Nhọc nhằn gieo chữ vùng cao…

Văn Quân-Thứ hai, ngày 18/11/2013 18:07 GMT+7

 Trong muôn vàn hồi ức về  những người bạn ở mảnh đất xa xôi Na Hang của tỉnh Tuyên Quang, không hiểu vì sao tôi lại nhớ nhiều nhất về những thầy giáo, cô giáo ở trưởng tiểu học Năng Khả (huyện Na hang, tỉnh Tuyên Quang).

Cũng có thể bởi đó là trường chuẩn quốc gia duy nhất của cái huyện được xếp vào trong những huyện nghèo nhất của nước mình hoặc cũng có thể cái sự dạy và sự học ở rẻo đất vùng cao ấy quá gian nan vất vả để rồi ám ảnh tôi mãi…

Chuyện ở một trưởng chuẩn quốc gia

Ở xã Năng Khả, nằm giữa bốn bề núi non, có lẽ ngôi trường tiểu học hai tầng này là khu nhà khang trang và cao nhất. Trường Năng Khả vừa được UBND huyện Na Hang đầu tư xây dựng để chuẩn bị cho việc đón nhận danh hiệu trường chuẩn quốc gia. Nhưng vẫn bộn bề vôi vữa và nhiều hạng mục chưa được hoàn thành.

Khi chúng tôi đến, đúng ngày các thầy cô giáo có việc tề tựu đông đủ để lao động và phụ giúp những người công nhân. Nói “tề tựu đông đủ” bởi như lời hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn “những dịp thế này hiếm lắm. May vì mấy hôm nay không mưa, đường xá đi lại được và không có ai đau ốm, chứ trường chúng tôi có tới 10 điểm trường. Điểm trường cách xa nhất trên 30km đường đồi núi.”

‘ Giờ lên lớp của thầy Khiêm

Với mười điểm trường, trừ trường chính đóng tại đây, như vậy đồng nghĩa với việc chín điểm trường còn lại có các giáo viên cắm bản. Tiểu học Năng Khả là ngôi trường có bề dày truyền thống được xây dựng từ những năm kháng chiến chống Pháp. Trường có 47 giáo viên ở tất cả các môn với 375 học sinh. Trong đó hầu hết các thầy cô giáo đều là người dân tộc còn học sinh thì 100% đều là các em người Dao, người Tày, người Mông với số hộ nghèo chiếm tới gần 80%.

“Năm vừa rồi toàn trường có tới hơn 50% số lượng học sinh giỏi và tiên tiến, số lượng giáo viên giỏi cấp tỉnh cấp huyện cũng trên 30 người. Không phải là khoe khoang gì nhưng ở huyện vùng cao này thì đó là kỳ tích đấy nhà báo ạ. Đặc biệt hơn, gần như tất cả học sinh đến tuổi tới trường chúng tôi đều vận động, giúp đỡ hướng dẫn phụ huynh đưa trẻ đến trường. Nhiều khi phụ huynh không đưa được, chính các thầy cô giáo đến tận nhà đưa các em đi. Vậy nên nhiều năm rồi, tiểu học Năng Khả là một trường giỏi của huyện Na Hang.” Ông hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn vui vẻ tậm sự. Ông còn nói với tôi nếu không tin, ở lại đây mấy ngày, “lên bản và đứng lớp” với các thầy cô giáo xem cái sự học ở vùng cao này nó như thế nào. Các em ham học ra sao mà nhà trường lại có được thành tích nhiều như vậy để “khoe” với nhà báo dưới xuôi lên.

Ông hiệu trưởng còn cho biết thêm, trong mười điểm trường thì một nửa gần như đi lại thuận tiện hơn, chỉ còn lại bốn điểm đó là Lũng Giang, Nà Chác, Phiên Rào, Nà Vai. Bốn điểm trường cách nhau chu vi khoảng hơn hai mươi km vuông, mỗi điểm sẽ có một vài giáo viên “cắm bản”. Hàng tuần, có khi hàng tháng mới về trường xã để họp hành, trao đổi công việc, còn lại các giáo viên cắm bản “toàn quyền” được xử lí khi có các tình huống xảy ra.

Các tình huống ở đây như lời ông hiệu trưởng là những khi học sinh ốm đau, bỏ học không đến lớp, gia đình các em có trục trặc, hay tổ chức các hoạt động đoàn thể cho các em. Như vậy mỗi giáo viên sẽ kiêm thêm nhiệm vụ của một người đi… dân vận. “Đấy, trong bốn điểm trường ấy nhà báo muốn “tham quan” đâu để chúng tôi bố trí. May mà hôm nay hầu hết giáo viên đều về đầy đủ”. Cuối cùng chúng tôi quyết định lên Lũng Giang, một điểm trường có các em học sinh người Tày và người Mông theo học mà dân cư ở đấy 98% là hộ nghèo. Điểm Lũng Giang do thầy giáo Triệu Ngọc Khiêm phụ trách.

‘ Đường đi học của những trẻ em Na Hang

Chân dung người giáo viên cắm bản

Thầy giáo Triệu Ngọc Khiêm năm nay ba bảy tuổi thì đã có thâm niên mười bảy năm leo núi. Anh bảo anh đi dạy học cho học sinh vùng cao từ ngày mới là cậu sinh viên sư phạm ra trường cho đến nay thì con gái của anh cũng vừa thi xong đại học.

Triệu Ngọc Khiêm có bắp chân to khỏe, từng thớ thịt thăn chắc quyện vào nhau như một vân động viên thể thao (Sau này trên cuộc hành trình, nếu không có đôi tay rắn chắc và đôi chân dẻo dai của anh thì chúng tôi cũng khó mà đến được những nơi mình cần đến.) Triệu Ngọc Khiêm bảo với chúng tôi tốt nhất tối nay không uống rượu, về nhà nghi nghỉ cho sớm, sáng mai bốn giờ anh sẽ đến đưa đi. Đúng bốn giờ sáng Khiêm điện vào số máy của tôi và cuộc hành trình của chúng tôi bắt đầu.

Từ thị trấn Na Hang, chúng tôi đi xe máy xuống thị tứ Nẻ, gửi xe máy một nhà ven đường, chúng tôi đi bộ ra bờ sông Gâm. Khiêm bảo nếu may mắn thì hôm nay sẽ có đò qua chở qua sông còn không anh em chuẩn bị tinh thần để… lội. Qua được sông Gâm sẽ vào nhà trong bản, ông ấy sẽ đi cùng bởi dù sao ông ấy cũng là người bản địa. May mắn cho chúng tôi, hôm nay chị lái đò chờ sẵn cùng hai cậu con trai (cả hai đều là học sinh của Khiêm).

Một chiếc thuyền độc mộc chở trên đó năm sinh mạng con người cùng với một khúc gỗ to lớn mà chị lái đò mang đi đóng góp xây dựng trường mẫu giáo. Lúc vượt sông Gâm, nhìn những tảng đá nằm chìm nổi dưới lòng sông tôi cứ tự hỏi, không hiểu những ngày mưa gió, rét mướt, một mình làm một cuộc độc hành lên non gieo chữ vào tờ mờ sáng không hiểu thầy giáo Triệu Ngọc Khiêm sẽ suy nghĩ những gì.

Dẫu biết rằng đó là công việc, nhưng nếu chỉ vì hai từ “trách nhiệm” đơn thuần thì tôi nghĩ Khiêm sẽ không có đủ kiên nhẫn để làm cái công việc đi bộ hàng chục cây số lội sông, vượt núi để kiếm đủ một tháng hơn hai triệu đồng để chi tiêu cho cuộc sống gia đình. Bởi so với các giáo viên khác Khiêm được coi là “dư giả” hơn nhiều người. Một căn nhà hai tầng ở thị tứ, vợ làm công chức của ủy ban huyện, anh hoàn toàn có thể ở nhà kinh doanh mà không phải bận tâm quá nhiều đến mưu sinh.

Ngồi trên thuyền vượt sông tôi hỏi anh: “Nếu vào hôm người lái đò vì một lí do nào đó không ra bến chở khách được, phải lội bộ qua sông. Ngày hè thì còn đỡ, chứ mùa đông, tối mịt mùng vậy anh biết nông sâu ra sao? Rồi lại nữa, mực nước bình thường như thế này mình cứ coi như kiểm soát được, nhưng ngộ nhỡ đi ra giữa dòng, thủy điện Na Hang mở xả đáy một vài cống nước xuống hạ lưu, chỗ thuyền mình đang đi đây có khác gì… biển.” Nói chung là tôi còn hỏi nhiều, bởi khi đã ở trong hoàn cảnh ấy, hàng trăm câu hỏi, hàng trăm thắc mắc cứ xuất hiện trong tôi. Khiêm lắng nghe cả.

Nghe hết anh chỉ mủm mỉm cười nhẹ nhàng và nói một câu nói thật thà của một chàng trai Tày: “Không sao đâu mà. Quen hết ấy mà.” Nghe câu nói ấy của Khiêm tôi cũng chỉ biết… cười như mếu. Chị lái đò cũng cười. Không biết chị cười cái câu hỏi của tôi hay cười cái bộ dạng “nghệt” ra của anh thầy giáo thật thà trước những câu hỏi mà có lẽ anh chẳng bao giờ ngờ tới. Mất hai mươi phút đi thuyền chúng tôi sang tới bờ bên kia. Khiêm chỉ tay lên phía trước mà bảo: “Qua con dốc này chúng ta sẽ tới nhà trưởng bản. Ông ấy đang đợi chúng ta để đi cùng”.

‘ Trưởng bản Phùng Văn Pet

Nhọc nhằn con chữ

Nhà trưởng bản Phùng Văn Pét nằm trên một quả đồi cao. Trước ông ở mãi tận trong Lũng Giang nhưng cuộc sống khó khăn quá, ông chuyển hẳn ra quả đồi nằm cạnh dòng Gâm này. Vừa đi đường, nghe những thắc mắc của tôi, ông trưởng bản khề khà bảo: “Cũng nhờ những người thầy như thầy Khiêm con em chúng tôi mới được quan tâm, được dạy cho cái chữ.

Thế cho nên ở cái bản đi đâu cũng gặp người nghèo, những gia đình thiếu gạo mà con cái chẳng có ai thiếu cái chữ. Năm nào bản tôi cũng có các cháu đỗ vào các trường đại học, cao đẳng dưới Hà Nội đấy.” Ông Pét cũng có đứa con gái lớn, là học trò của thầy Khiêm vừa đỗ Đại học Tài chính ở dưới Hà Nội tên là Thủy. Bạn thân của Thủy, em Nguyễn Thị Thìn cũng vừa có giấy gọi của trường Đại học Nông nghiệp. Làm trưởng bản, những ai đi học, đi làm đâu ông đều nắm rõ cả.

Rồi ông kể cho tôi lịch sử điểm trường Lũng Giang. Điểm trường có tuổi đời vài chục năm, từ thời kháng chiến chống Mỹ đã được bộ đội thành lập và dạy văn hóa cho đồng bào dân tộc. “Dân làng chúng tôi chẳng ngại khó khăn đâu, miễn là được theo học cái chữ. Không có chữ khổ lắm. Có phải không chị Thành?”

Người lái đò lúc này tôi biết tên là Thành đang đi cạnh chúng tôi với thanh gỗ lớn trên vai. Lẽo đẽo bên cạnh là hai đứa trẻ lũn cũn theo mẹ, theo thầy đến lớp. Nghe nói vậy chị chỉ cười. Hầu như người phụ nữ miền núi nào cũng ít nói. Đồng tình chị cười, không đồng tình chị im lặng. Leo qua những quả núi, những cánh rừng tre Bát Độ khoảng 5km, (nhìn đồng hồ tôi đếm được hành trình đến lớp của chúng tôi mất đúng 2 tiếng 15 phút) chúng tôi đến điểm trường Lũng Giang. Lũng Giang là điểm trường có 3 địa bàn dân cư có con em theo học là Lũng Giang, Lũng Chúc và Khao Quang tất cả gồm 54 hộ. Các phòng học đều do dân bản xây dựng. Chỉ có 12 em học sinh nhưng có đủ các lớp từ lớp 1 đến lớp 5.

Thầy Khiêm dạy 6 em gồm lớp 2 và lớp 5. Ngồi trong lớp, khi giảng cho các em lớp 2, thầy bảo các em lớp 5 không cần phải tập trung, khi dạy cho các em lớp 5, các em lớp 2 không cần… nghe giảng. Vậy mà cũng ổn ra trò. Năm nào “đội quân” của thầy cũng lên lớp hết, được xuống trường dân tộc học, nhiều em đã đỗ cả cao đẳng, đại học.

Tường vách đất và mái pero xi măng. Khái niệm về điện càng xa xỉ. Có nhà nghỉ cho giáo viên học sinh nhưng giữa trưa, thầy trò rủ nhau ra gốc cây ven suối ngủ… cho mát chứ trong nhà, nắng xối xuống tấm pê rô xi măng nóng không chịu nổi. Toàn điểm trường Lũng Giang hôm nay vào lớp muộn bởi đã hơn tám giờ những vẫn thiếu sáu em học sinh. “Gọi là khó khăn nhưng cố gắng và quen đường thì vẫn đi được.

Tôi bảo vậy thì được thầy giáo Khiêm giải thích. Điểm trường Lũng Giang nằm giữa của hai chặng hành trình. Chặng đường chúng tôi vừa đi qua là dành cho con em những hộ phía ngoài. Còn một chặng đường nữa (Khiêm đưa tay chỉ lên những ngọn núi xa tắp) là các em trên Khao Quang phải xuống đây. “Không hiểu sao hôm nay chẳng ai đến lớp. Hay tại hôm qua trời mưa to quá.” Nhưng rồi Khiêm vẫn dạy cho sáu em những kiến thức của ngày hôm nay, mười giờ, đến tiết dạy của thầy giáo tiếng Anh (trường Năng Khả có 2 giáo viên Anh Văn, 2 giáo viên Âm nhạc, 1 giáo viên Thể dục, 1 giáo Mỹ thuật hàng tháng có nhiệm vụ “hành quân” đến tất cả các điểm trường) Khiêm bảo tôi bây giờ anh phải lên Khao Quang xem các em sao hôm nay không đến lớp, mọi ngày các em ham học lắm chắc hôm nay có chuyện gì rồi, chúng tôi có đi cùng anh thì đi, leo núi khoảng… bảy cây số là tới. Chúng tôi đi, ông Pét cũng đi.

‘ Em Ngân, một học sinh hiếu học

Đường lên xứ sương mù và tiếng khèn buồn trên núi đá…

“Nói của đáng tội, nếu biết từ Lũng Giang lên Khao Quang mà khó đi như thế này thì chắc cái sự hèn nhát và cơ thể yếu ớt của tôi đã bắt tôi ở lại điểm trường mà chờ anh Khiêm rồi cùng xuống núi không một chút đắn đo.” Trên đường đi, vừa bám tay vào những tảng đá tai mèo trơn trượt, mũi luôn ở trong tình trạng “hôn đầu gối” đã có đôi lần tôi thoáng qua ý nghĩ ấy. Đã hơn mười giờ mà đường đi vẫn lảng vảng đầy những sương. Hơi sương cộng với đất ướt trên những phiến đá làm hành trình của chúng tôi khó khăn vô cùng. Anh Khiêm như một con sóc nhanh nhạy, anh tình nguyện vừa đi vừa cầm hộ đồ nghề của chúng tôi mà vẫn luôn dẫn đầu. Đi sau cùng, trưởng bản Pét “hộ tống” với tư thế sẵn sàng đỡ nếu chẳng may có ai trơn trượt ngã xuống.

Anh Khiêm bảo đường thì các em quen, núi đã các em leo giỏi, điều anh quan ngại là sát con đường độc đạo ấy, những sợi dây điện luôn treo sát trên những hàng cây (bà con dân tộc ở đây sử dụng máy quay tua bin chạy nước để tạo ra nguồn điện năng thắp sáng hoặc xem ti vi. Nói “hoặc” bởi với một máy phát điện chỉ đủ cho một vật dụng nào đó. Đèn đỏ (chứ không phải sáng) thì quạt không quay, quạt quay thì ti vi không lên hình được. Và có dùng máy phát kiểu gì thì nơi đây chỉ sử dụng được ti vi đen trắng). Anh chỉ sợ các em trêu đùa, nghịch ngợm chạm tay vào những dây điện thì sẽ có những tai họa khôn lường. Trước đây ở Khao Quang đã có trường hợp trâu đi ăn cỏ bị điện giật chết.

Một giờ chiều chúng tôi leo lên tới Khao Quang. Leo đến được đến nơi tôi mới thấm thía câu nói của ông trưởng bản nói ban sáng: “Lũ trẻ ở Khao Quang đi học lúc nào cũng phải có hai bộ quần áo dù trời nóng hay lạnh. Mùa hè thì để xuống được trường, các cháu phải thay áo vì mồ hôi ướt quá không thể học được, mùa lạnh thì sương muối, đi đến nơi quần áo cháu nào cũng như vừa bị nhúng vào chậu nước.”

Một vài nóc nhà của người Tày người Mông nằm im lìm trong cái nắng cuối thu. Đã quá ngọ, nhưng dưới những tàng cây cổ thụ, từng lớp sương mỏng vẫn bảng lảng giăng màn như những tấm lưới nhện của thiên nhiên. Hình như ở đời, sự giàu có thì luôn khác nhau nhưng sự nghèo khó thì ai cũng vậy. Chúng tôi vào nhà anh chị Phùng Vinh Lộc, người Mông nằm ngay đầu bản. Anh Lộc trước tham gia chiến tranh giờ bị chất độc da cam, lao động gần như không thể, vợ anh, mẹ của 5 đứa con nheo nhóc lại bị… điên. Một căn nhà mà có lẽ không thể tìm ra từ gì để diễn tả về sự nghèo khó của họ. “Nhưng mấy đứa con ngoan lắm, học giỏi nữa” Anh Khiêm nói vậy với tôi rồi cất tiếng gọi “Ngân”- đứa học trò sáng nay không đến lớp. Không nghe tiếng trả lời chúng tôi bước vào nhà. Chỉ có một người đàn bà vừa cười vừa ngồi ôm khèn… thổi.

Tiếng khèn buồn bã và cô đơn. Anh Khiêm giải thích, đó là một điệu sáo của người Mông, họ đang kể về cuộc sống của họ, về những tâm tư họ đang cất trong lòng mà không thể nói thành tiếng. Chị thật hiền. Chị cảm ơn khách đã đến chơi rồi cảm thấy áy náy vì không có nổi chén nước mời những người bạn mới đến.

Rồi chị lấy điếu ra hút thuốc lào. Trong khói thuốc, chị kể rằng hôm qua nhà không có gì ăn, con cái khóc lóc, cái Ngân không dỗ em được bố cấm không được ăn sắn, cô bé “dỗi” bố, sáng nay bỏ học. Cô bé lớp 5 ngoan ngoãn học giỏi nghỉ học, làm em út cả bản cũng nghỉ bởi “thiếu chị Ngân thì buồn lắm”, Chuyện chỉ có vậy, thấy thầy giáo đến Ngân đã không dám gặp nhưng “dỗ” mãi, em đã thậm thò đi ra và hứa ngày mai sẽ đến trường thật sớm. Ngày mai đến phiên em trực nhật.

“Hay như gia đình em Đặng Đăng Kiên, chỉ có hai anh em, đứa anh Đặng Đăng Chí, cũng là học trò tôi học hết lớp 5, tình nguyện ở nhà để hàng ngày đưa đứa em sáu tuổi xuống núi theo học lớp một. Chờ em học xong anh lại đưa em về.”- Thầy giáo Triệu Ngọc Khiêm kể về những đứa trẻ ham chữ trên rẻo cao này mà tôi biết chắc rằng, nếu không đi đến được đây, những câu chuyện ấy tôi sẽ cho là sự thêu dệt của những người hay chuyện. “Có lần tôi đang dạy học thì có hai vợ chồng dẫn một đứa trẻ tới.

Họ chẳng nói gì mà cứ trình bày bằng… tay. May có trưởng bản Pét tôi mới biết, vợ chồng gia đình người câm ấy muốn ngỏ ý xin cho con đi học. Họ chẳng biết học sẽ làm gì nhưng có lẽ, học thì cuộc đời những đứa con họ sẽ bớt buồn hơn chặng đời mà cha mẹ chúng đã đi qua.” Thầy giáo Triệu Ngọc Khiêm nói những lời ấy khi cùng chúng tôi xuống núi. Bỏ lại đằng sau những mái nhà nằm lặng lẽ bên những lùm cây, và trong những mái nhà có những bóng đèn đỏ quạch ấy là những đứa trẻ đang ngày ngày băng rừng vượt suối đi tìm con chữ. Và cũng chính vì vậy mà cần biết bao những con người như thầy giáo Khiêm.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước