Nhà sáng chế... nông dân

Văn Hương Khê-Thứ tư, ngày 18/12/2013 16:11 GMT+7

 Cả Thị trấn Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La sửng sốt khi nghe tin “Tuấn khùng” chế tạo thành công chiếc máy cày từ phụ tùng xe máy đã hỏng nát. Đó như một "kỳ tích" của chàng trai chưa học hết phổ thông nơi vùng đất xa xôi này.

‘ Nguyễn Anh Tuấn bên đứa con tinh thần của mình

Bán nhà để chữa bệnh

Tuấn là con thứ 2 trong gia đình nông dân. Từ nhỏ khi mới sinh ra Tuấn hay bị ốm đau triền miên. Kinh tế gia đình vốn khó khăn, chỉ trông chờ vào mấy sào nương rẫy, nay lại trở nên cùng quẫn hơn. Học đến lớp 11, bệnh tình ngày một nặng, Tuấn cứ đau ốm triền miên. Có thời gian mọi người thấy cậu đau ốm, gầy yếu tưởng chừng như không thể qua khỏi. Điều đặc biệt là bố mẹ đã đưa anh đi khám bệnh ở rất nhiều nơi từ bệnh viện tỉnh đến sau các bệnh viện nổi tiếng ở Hà Nội, nhưng đều không tìm ra bệnh chính thức. Tuấn đã phải nghỉ học một phần vì đau ốm quanh năm, phần là do nhà quá nghèo không có điều kiện tiếp học tập.

Sức khỏe vốn yếu anh không làm được những công việc làm nương rẫy nên Tuấn đã chọn nghề sửa chữa xe máy để kiếm sống. Mường La nghèo, lại ở vùng cao, nên chiếc máy cày ở đây trở thành thứ xa xỉ và quá xa lạ với người dân. Hầu như rất ít, có chăng cũng chỉ là của Trung Quốc nhập về. Giá lại quá cao so với thu nhập của người dân vùng núi. Không những thế, những chiếc máy cày của Trung Quốc có hình dáng vừa to lại cồng kềnh chỉ phù hợp với địa hình ở đồng bằng, còn với địa hình vùng núi, ruộng bậc thang thường dốc và cao thì loại máy Tàu đó chỉ “khục khục” tý rồi ngã lăn xuống phía dưới.

Chứng kiến nỗi vất vả của ông bà, bố mẹ và những người dân bản, Tuấn thấy mình phải làm gì đó để giúp mọi người làm việc đỡ vất vả hơn. Góp sức nhỏ nhoi của mình cho gia đình. Như để trả ơn cho những ngày tháng gắn bó với ruộng đồng cùng gia đình và những người dân một nắng hai sương. Suốt quá trình theo học nghề sửa chữa xe máy Tuấn đã “nung nấu” ý tưởng dùng động cơ xe máy chế tạo ra máy cày bừa. Anh tâm sự: “Năm 2005 mình bắt đầu bắt tay vài thực hiện ý tưởng này nhưng từ ý nghĩ đến thực tế là một khoảng cách khá xa. Khi mọi sơ đồ của chiếc máy cày đã lên khung nhưng do thiếu tiền mua máy móc thiết bị nên mãi tận năm 2008 thì chiếc máy đầu tiên mới hoàn thành và đưa vào dùng thử."

Chiếc máy cày bừa đầu tiên đã hoàn tất, Tuấn vui mừng đến khôn xiết khi dẫn máy ra cánh đồng của bản mình để “biểu diễn”. Nhưng khi máy vừa khỏi động chạy được nửa đường cày thì chiếc máy đã trở quẻ, lưỡi cày đã vỡ thành hai mảnh. Lúc đó Tuấn vừa xấu hổ với mọi người, vừa thấy mình như một kẻ thua cuộc và thất bại. Những giọt nước mắt trên gương mặt đen sạm chảy xuống, Tuấn khóc cho niềm mơ ước của mình chưa thành hiện thực. Không từ bỏ ý định sau lần thất bại đó, Tuấn tiếp tục tìm hiểu kĩ hơn về từng chi tiết máy để tìm ra nguyên nhân. Năm 2009 Tuấn lại cho ra đời chiếc máy cày thứ 2. Chiếc máy này tuy đã được chỉnh sửa nhưng những tính năng cho người sử dụng còn nhiều hạn chế vì nó quá nặng và khó điều khiển. Không "tiếc của", Tuấn lại tiếp tục phá bỏ và làm cho gọn, nhẹ nhàng hơn.

Đầu năm 2010 Tuấn đã hoàn thành và thử nghiệm trên thửa đất của gia đình. Chiếc máy mới làm ra phù hợp hơn với địa hình và diện tích đất nhỏ ở địa phương. “Hồi đầu, nhiều người cho rằng ý nghĩ của mình quá mơ hồ, hoang tưởng, thậm chí có người còn nghĩ “thằng này chắc khi ốm bị "con ma núi nó làm rồi” nên như vậy”. Lần đầu tiên ở mảnh đất nghèo vùng cao Mường La, một chiếc máy cày làm chủ yếu bằng sắt vụn, gắn thêm chiếc động cơ xe máy đã xuất hiện và có thể xới bung những luống đất vốn khô cằn, sỏi đá. Các khu ruộng bậc thang vốn thách thức các loại máy móc nay đã được máy cày của Tuấn thuần phục. Mọi người trong bản ai cũng "ây hà" trầm trồ khen ngợi và đến chúc mừng “con ngựa sắt” có một không hai này.

‘ Sản phẩm của anh được bà con tin tưởng sử dụng

Động cơ xe máy + sắt vụn thành máy cày đa năng

Để nghiên cứu và chế tạo thành công được cái máy cày “nhà sáng chế nông dân” cũng đã phải trải qua rất nhiều những công sức và tiền bạc. Hồi đầu, do chưa am hiểu nhiều về nguyên lí hoạt động của máy cày, lại không được xem thực tế ở đâu nên khi Tuấn lắp ghép các chi tiết với nhau nhiều lúc còn không khớp. Anh tháo vào, lắp ra thậm chí khi sắp hoàn thành rồi lại phải phá đi vì sai chi tiết. Tiền công sửa xe máy được đồng nào Tuấn đều đổ hết vào mua sắm các thiết bị máy móc, để thực hiện ý tưởng của mình.

Tuấn cho biết, lúc đầu việc thiết kế các chi tiết máy gặp không ít khó khăn vì một số vật liệu như hệ thống tăng giảm lưỡi cày, hệ thống lưỡi phay và nhông tải của máy khi lắp vào nó không ăn nhập với nhau. “Mới đầu để đi tìm những chi tiết vật liệu này, mình đã phải bỏ công sức đi đến các cơ sở xản xuất, cụm công nghiệp của rất nhiều tỉnh như Nam Định, Phú Thọ, Hà Nội... để học hỏi và tìm hiểu nguyên lí hoạt động của các bộ phận này”. Để có được chiếc máy phù hợp với địa hình miền núi, từ đất khô đến ruộng lúa nước, kể từ khi có ý tưởng cho đến khi chiếc máy được đưa vào sử dụng tôi đã phải bỏ công sức, tiền của ròng rã trong khoảng 6 năm trời. Với những trăn trở suy nghĩ” - Tuấn cho biết.

Trong suy nghĩ của nhà sáng chế trẻ, chiếc máy cày đó không chỉ cày bừa đất được mà nó phải thích ứng với mọi địa hình, nó phải tạo sự khác biệt đối với các dòng trước đó. Anh tâm sự: “Khác với những chiếc máy cày bán trên thị trường nặng tới hơn 300 kg và độ leo dốc kém, chiếc máy của tôi chỉ nặng khoảng 60 kg, leo được dốc đứng 150 độ và một người khỏe có thể nhấc nhẹ từ ruộng này sang ruộng kia. Về tính năng, khi một sào ruộng Bắc bộ rộng 360 m2 nếu sử dụng máy khác phải mất hơn 40 phút, nhưng với máy cày và phay đất của tôi chi hết khoảng 20 phút” . Hiện tại do điều kiện còn khó khăn về vốn nên Tuấn cũng mới chỉ sản xuất máy cày và máy phay đất bằng thủ công. “Tiếng lành đồn xa” một số người dân trong vùng tìm đến Tuấn đặt mua chiếc máy cày độc đáo giá rẻ của anh

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước