Người đàn ông giàu nghị lực gục ngã sau tai nạn
"Hơn 2 năm trước, anh Tuấn đi làm thuê bị cây gỗ đè nát cẳng chân. Suốt thời gian qua, bố con anh đang sống trong cảnh rất khó khăn. Cháu Lê Anh Kiệt (13 tuổi, hiện đang học lớp 7) phải vừa đi học vừa đi cạo mủ cao su nuôi cha và kiếm tiền đến trường. Địa phương chúng tôi cũng nhiều khó khăn nên sự giúp đỡ có giới hạn. Anh Tuấn phải nhập viện điều trị nhiều lần quá tốn kém, giờ không biết cha con họ sẽ xoay xở ra sao."
Nhờ sức vóc hơn người, bé Anh Kiệt đang trở thành chỗ dựa cho người cha trong cảnh cùng đường
Đó là thông tin từ ông Huỳnh Văn Khá, Bí thư Chi bộ tổ 2, ấp Trảng Chai, xã Tân Hòa, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh cho hay khi trao đổi với phóng viên về gia cảnh của anh Lê Anh Tuấn (46 tuổi). Hơn 20 năm trước, khi còn là một thanh niên lực lưỡng anh Tuấn rời Tây Ninh về Cà Mau lập nghiệp. Ban đầu, anh làm thuê cho các chủ ao tôm, sau nhiều năm tích cóp, cùng với tiền bán đất ở Tây Ninh có trong tay hơn 100 triệu đồng, anh quyết định thuê lại ao nuôi của người dân địa phương để khởi nghiệp.
Bản tính thật thà, chịu thương, chịu khó của anh đã chinh phục được chị Phạm Thị Khôn (cùng tuổi, ngụ tại địa phương). Nuôi tôm thời gian đầu có thu nhập tương đối ổn định, 2 đứa con trai Lê Anh Kiệt (SN: 2005) và Lê Anh Bi (SN: 2007) chào đời giúp hạnh phúc của gia đình trở nên viên mãn. Tuy nhiên, sóng gió bắt đầu xảy ra theo những vụ tôm thua lỗ vì dịch bệnh. Hơn 5 năm trước, vợ chồng anh Tuấn ly hôn, sau nhiều bất hòa trong cảnh nghèo khó. Tài sản chẳng còn gì ngoài hai đứa trẻ, cha đưa bé Anh Kiệt về Tây Ninh, mẹ và bé Anh Bi ở lại Cà Mau.
Anh Tuấn hi vọng có thể chữa lành chân để đi làm kiếm tiền trả nợ và nuôi con ăn học
"Tôi chưa bao giờ thôi hi vọng vào một cơ hội làm ăn, vực dậy kinh tế với niềm tin vợ con sẽ hiểu và thông cảm để gia đình có thể đoàn tụ. Về lại Tây Ninh tôi đi làm mướn nuôi con, ai kêu gì cũng làm. Trong một buổi đi cưa cây khi nông trường cao su thanh lý cây già cỗi, chẳng may tai nạn xảy ra, tôi bị cây đổ đè gãy nát cẳng chân phải" - anh Tuấn bùi ngùi.
Hi vọng về ngày đoàn tụ của gia đình không chỉ vụt tắt mà cuộc sống của hai cha con còn rơi vào cánh khốn cùng. Sau 4 lần được bệnh viện địa phương phẫu thuật nhưng suốt 2 năm qua, cẳng chân của anh chưa thể lành lại, vết thương vẫn rỉ mủ gây đau nhức. Anh phải lên Bệnh viện Chợ Rẫy tìm cơ hội chữa trị.
Cậu bé 13 tuổi làm thuê nuôi cha và kiếm tiền đến trường
"Nhiều đêm ba đau nhức không ngủ được phải ngồi dựa tường ôm chân, con thương lắm. Con và ba đang ở nhờ trong nhà ông cậu. Cậu và bà con cũng khó khăn nên chỉ giúp được chỗ ở và gạo ăn, bệnh của ba tốn nhiều tiền nên không ai giúp được nhiều. 2 năm nay, con vừa đi học, vừa đi làm kiếm tiền nuôi ba và đóng tiền trường".
Cậu bé không sợ vất vả, chỉ sợ cha phải chịu đau đớn và sợ mình phải nghỉ học
Mỗi ngày cậu bé Anh Kiệt dậy từ rất sớm đi cạo mủ cao su, mặt trời đứng bóng thì trở về lo cơm nước cho cha rồi đến trường đi học. Một buổi đi cạo mủ Kiệt kiếm được khoảng 30 đến 40 nghìn đồng. "Con dậy sớm, đi làm quen rồi, không thấy vất vả gì cả. Hơn 2 năm nay, chân của ba con không hết đau, ba không đi làm được, con sợ phải nghỉ học nên đi làm để có tiền trường và dành dụm chữa chân cho ba" - cậu bé Anh Kiệt hồn nhiên.
"Cũng may, trời cho thằng bé có sức vóc hơn người, trong cảnh cha con cùng đường tôi bất đắc dĩ phải nương nhờ vào con… Những đứa trẻ bằng tuổi con mình cha mẹ còn phải chăm lo cho từng bữa ăn, trong khi bé Kiệt phải vắt sức lao động… để con phải vất vả tôi đau đớn lắm nhưng biết làm sao được" - anh Tuấn nghẹn ngào.
Bác sĩ Đình Khoa cho biết anh Tuấn cần phải phẫu thuật, điều trị trong thời gian dài
Trao đổi với phóng viên, BS Lê Đình Khoa, khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: "Qua kiểm tra hình ảnh cho thấy, bệnh nhân Lê Anh Tuấn bị khớp giả, viêm xương, cẳng chân nhiễm trùng. Nếu không được can thiệp sớm, tình trạng nhiễm trùng hoại tử sẽ ngày càng diễn tiến xấu. Bệnh nhân cần phải phẫu thuật để cắt lọc hoại tử, cắt đoạn xương viêm, đặt cố định ngoài, chống nhiễm trùng".
Cũng theo BS Đình Khoa: "Nếu vị trí cắt đoạn bình phục tốt, người bệnh sẽ được lấy xương từ vùng chậu để ghép tạo xương cẳng chân, nếu không sẽ phải tiếp tục điều trị, cắt lọc hoại tử chờ ổn định mới có thể ghép xương. Khớp giả, nhiễm trùng là tình trạng bệnh rất khó trong chấn thương chỉnh hình, bệnh nhân cần phải sử dụng kháng sinh dài ngày, chi phí điều trị dự kiến tốn khoảng 100 triệu đồng".
Việc chữa trị tốn khoảng 100 triệu đồng, nếu không lo nổi anh Tuấn sẽ đối mặt nguy cơ đoạn chi
Anh Tuấn rưng rưng tâm sự: "Từ khi bị tai nạn, hơn 70 triệu đồng anh em trong gia đình và bạn bè thương tình cho mượn, tôi chẳng biết đến bao giờ mới trả được. Tôi chỉ mong chân sớm lành lại để đi làm trả nợ và lo cho con ăn học nhưng số tiền phẫu thuật và điều trị lần này quá lớn. Cha con tôi giờ đến bữa ăn lo được còn khó, chắc điều trị ít hôm cho đỡ đau tôi sẽ xin bác sĩ cho về".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!