Trạm y tế xã để sinh con. Chị ấy đau đẻ đã 2 ngày rồi. Theo phong tục, là phải sinh con tại nhà nên chỉ đến khi rơi vào tình trạng nguy kịch, người nhà mới chấp nhận đưa đến trạm y tế nhờ chúng tôi giúp. Đứa trẻ đã mất từ trong bụng mẹ, may mắn vẫn còn kịp cứu mẹ. Dù học tập trong trường y, từng chứng kiến nhiều cảnh sinh li tử biệt nhưng tôi vẫn bị ám ảnh. Đó cũng là nỗi đau của người thầy thuốc như chúng tôi khi chưa thuyết phục để bà con từ bỏ những hủ tục lạc hậu” - thầy thuốc Vũ Hoàng Toàn tâm sự. Chính cảm giác ám ảnh, bất lực ấy đã trở thành động lực khiến Vũ Hoàng Toàn thêm quyết tâm bám bản, chia sẻ bớt khó khăn, cải thiện cuộc sống và quan trọng nhất là nâng cao sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số. “Từ chỗ bất đồng ngôn ngữ phải ra hiệu mỗi khi khám bệnh cho bà con, để hiểu thêm về bệnh tình, triệu chứng có từ bao giờ, tiền sử bệnh ra sao… thì cần phải trò chuyện, hỏi han tỉ mỉ, chi tiết, vậy là tôi lại dành thời gian tự học tiếng dân tộc từ sách vở và từ chính người dân bản địa. Càng ở nơi khó khăn thế này, người dân càng cần những người thầy thuốc như chúng tôi” - thầy thuốc Vũ Hoàng Toàn chia sẻ.

Để nâng cao trình độ chuyên môn, năm 2003, Vũ Hoàng Toàn tiếp tục theo học Đại học Y Thái nguyên. Ra trường năm 2007, anh lại quay về Xuân Lai công tác. Những kiến thức được đào tạo, Vũ Hoàng Toàn đều chia sẻ cùng đồng nghiệp, áp dụng hiệu quả với những ca bệnh khó khiến người dân Xuân Lai yên tâm không phải đi đâu xa. Hễ cứ trái gió trở trời là tìm ngay đến trạm y tế xã, tìm gặp bằng được bác sỹ Toàn.

Bám bản, bám dân đến nay đã hơn 15 năm, bác sĩ Vũ Hoàng Toàn đã trở thành người con yêu quý của đồng bào dân tộc thiểu số ở Xuân Lai. Với vai trò là bác sỹ đa khoa, Trưởng trạm y tế xã, anh đã tham mưu để kịp thời triển khai các nội dung xây dựng chuẩn quốc gia về y tế xã theo tiêu chí mới để năm 2012, Xuân Lai là xã đầu tiên đạt tiêu chí chuẩn quốc gia về y tế đầu tiên của huyện Yên Bình. Bên cạnh đó, bác sĩ Toàn còn thường xuyên tham gia các hoạt động của Hội Thầy thuốc trẻ huyện Yên Bình, tích cực khám, chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho người nghèo, trẻ em, người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, các gia đình chính sách… ở những xã lân cận trên địa bàn huyện. Anh vinh dự là 1 trong 30 thầy thuốc trẻ bám bản tiêu biểu được tuyên dương tại Đại hội Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam lần thứ III, diễn ra tại Hà Nội, vào tháng 1 vừa qua./.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước