Tiếng đàn xót xa của hai anh em sinh đôi mù lòa

Theo Dân trí-Chủ nhật, ngày 02/07/2017 06:35 GMT+7

VTV.vn - Thương hai cháu Trường, Thọ bị mù lòa, người cậu tật nguyền bán vé số dạo đưa về nuôi dưỡng như con ruột.

Lá rách, đùm lá tả tơi…

Người cậu ruột đang dốc hết sức nuôi hai cháu mù Nguyễn Công Trường (14 tuổi) và Nguyễn Phước Thọ (14 tuổi) là ông Phạm Văn Nghĩa (57 tuổi), ngụ khu phố 1, phường Vĩnh Bảo, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Bản thân ông Nghĩa tật nguyền từ nhỏ, khi lập gia đình sống bằng nghề bán vé số. Thế nhưng, khi thấy đứa em gái nghèo khổ không nuôi nổi hai cháu Trường, Thọ nên ông Nghĩa nhận hai cháu khi mới 3 tháng tuổi về nhà nuôi dưỡng cho đến nay.

Ông Nghĩa, cho biết, do mẹ hai cháu mang thai mới hơn 6 tháng đã sinh. Không riêng gì gia đình mà các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang lúc đó cũng không thể tin cặp song sinh (sau này mang tên Trường, Thọ) sẽ sống sót.

Tiếng đàn xót xa của hai anh em sinh đôi mù lòa - Ảnh 1.

15 năm trước, khi mới sinh ra, trọng lượng cơ thể hai cháu Trường Thọ nặng chưa tới 2kg nhưng nhờ sự thương yêu, chăm sóc của người thân và y các sĩ, hai cháu lớn nhanh, khỏe mạnh. Nhưng hai cháu gần 1 tuổi,người thân phát hiện hai mắt của cháu Trường, Thọ không phản xạ với ánh sáng

Khi hai cháu Trường, Thọ được xuất viện về nhà, vợ chồng ông Nghĩa lên thăm, thấy cha mẹ hai cháu nghèo khổ, quanh năm sống bằng nghề làm thuê làm mướn, nhà lại cặp bờ sông… Lo quá, ông Nghĩa quyết định nhận cháu Thọ về nhà nuôi dưỡng. Khi hai cháu Trường, Thọ biết khóc, biết cười, người thân hai cháu vui mừng, tuy nhiên, niềm vui đó kéo dài không được bao lâu, người thân phát hiện hai mắt của cháu Trường, Thọ có vấn đề. Linh tính có điều gì đó chẳng lành, ông Nghĩa đưa hai cháu lên TP Hồ Chí Minh thăm khám. Bác sĩ cho biết, cả hai cháu, đôi mắt đều không có giác mạc, không điều trị được và phải chịu cảnh mù lòa suốt đời.

Không tin lời bác sĩ, cha mẹ ruột cháu Trường, Thọ và ông Nghĩa cứ nghe ai chỉ ở đâu chữa khỏi bệnh mắt là vay tiền, bồng bế hai cháu đến điều trị. Sự quyết tâm muốn mang ánh sáng lại cho hai anh em Trường, Thọ được người thân đưa đi chữa trị suốt 4 năm liền, nhưng đến thời gian này cũng là lúc cha mẹ hai em và ông Nghĩa hoàn toàn khánh kiệt. Cha mẹ cháu Trường một lần nữa "rứt ruột" giao con cho ông Nghĩa nuôi hộ để đi làm thuê trả nợ.

Tiếng đàn xót xa của hai anh em sinh đôi mù lòa - Ảnh 2.

Đại diện một cơ sở in ở TP Rạch Giá đến trao tặng em Trường cây đàn để hai anh em cùng tập đờn.

Khi hai cháu Trường, Thọ về nhà, gia đình vợ chồng ông Nghĩa vui hơn, vì hai vợ chồng ông Nghĩa sống với nhau đã lâu vẫn chưa có mụn con nào. Tuy nhiên, do sinh non, hai cháu Trường, Thọ cứ thay phiên nhau nằm viện, vợ chồng ông Nghĩa có lúc rơi vào cảnh nghèo túng, nợ nần bủa vây…Có lúc, nhiều người bảo ông dẫn hai cháu mù ra đường bán vé số, người dân thương mua vé số nhiều hơn… Nhưng hai vợ chồng ông Nghĩa thà chịu ăn cháo, ăn rao…, nhất quyết không đưa hai cháu ra đường bán vé số.

"Sau đó, bà con hàng xóm thấy vợ chồng tôi vất vả nuôi hai cháu nên bảo đưa hai cháu Trường, Thọ về cho cha mẹ ruột chúng nuôi. Tuy nhiên, khi tôi mới thăm dò ý hai cháu nó thôi, chúng nó đã khóc, không chịu về. Chúng nó chỉ muốn sống với vợ chồng tôi... Từ đó, cậu cháu sống với nhau, có cơm ăn cớm, có muối ăn muối". Ông Nghĩa chia sẻ.

Mù đi bán vé số… khổ lắm

Từ ngày vợ chồng ông Nghĩa nhận nuôi hai cháu Trường, Thọ, vợ chồng ông Nghĩa làm việc cật lực hơn. Như trước đây, một ngày ông Nghĩa bán từ 70 -100 tờ vé số thì nay phải tăng lên gấp đôi, gấp 3… Để bán được từng ấy vé số, tờ mờ sáng ông Nghĩa đã đi bán đến tối mịt mới về tới nhà. Riêng vợ ông Nghĩa, ở nhà chăm sóc hai cháu, bà cũng tranh thủ đi bán vé số, kiếm thêm tiền, mua sữa cho hai cháu Trường, Thọ.

Khi hai cháu Trường, Thọ 5 tuổi, vợ chồng ông Nghĩa đưa hai cháu đến trường trẻ em khuyết tật tỉnh An Giang học hành. Thế nhưng, gia đình không đành lòng nhìn thấy cảnh hai đứa khóc khi không có người thân bên cạnh, rồi lại đưa chúng về nhà. Đến năm 9 tuổi, một lần nữa ông Nghĩa đưa hai anh em Trường, Thọ đến Trường trẻ em khuyết tật An Giang để học chữ. Lúc đầu cũng gặp khó khăn về điều kiện sinh hoạt cá nhân, nhưng nhờ sự chăm sóc chu đáo, nhiệt tình của thầy cô nhà trường nên hai em dần thích nghi. Và đến năm 2016, hai em đã học xong lớp 5.

Tiếng đàn xót xa của hai anh em sinh đôi mù lòa - Ảnh 3.

Khi nhận hai cháu về nhà nuôi dưỡng, vợ chồng ông Phạm Văn Nghĩa vất vả hơn rất nhiều. Từ tờ mờ sáng ông đã đi bán vé số đến tối mịt mới về nhà, số tiền lời vừa đủ đong gạo cho 4 miệng ăn...

Ông Nghĩa nói: "Đời bán vé số dạo, nắng, mưa rát mặt… vất vả lắm. Thế nhưng chứng kiến những người mù đi bán vé số, họ còn khổ hơn mình trăm lần, vì không thấy đường nên hay bị trượt ngã, đi trúng cột điện và có khi bị giật vé số nữa… Khi chứng kiến cảnh đó, tôi lo cho hai cháu mình lắm. Tôi nghĩ phải cho hai cháu học một cái nghề, sau này tụi nó sinh sống, không phải lần mò ra đường bán vé số… Khổ lắm!

Cuối năm 2016, ông Nghĩa đưa hai cháu mình đi học đàn cổ nhạc tại Hội người mù tỉnh Kiên Giang. Tại đây, cả hai cháu Trường, Thọ được dạy đàn, hát mỗi tuần hai buổi. Nhờ tính siêng năng, có năng khiếu, cả hai em giờ đã tập tành đàn được nhiều bài lý, phú lục, tây thi… Tuy nhiên, trong đàn cổ nhạc, hai cháu Trường, Thọ còn phải học nhiều lắm mới ra trường "kiếm cơm" được.

Tiếng đàn xót xa của hai anh em sinh đôi mù lòa - Ảnh 4.

Hai anh em Trường (bên trái), Thọ (bên phải) ngoài đam mê học đàn cổ nhạc, hai anh em còn thích học đàn organ... nhưng cây đàn hai em tập từ bé đã bị hư phím

Bà Võ Hoàng Thanh Thảo – Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng khu phố 1, cho biết: Về mặt chấp hành chủ trương, pháp luật thì gia đình chú Nghĩa thực hiện tốt, vợ chồng chịu khó lao động, tuy nhiên với nghề bán vé số, nuôi hai cháu mù thì vô cùng khó khăn với gia đình chú Nghĩa. Thời gian qua, mỗi khi có các nhà hảo tâm đến địa phương, chúng tôi đều đưa gia đình chú Nghĩa vào danh sách nhận hỗ trợ để gia đình có thêm thùng mì, ký gạo... giảm bớt phần nào khó khăn. Còn về lâu dài, rất cần sự giúp sức của cộng đồng để hai cháu có điều kiện học nghề đàn, sau này nuôi sống bản thân.

Ông Nghĩa cho biết, khi hai cháu học đàn mấy tháng đầu chỉ học lý thuyết vì ông không mua nổi cây đàn. Ông Nghĩa chắt chiu từng đồng tiền bán vé số, dành dụm suốt 2 tháng liền ông mới đủ tiền mua cho cháu Trường, Thọ một cây đàn cổ để học. Thế nhưng, cái khó nhất hiện nay, mỗi lần đi học đàn, hát, hai em phải đi xe ôm, mỗi bận 40.000 đồng. Ngoài ra, ông Nghĩa còn đang chạy đôn, chạy đáo hỏi tiền chữa căn bệnh suyễn thâm niên cho vợ ông, vì hơn nửa tháng nay, vợ ông liên tục bị mệt, khó thở và ho dai dẳng...

Tiếng đàn xót xa của hai anh em sinh đôi mù lòa - Ảnh 5.

Khi đi bán vé số, ông Nghĩa chứng kiến cảnh những người mù đi bán vé số bị té, bị giật vé số... ông lo lắng nên quyết tâm cho hai cháu học đàn cổ để sau này nuôi thân

Cháu Thọ lướt ngón đàn theo lời hát ngọt ngào của Trường: Mẹ hiền ơi, ở quê nhà chớ trông con về/vì nơi xứ người con phiêu bạc bán thân cho đời/từng đêm mình con bật khóc nhớ mẹ, nhớ cha/nước mắt chan cơm, mẹ ơi, nổi đau mình con/chỉ mong quê nhà, cha mẹ từ nay yên ấm/tuổi xuân con nguyện hy sinh đáp đền mẹ cha… (bài hát Nỗi lòng của con, nhạc sĩ Nhật Ngân)

Trường, Thọ kết thúc bài hát hoàn hảo nhưng hai anh em đều mong muốn tiếp tục học đàn, hát cho thật nhuần nhuyễn, sau này xem như cái nghề, nuôi sống bản thân và nuôi vợ chồng cậu Nghĩa. Bởi vợ chồng cậu Nghĩa tuổi đã cao, thường xuyên bệnh tật, nghề bán vé số dạo không còn dễ dàng như trước nữa...

* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước