Cô bé rất hoàn cảnh mà chúng tôi nhắc đến là cháu Nguyễn Thị Phương Thảo, sinh năm 2007, học sinh lớp 5, trú tại thôn Quyết Thắng, xã An Lộc, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh.
Giữa cái rét căm căm, chúng tôi tìm về gia cảnh đôi vợ chồng bất hạnh bậc nhất xã nghèo An Lộc, đó là anh Nguyễn Văn Long (SN 1981) và chị Nguyễn Thị Tâm (SN 1983).
Trong căn nhà nhỏ, thiếu thốn đủ bề, chị Tâm nằm trên giường rên rỉ trước những cơn đau hành hạ. Kéo chiếc chăn trùm kín người, hình ảnh một người phụ nữ tiều tụy quá đỗi thương tâm hiện rõ. Đầu chị Tâm đang đính gạc bông. Máu mũ chảy rỉ từ vết thương vừa mổ u lần 2 chưa lành làm gạc bông ướt, chuyển màu.
Chị Tâm bị u não. Sau lần phẫu thuật vào năm 2007, chứng bệnh tái phát, mới rồi chị đã được Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phẫu thuật thêm lần nữa. Tốn kém hàng trăm triệu đồng, nhưng sự sống của chị Tâm vẫn chưa biết ra sao.
Chị Tâm muốn nói nhiều lắm, nhưng chị không thể nói được vì sức lực quá yếu. Nước mắt chị cứ ngân ngấn trên khuôn mặt hốc hác, làn da tái tím. Chị cứ một tay cố ôm lấy đứa con gái - bé Mai Anh - mới tròn 3 tuổi. Thì ra chị bị liệt gần như nửa người, tay còn lại không thể cử động nên không thể bế con.
"Con của mẹ ngoan nghe chưa. Phải vâng lời bố, vâng lời chị nghe chưa. Mẹ mà đi xa, xa hơn những ngày mẹ vừa đi chữa bệnh thì con không được khóc nhè, không được làm nũng chị đấy…"- vừa hôn con, giọng chị Tâm thều thào, như muốn nói với đứa con gái bé bỏng sự thật nghiệt ngã là những ngày chị xa con có thể không còn bao xa nữa.
Chị Tâm ôm con gái út vào lòng. Biết mình bị bệnh nặng, xa con bất cứ lúc nào nên chị khóc suốt ngày.
Thế là quá đủ, là đau, là nghiệt ngã lắm rồi với chị Tâm. Vậy mà, ở chiếc giường bên trong, anh Long, chồng chị, một nhân viên bán chuyên trách Hội chữ thập đỏ xã đang nằm li bì khi lên cơn sốt. Mang cùng lúc 2 căn bệnh viêm tủy cấp và phì đại tuyến vú 2 bên, nên chuyện ốm đau, nằm nhà là chuyện thường nhật đối với anh Long.
Kể về quãng đời đầy cay đắng của gia đình, anh Long ngậm ngùi: "Cuộc đời thật quá tàn nhẫn với vợ chồng các con chúng em anh ạ. Sinh con gái đầu lòng vào năm 2007 thì vợ em lâm bệnh u não, phải nằm viện thường xuyên. Đã qua 2 lần phẫu thuật ở các bệnh viện Hà Nội, chi phí hàng trăm triệu đồng chủ yếu là tiền vay nợ, tiền người thân, bạn bè hỗ trợ, nhưng sự sống của vợ em còn chưa biết ra sao. Vết mỗ thì không lành lại được, máu cứ rỉ như thế hằng ngày. Em nghĩ, vợ gánh bệnh cho cả gia đình, vậy mà em cũng đổ bệnh như này hơn một năm nay. Khi đang đi làm, em đau quá, không chịu được. Đi khám em hoảng hốt được sĩ cho biết đã mắc 2 căn bệnh viêm tủy cấp và phì đại tuyến vú 2 bên".
Vợ nằm giường ngoài, anh Long lại lên cơn sốt vì chứng viêm tủy cấp nằm ở giường trong. Cùng 1 lúc hai vợ chồng mang bệnh nên căn nhà u ám, buồn thương.
"Thu nhập chính gia đình phụ thuộc vào 2 sào ruộng và hơn 1 triệu đồng/tháng tiền lương làm công tác nhân đạo của em chẳng thấm vào đâu so với tiền thuốc men của cả hai vợ chồng. Em thì còn có thể chịu được, nhưng vợ em đau quằn quại, phải nhập viện trở lại mà em chưa biết kiếm đâu ra tiền"- anh Long nghẹn ngào.
Tiếng lạch cạch từ ngoài ngõ. Chỉ chút xíu thôi, cô gái nhỏ bé, xinh xắn đạp xe vào. Mùa đông lạnh giá mà vầng trán cô bé đáng thương lấm tấm mồ hôi, miệng hổn hển thở. Ngày nào cũng vậy, tan trường, Phương Thảo không có một giây phút nô đùa với bạn, cô bé thường cố đạp xe một mạch để về ngay với bố mẹ. Chỉ kịp chào bố mẹ và em gái xong, Phương Thảo lao ngay vào bếp lo cơm nước, giặt giũ, quét dọn. Như được lập trình, một bàn tay Phương Thảo lo toan mọi chuyện. Dõi theo từng việc làm của Phương Thảo, không ai tưởng tưởng đó lại là bàn tay non nớt của một cô bé mới lớp 5.
Vừa tan trường, bé Phương Thảo đạp xe ngay về nhà
Rồi nhìn Phương Thảo săn sóc, đút từng thìa cơm cho em, cho mẹ trọng bệnh, ân cần lấy nước cho bố, tôi tin cuộc đời này ông Bụt vẫn tồn tại. Ông Bụt đã ban tặng, đã chế cho anh Long, chị Tâm đứa con gái ngoan hiền, đáng yêu đến thế. "Ờ mẹ không nhớ à, mẹ không nhớ là bác sĩ nói với mẹ là chỉ cần cố ăn uống, nghỉ ngơi là mẹ sẽ khỏe à. Mẹ có biết không, mẹ chỉ ốm chút xíu thôi, không sao mà mẹ. Mẹ yêu bố, yêu chúng con thì mẹ phải ăn đi chứ. Nào mẹ ăn đi…", chỉ những lời như thế của Phương Thảo cũng đã là phương thuốc bổ, là niềm vui để chị Tâm thắp sắp lên hi vọng cứu chữa bệnh tật, tìm sự sống của mình.
Mẹ đau không ăn được, Phương Thảo làm đủ cách để mẹ cố nuốt thìa cơm lấy sức. Sự ân cần của đứa con gái đáng thương khiến người mẹ trọng bệnh hết sức cảm động.
Hết chăm mẹ lại ân cần săn sóc bố, Phương Thảo khiến bà con láng giềng hết sức khâm phục.
Nhìn bé Phương Thảo chăm sóc, oằn mình vì bố mẹ và em, giờ thì tôi đã tin những dòng tin nhắn đẫm nước mắt mà cô Phương, một giáo viên ở Trường tiểu học An Lộc gửi cho tôi về cô học trò tội nghiệp là sự thật. "Nhiều lúc cháu đi học, tới trường người nhợt nhạt, toát mồ hôi, các cô thấy thương lắm, vì các cô hiểu những hôm như thế Phương Thảo tới trường mà bụng chưa đủ no, áo không đủ ấm".
Cô Phương còn khiến tôi khâm phục hơn về Phương Thảo, khi hoàn cảnh bố mẹ bệnh tật hết sức khó khăn, nhưng em rất chăm học, là một trong những học sinh khá của lớp. Trong tủ nhỏ bé của gia đình đặt gần góc học tập, giấy khen cho thành tích học tập của của em còn xếp lên nhau.
Phương Thảo đang rất lo lắng cho tính mạng của bố và mẹ. Đến cái Tết đã cận kề, mà nhà Phương Thảo gần như không có một thứ gì để đón Tết.
Chứng kiến hoàn cảnh của Phương Thảo, tôi lại chớt nhớ lời bài hát "Ba là cây nến vàng, mẹ là cây nến xanh, con là cây nến hồng…". Nhưng một cây nến thì đang le lói, không biết tắt khi nào; còn một cây cũng cháy hắt hiu. Phương Thảo không muốn bất cứ ngọn nến nào của cuộc đời em tắt đi. Cô bé tội nghiệp ước nguyện, ai đó giúp đỡ em, tiếp sức cho em, cho em phép màu để cứu lấy bố, lấy mẹ. Chỉ cần mẹ em được kéo dài sự sống, bố em có thêm viên thuốc, em cũng mãn nguyện lắm rồi.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!