Nằm ở lưng chừng đồi của xã Tả Giàng Phình, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai là điểm trường Mầm non Suối Thầu 1. Tại điểm trường này có 56 học sinh và 100% là người dân tộc Mông. Ở đây, những đứa trẻ chỉ mới lên 3, lên 5 tuổi hầu hết đều tự dắt tay nhau đến lớp bởi cha mẹ các em phải lên nương từ rất sớm.
Dạy học cho trẻ mầm non vốn đã là một công việc vất vả nhưng dạy cho trẻ em nơi miền núi, vùng sâu vùng xa còn vất vả hơn gấp nhiều lần. Dạy học, nấu cơm, tăng gia sản xuất và cả việc làm đồ chơi cho học sinh, tất cả đều được làm bởi một tay cô giáo.
Cô giáo Đặng Thị Dương, Trường Mầm non Suối Thầu 1 chia sẻ với đoàn phóng viên của "Cùng em đến trường" - Quỹ Tấm lòng Việt: "Tại điểm trường này 100 % là con em dân tộc Mông và rất là khó khăn tất cả các cháu đa số những đều là con em hộ nghèo…Các em không ở tập trung mà ở thưa thớt các sườn đồi cho nên đi lại khó khăn nhất là mùa lạnh. Tôi đã tuyên truyền cho phụ huynh là phải vệ sinh cho các cháu trước khi đi học. Có phụ huynh làm nhưng mà cũng có một số phụ huynh cũng chưa làm tốt điều này. Ngoài việc dạy học, chúng tôi còn phải vệ sinh cá nhân cho các cháu".
Các em học sinh được chăm sóc tận tình bởi các thầy cô giáo.
Vừa được học chữ, vừa được chơi cùng các bạn, bởi vậy, mỗi ngày đến trường là một ngày vui đối với các em. Mặc dù vậy vẫn có cá biệt phụ huynh chưa tự giác cho con em đi học. Với mục tiêu không để trẻ đến tuổi không được đến lớp nên các cô giáo thay nhau vào từng nhà vận động cha mẹ có ý thức cho con em đến trường.
Các em học sinh thích thú tham gia trồng cây cùng các cô giáo.
Tình yêu nghề, mến trẻ chính là động lực để các cô giáo tiếp tục công việc dạy học cho các em học sinh thân yêu. Dù vất vả nhưng đổi lại mỗi ngày được thấy những nụ cười thật tươi của trẻ thơ, đó là niềm hạnh phúc lớn lao đối với các cô giáo trẻ nơi đây.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!