Những tấm gương lan tỏa yêu thương đến người không may mắn

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 01/10/2017 10:48 GMT+7

VTV.vn - Giữa dòng thông tin về bộn bề cuộc sống, nhiều tờ báo cũng dành các trang báo để nói về những tấm gương đáng được trân trọng.

Đó là những con người không theo lối sống vị kỷ, nghĩa là chỉ sống cho bản thân mà còn đóng góp của cải, công sức của mình để làm vơi đi những nỗi bất hạnh, khó khăn của những người kém may mắn trong xã hội. Báo Lao động nhắc tới câu chuyện về quán cơm có giá 2.000 đồng/suất tại TP.HCM.

Chủ quán cơm đặc biệt này là ông Nguyễn Minh Lộc - Nguyên Tổng biên tập báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh và ông Lê Văn Chính – lãnh đạo một công ty truyền thông. Với tấm lòng hào hiệp, những người chủ quán cơm đã mở quán cơm từ nhiều năm nay, bán những suất cơm chỉ 2.000 đồng cho những người nghèo, kém may mắn trên địa bàn thành phố. Sự nghiêm túc, chu đáo của những người chủ quán cơm đã khiến quán nhận được sự hỗ trợ của nhiều mạnh thường quân để rồi phát triển thành chuỗi 6 quán cơm như hiện nay.

Những tấm gương lan tỏa yêu thương đến người không may mắn - Ảnh 1.

Tại một địa điểm khác – bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh, những bệnh nhân mắc bệnh nan y đang điều trị tại đây lại cảm thấy ấm lòng hơn với "Nồi súp yêu thương" của cô gái trẻ Nguyễn Hoàng Kim và những người bạn.

Chứng kiến những khó khăn vất vả của những bệnh nhân nghèo trong một dịp chăm người thân trong bệnh viện, Kim đã nảy ra ý tưởng thực hiện chương trình Nồi súp yêu thương dành cho bệnh nhân nghèo bị ung thư. Từ đó, mỗi sáng thứ 4 hàng tuần, Kim cùng các bạn trẻ lại chuẩn bị 600 suất súp hay cháo cho bệnh nhân nghèo Bệnh viện Ung bướu của thành phố, với mong muốn sẻ chia, làm vơi đi phần nào nỗi lo âu cho những thân nhân, bệnh nhân nghèo khó.

Những tấm gương lan tỏa yêu thương đến người không may mắn - Ảnh 2.

Không chỉ ở những thành phố lớn, tại các địa phương nơi mà điều kiện về mọi mặt không thuận lợi bằng, thì vẫn có những con người sẵn sàng san sẻ những thành quả của mình tới những người kém may mắn hơn. Nhưng quan trọng hơn, đó là tấm lòng giữa con người với con người, vốn không bị giới hạn bởi thời gian, không gian, địa lý.

Tại Đakrông, thuộc tỉnh Quảng Trị, không ai không biết tới anh nông dân Đặng Quang Hữu. Từ hai bàn tay trắng, anh đã xây dựng nên một cơ ngơi hàng tỷ đồng. Với niềm trăn trở muốn giúp đỡ đồng bào vùng cao thoát nghèo, anh Hữu đã cho những người nông dân địa phương vay tiền làm ăn không cần trả lãi. Mọi hoạt động dựa vào lòng tin mà không có bất cứ sự ràng buộc nào. Sau khoảng 10 năm hoạt động, nhiều người trong khoảng 500 nông dân vay tiền của anh đã thoát nghèo, thậm chí còn trở thành tỷ phú. Còn anh Hữu năm ngoái đã được bầu chọn là nông dân Việt Nam xuất sắc và nhân ái nhất.

Những tấm gương lan tỏa yêu thương đến người không may mắn - Ảnh 3.

Ngoài ra, tại thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng, người dân ở đây đã quen với nhóm xây cầu thiện nguyện gồm 13 lão nông tại địa phương.

Theo Báo Tiền Phong, 13 lão nông, hoạt động từ 2 năm qua, đã huy động vốn từ xã hội cùng công sức của mình, thiết kế, xây dựng 14 cây cầu bê tông cốt thép vững chãi, thay cho những cây cầu khỉ bất tiện và nguy hiểm. Những cây cầu của họ đã thể hiện tinh thần trách nhiệm của những người dân với quê hương, đóng góp cho phong trào xây dựng nông thôn mới.

Và tại xã Phú Mỹ, tỉnh Bến Tre, người dân nơi đây không khỏi cảm động trước tấm gương của thương binh Lê Văn Ý. Đã 39 năm nay, tích cóp những đồng lương làm được và tiền trợ cấp thương binh hàng tháng để mua sách, xe đạp cho hàng chục học sinh nghèo để có thể đến trường. Dù đã ở tuổi 78, nhưng ông Ý vẫn đang hỗ trợ 16 học sinh, chỉ với mong muốn giản đơn "tôi mong muốn sống thêm được ngày nào, tháng nào, là giúp học trò nghèo ngày đó. Mai sau các cháu trưởng thành sẽ giúp những thế hệ tiếp theo".


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TVOnline!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước