Cán bộ chiến sĩ đồn Biên phòng làng Ho đang dựng nhà cho bà con.
(Ảnh: Minh Lợi/lethuy.edu.vn)
Xuân này, bà con người dân tộc Vân Kiều trên bản làng Ho, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình lại có thêm một niềm vui mới. Đó là 33 ngôi nhà được xây dựng mới với công trình vệ sinh khép kín, nằm trong chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn” do báo Sài Gòn giải phóng đồng hành tài trợ, cùng với sự chung tay xây dựng của những chiến sĩ Bồ đội Biên phòng, đã được khánh thành và bàn giao cho từng hộ dân trong làng.
Ông Hồ Mia, một người dân làng Ho năm nay đã gần bước sang tuổi 80 đã không khỏi bồi hồi xúc động khi được cầm trên tay tờ giấy chứng nhận quyền sở hữu đất, bởi từ nay ông và con cháu trong gia đình sẽ được về nơi ở mới. Đây là điều mà bấy lâu ông và nhiều nhà dân trong làng tưởng chừng như chỉ có trong niềm mong ước.
Ông Hồ Mia tâm sự: “Trước đây nhà tôi phải sống trong ngôi nhà cũ giột nát rất khổ sở. Tết năm nay được ở nhà mới, chung tôi vui lắm. Không phải lo nhà ở nữa, giờ đây chúng tôi chỉ cần chăm chỉ trồng cây và chăn nuôi nữa thôi”.
Hiện tại, 33 hộ dân của làng Ho không những được chuyển về nơi ở mới, mà bản làng còn đón nhận những công trình khang trang, sạch sẽ như Bệnh xá Quân dân y kết hợp, nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng. Người dân làng Ho đã thực sự yên tâm và rất vui mừng khi được các bác sỹ mang quân hàm xanh khám bệnh, và cấp phát thuốc miễn phí.
Thượng tá Đặng Ngọc Tiến, Chính trị viên đồn Biên phòng làng Ho, cho biết: “Chúng tôi đã tập trung quy hoạch, xây dựng và mở rộng thêm từ 3 đến 5 héc ta lúa nước, giúp bà con nơi đây canh tác, phát triển sản xuất để ổn định lương thực”.
Trong chiến tranh, người dân Vân Kiều làng Ho đã rất kiên trung với cách mạng, trở về cuộc sống thời bình đồng bào nơi đây chỉ biết chăm chỉ lên nuơng làm rẫy. Tuy nhiên, do địa hình ở đây cách trở, đất đai ít ỏi nên cuộc sống của người dân vẫn còn nghèo khó. Lặng lẽ giữa núi rừng phía Tây Trường Sơn, một thời làng Ho như bị lãng quên trước dòng chảy của cuộc sống, nhưng với những người lính đã từng chiến đấu, từng được đồng bào che chở, họ mãi nặng nợ với nơi này. Và nay, nghĩa tình đó được bù đắp khi cuộc sống của người dân làng Ho đã thực sự khởi sắc ngay chính trên mảnh đất lịch sử này.