"Nữ ký giả" của những mảnh đời bất hạnh

Văn Quân-Thứ sáu, ngày 18/10/2013 17:26 GMT+7

 Về thị trấn Bố Hạ (huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) hỏi bà Nguyễn Thị Mây Lai hầu như ai cũng biết. Không chỉ ở khu phố Hòa Bình, nơi bà sinh sống mà nhiều người dân quanh thị trấn yên bình này, vẫn thân mật gọi bà với cái tên…"nữ ký giả".

"Duyên muộn"

Đã hơn 10 năm nay, với ngòi bút và tấm lòng của mình, bà Lai đã viết hàng trăm bài báo, cứu giúp được nhiều hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn một cách thiết thực và hiệu quả. "Cái lòng yêu thì có tự lâu lắm rồi, từ thời trẻ cơ nhưng cái duyên cầm bút thì đến hơi muộn. Nhưng có hề gì đâu, muộn còn không, phải không chú?"

Thời con trẻ, ở thị trấn Bố Hạ bà Mây Lai đã nổi tiếng là một người học giỏi văn và các môn khoa học xã hội, thậm chí bà đã không ít lần đạt giải trong các cuộc thi cấp tỉnh bộ môn Văn. Dễ dàng thi đỗ vào khoa Văn đại học Sư phạm nhưng chỉ vì lí do "công tác đoàn thể quá xuất sắc" nên xã đã giữ bà lại công tác để phục vụ địa phương. Được vài năm, năng lực công tác ngày được khẳng định, UBND huyện Yên Thế đã "đặc cách" biên chế bà vào phòng Văn hóa huyện. Ở phòng văn hóa huyện một thời gian, bà Lai được điều về làm BTV, phóng viên của Đài Truyền thanh huyện Yên Thế, bà làm từ 1967 đến 1978.

‘ Bà Nguyễn Thị Mây Lai

Sau năm 1978, phần vì chồng bà là một quân nhân có nhiệm vụ biệt phái sang Campuchia một thời gian dài, phần vì lí do sức khỏe, bà xin về làm văn thư tại trường cấp 1 thị trấn (thuận lợi cho việc chăm sóc gia đình con cái) cho đến khi nghỉ hưu. Ngồi tâm sự bà Lai bảo, thực ra môi trường báo chí thì bà đã tiếp xúc, đã ít nhiều hiểu khi còn làm ở Đài huyện nhưng chủ yếu, thời gian đó bà đa phần làm tin và đọc các văn bản của ủy ban huyện.

"Bắt đầu từ năm 2000, trong một dịp vào Quảng Bình đưa hài cốt của người anh trai vốn là một liệt sỹ chống Mỹ về an táng tại quê nhà. Chuyến đi đó cho tôi vô vàn những cảm xúc. Hoàn toàn là nhu cầu tự thân thôi, sau chuyến đi tôi viết bài ký "Hạt cát bên bờ sông Nhật Lệ". Tôi cũng chẳng chia sẻ với ai nhưng về sau, anh Đỗ Vinh ở Hội VHNT Tỉnh có đọc được và bảo: "Hay, dự thi được." Rồi anh gửi tác phẩm của tôi cho cuộc thi "Chào thế kỷ 21" do tỉnh Bắc Giang tổ chức. Tôi bất ngờ khi công bố giải, tác phẩm của mình được giải nhì (không có giải nhất). Với tôi, đó là một niềm vui lớn lao."

Bà Nguyễn Thị Mây Lai cũng chia sẻ rằng, sự kiện đó như một "cú híc" để bà đến với niềm đam mê viết lách. Vậy là không quản ngại khó khăn mưa nắng, sắm một cái ghi âm, một chiếc máy ảnh , một bộ nón lá cùng chiếc xe đạp cà tàng, bà Lai trở thành "nữ ký giả" của thị trấn Bố Hạ. "Địa chỉ cho những tấm lòng từ thiện", "Gương người tốt - việc tốt", "Nhịp cầu nhân ái", "Phóng sự-ký sự" trên các báo Công an Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Người cao tuổi, Bắc Giang... nhiều năm liền đăng các bài viết của nữ tác giả Nguyễn Thị Mây Lai.

Làm báo, tính thời sự là rất quan trọng. Trước đây không có máy ảnh, nên bà phải…thuê người thợ ảnh đi cùng. Nhưng nếu chỉ chụp 1-2 kiểu thì chắc chắn thợ ảnh sẽ từ chối, do đó để có ảnh minh họa, bà đã phải nói họ chụp liền 20-30 kiểu cho mỗi chuyến đi. Và đã không ít lần, người dân thị trấn đã phải ngỡ ngàng khi nhìn cảnh bà lạch cạnh đạp xe chậm chạp phía sau còn "phóng viên ảnh" thì phóng vù đi phía trước rồi lại… dừng lại chờ… phóng viên viết.

‘ Bài Lai bên những giải thưởng báo chí đã đạt được

Tấm lòng sau những con chữ

Bà không có ý định thống kê, nhưng ngồi lục lại những dòng nhật ký cũ, bà mới nhận ra, 10 năm, quãng thời gian không quá dài cho một người làm báo nhưng bà đã có 7 giải thưởng báo chí từ Trung ương tới địa phương và đặc biệt hơn, khoảng 15 hoàn cảnh khó khăn, qua các bài báo của mình đã được xã hội dang tay giúp đỡ. Hoàn cảnh ít nhất cũng nhận được 10 triệu đồng của bạn đọc và người nhiều nhất, số tiền đã lên tới hàng trăm triệu. Một thành tích mà không phải người làm báo chuyên nghiệp nào cũng đạt được.

"Quan trọng là sau bài viết của tôi, không chỉ vật chất, nhiều tổ chức đã vào cuộc và số phận của những hoàn cảnh khó khăn đã được thay đổi, nhiều các cháu nhỏ đã trưởng thành, lập thân lập nghiệp và có người làm hẳn… giám đốc. Đó là một niềm vui vô cùng lớn và những cháu nhỏ đó vẫn coi tôi như người mẹ thứ hai của chúng vậy." Bà Lai chia sẻ.

Có dịp ngồi xem lại những bài viết của bà, tôi để ý thấy ở bài báo "Nguyễn Châu Thành, tấm gương tật nguyền vượt khó", đăng báo Bắc Giang ngày 17/6/2003, bà Lai viết về một chàng thanh niên đã bị liệt cả 2 chân suốt hơn 38 năm, ngay từ lúc sinh ra. Bằng nghị lực cùng sự động viên, giúp đỡ của bà Lai, nhân vật Thành giờ đã là giám đốc trung tâm giới thiệu việc làm ở Bắc Giang. Tác phẩm viết về gia đình ông Vũ Văn Kỳ có đến 5 người bị tàn tật ở xã Hương Vỹ, Yên Thế, Bắc Giang, đăng trên báo Công An Nhân Dân ngày 30/3/2004, lại là một tiếng gọi đầy thương cảm của nữ tác giả. Bà Lai đã không thể cầm được dòng cảm xúc khi gặp một gia cảnh đáng thương đến thế. Bài báo được phát hành, Quỹ Tấm lòng vàng của Báo Công An Nhân Dân và nhiều cá nhân, đoàn thể sau đó đã hảo tâm giúp đỡ gia đình ông Kỳ. Thậm chí đã có nhiều người ở nước ngoài biết được bài báo, cũng đã gửi tiền về giúp đỡ gia đình.

Hay là câu chuyện về 2 em nhỏ Mai và Yến đã phải quét rác ở khu thị trấn Bố Hạ để lấy tiền nuôi mẹ nằm bệnh viện đăng trên báo Công An Nhân Dân (ngày 9.8.2008) của bà, với bức ảnh Mai và Yến đang đẩy xe rác và hình ảnh chị Lợi (người mẹ) đang nằm trong bệnh viện, đã khiến nhiều bạn đọc không thể nào cầm được nước mắt. Và cho đến nay, Mai và Yên đã trở thành những sinh viên của đại học Nông nghiệp và một tương lai đầy hứa hẹn đang chờ các em phía trước

"Gia đình tôi luôn có khách đến chơi, từ những nhân vật trong bài viết cho đến người thân của họ, đặc biệt là những ngày Tết, nhà tôi vui như hội. Bây giờ sức khỏe yếu rồi, tôi không đi xa được nữa nhưng tình yêu dành cho báo chí thì chưa bao giờ phai nhạt. Tôi tìm những hoàn cảnh xung quanh, gần gũi với mình. Hoặc nếu không sẽ là những bài chiêm nghiệm, tản văn, trò chuyện nhẹ nhàng phù hợp với điều kiện của mình. Tôi vẫn cộng tác thường xuyên với những tờ báo "ruột". Và sáng sáng, mở tờ báo mới ra, thấy xuất hiện tên mình, tôi vẫn luôn thấy rưng rưng xúc động. Một niềm vui như con trẻ nhưng cũng thật ấm áp."- Chia tay, bà Lai tâm sự.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước