Hơn 1 tháng nay, hình ảnh phát cháo cho người bệnh dần trở nên quen thuộc đối với các y bác sĩ và người bệnh tại Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp. Hoạt động đầy tính nhân văn do các em học sinh Trường THPT Thái Phiên (quận Ngô Quyền) đảm nhiệm…
Mang những suất cháo nóng đến từng giường bệnh.
15 giờ, cái nắng gắt tháng 8 dường như không làm căn nhà nhỏ của em Đỗ Vũ Kỳ Anh (học sinh lớp 12D5) trong ngõ 274A phố Lạch Tray vơi đi tiếng ríu rít nói cười của các cô cậu học trò. Không ai bảo ai, mỗi người một việc xúm vào phụ mẹ Kỳ Anh cùng các cô bác trong xóm nấu hai nồi cháo thịt chuẩn bị cho buổi phát cháo diễn ra trong ít giờ nữa. Lau nhanh giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, cô Vũ Thị Đông, mẹ Kỳ Anh chia sẻ: "Thế hệ các cháu bây giờ chưa từng biết đến những năm tháng đói khổ, chạy vạy từng bữa ăn như thời chúng tôi. Dù xã hội phát triển hơn nhưng còn nhiều mảnh đời cơ cực, trong đó có nhiều người đang điều trị tại bệnh viện. Tôi cũng từng nằm viện điều trị dài ngày nên rất trân trọng những bữa ăn trên giường bệnh". Vì thế, khi thầy cô trong trường đề xuất hoạt động đầy ý nghĩa này, cô Đông trở thành "mạnh thường quân", ủng hộ 8 triệu đồng mỗi tháng để duy trì "nồi cháo tình thương". Mỗi chiều thứ 3 và thứ 5 hằng tuần, cô cùng hội phụ nữ phường tận tay nấu cháo để các con mang vào bệnh viện.
16 giờ, hai nồi cháo tỏa hương thơm phức sẵn sàng lên đường. Khệ nệ khuân nồi cháo nóng hổi lên chiếc xích lô đã đợi sẵn ngoài cửa, các em mau chóng tập hợp đội hình thẳng tiến về Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp. Ít phút sau, đội hình hơn 20 em trong chiếc áo đồng phục trắng tinh đứng thành hai hàng ngay trước tòa nhà khoa Tim mạch nhanh chóng bắt tay vào công việc. Tấm biển đề dòng chữ "Điểm phát cháo miễn phí – Trường THPT Thái Phiên" thu hút người qua lại từ các khoa phòng.
16 giờ 30 phút, buổi phát cháo bắt đầu. Em múc cháo, em đỡ cốc đậy nắp, em cầm túi nilon để sẵn thìa nhựa đón lấy cốc cháo nóng hổi rồi truyền tay nhau đến hai bạn nữ xinh xắn đứng cuối hàng, tươi cười phát cho người bệnh. "Dây chuyền" phối hợp nhịp nhàng ăn ý. Không khí dần trở nên náo nhiệt khi có những "khách hàng" đầu tiên. Nhận suất cháo ấm nóng từ tay cô nữ sinh 17 tuổi, bà Trịnh Thị Bông (ở xã Đại Bản, huyện An Dương) rối rít cảm ơn: "Với những người phải ăn trực nằm chờ tại bệnh viện như chúng tôi, chi phí nằm viện là vấn đề lớn". Bà Bông đang điều trị bệnh gần 2 tuần nay. Ngoài chi phí thuốc men, giường bệnh, bà dè sẻn chi 50.000 đồng cho việc ăn uống mỗi ngày. Vì vậy, khi nhận được suất ăn miễn phí, đối với bà thật đáng quý biết bao. Không chỉ trợ giúp về vật chất, mỗi khi nhận cháo, những người bệnh như bà Bông còn được tặng thêm nụ cười ấm áp, lời hỏi thăm sức khỏe, lời chúc mau chóng bình phục của các cô cậu học trò đang tuổi ăn tuổi lớn. Đối với họ, lời động viên tinh thần trong thời điểm khó khăn mới là món quà ý nghĩa hơn cả…
Ngoài nhóm học sinh phát cháo tại sân bệnh viện, tốp 4, 5 em nam khỏe mạnh trực tiếp đến từng khoa, phòng tặng cháo những bệnh nhân không có khả năng đi lại. Hai tay xách 6 hộp cháo, chân thoăn thoắt leo lên tầng 4 nhưng Kỳ Anh chẳng hề nao núng. Em hào hứng: "Đã từ lâu em mong muốn được làm việc có ích cho xã hội và "nồi cháo tình thương" do đoàn trường phát động mang lại cho em nhiều điều hơn thế. Chúng em được rèn luyện kỹ năng giao tiếp, ứng xử, tự tin hơn, biết quan tâm hơn đến người xung quanh".
Có mặt cùng các con, cô Đông xúc động: "Ở nhà, cháu hầu như không phải động chân động tay việc gì, chỉ lo việc học. Vậy mà chứng kiến các cháu tận tình mang từng suất cháo trao tận tay cô bác bệnh nhân, tôi hiểu rằng con trai thực sự trưởng thành, biết yêu thương, chia sẻ với cộng đồng. Đó có lẽ là mục đích lớn nhất mà hoạt động mang lại cho các cháu".
Vừa cùng học trò múc từng muôi cháo đổ đầy chiếc cốc nhựa, thầy giáo trẻ Nguyễn Mạnh Cường, Phó bí thư Đoàn Trường cho biết, 110 em chia làm nhiều đội nhỏ, phụ trách mỗi buổi phát cháo. Việc phân chia thời gian hợp lý không làm ảnh hưởng đến thời gian của các em. Không chỉ học sinh đang theo học mà nhiều cựu học sinh cũng tranh thủ thời gian rảnh rỗi, cùng đàn em tham gia hoạt động. "Hơn một nửa số thành viên có hoàn cảnh gia đình đặc biệt, có em mồ côi cha hoặc mẹ, có em cha mẹ ly hôn nên các em luôn mặc cảm, rụt rè, ngại giao tiếp. Đến khi tham gia hoạt động, các em dần phá bỏ sự tự ti, mạnh dạn, hòa đồng hơn với bạn bè, biết cảm thông, chia sẻ với người bệnh", thầy Cường nói thêm.
17 giờ, 300 suất cháo đã đến tay từng người trong sự hân hoan của thầy và trò. Thầy Đoàn Hồng Tuấn, Bí thư Đoàn Trường phấn khởi cho biết, sắp tới, đoàn trường đẩy mạnh vận động xã hội hóa, kêu gọi nhiều nhà hảo tâm đóng góp kinh phí để lan tỏa "nồi cháo tình thương" đến nhiều bệnh viện, người bệnh hơn. Bởi đây không chỉ là việc tử tế có ích cho cộng đồng mà còn góp phần tạo nên thế hệ công dân trẻ có tài có đức, giàu lòng nhân ái, vị tha…