Năm cũng từng đạt giải nhất trong cuộc thi sáng tạo khoa học dành cho thanh thiếu niên toàn quốc khi mới 18 tuổi và nhận được nhiều bằng khen, chứng nhận của Trung ương Đoàn về những sáng chế đã được ứng dụng vào thực tiễn…
‘ Nguyễn Hữu Năm đang hướng dẫn công nhân
Từ trò chơi thuở nhỏ
“Sáng nay em cũng vừa hoàn thành mọi thủ tục để làm xong báo cáo gửi Trung ương Đoàn xét duyệt mười gương mặt tiêu biểu trong năm. Em cũng chẳng ham gì thành tích nhưng thấy các anh chị gọi điện về bảo và hơn nữa, đây cũng là nơi đã cho em những động lực, niềm khích lệ để em có thể có được như ngày hôm nay”. Sinh ra trong một gia đình có tới sáu anh em trai, cuộc sống gia đình khó khăn đã khiến cho Năm chỉ học đến hết lớp 9.
Năm bảo, ấu thơ bây giờ chỉ là ký ức của những năm tháng chăn bò trên cánh đồng Bương cạnh nhà. Mùa đông rét như cắt, để tránh rét, mấy đứa rủ nhau chui vào gầm những chiếc xe tải, xe ủi để… tránh rét. Trong lúc những người bạn thiu thiu ngủ thì cậu đã tò mò ngồi ngắm nghía và rỡ rẫm vào các thứ máy móc, ốc vít… hi vọng một ngày được thực nghiệm và “nghiên cứu” những khối sắt nặng nề ấy. “Cái thú tò mò tìm hiểu các loại máy móc như ăn sâu vào máu em từ nhỏ. Năm mười bốn tuổi, khi được cha mẹ cho một ít tiền vì công lao phụ giúp bán hàng mấy ngày tết, ban đầu em định mua một bộ quần áo mới nhưng rồi em lại bỏ ra tất cả chỉ để mua những chiếc đài, những chiếc đầu video đã hỏng của bà con quanh vùng về mở ra học cách… sáng chế. Bố mẹ và các anh ban đầu còn tưởng em… “điên””.
Ngồi trong căn phòng làm việc khá khang trang, “ông chủ tuổi 20” hồi tưởng lại cái ngày chưa xa, gọi là cái ngày em đến với nghiệp sống cùng dầu mỡ, ốc vít. Mười bốn tuổi, Năm đã tự mày mò và chế tạo ra được một con robot nhỏ với những chiếc khung bằng gỗ và các bánh răng lấy từ những chiếc radio hỏng được điều khiển bằng pin. Lũ bạn trầm trồ khi được tận mắt nhìn thấy con robot của Năm cử động. “Năm mười bảy tuổi xem chương trình Robocon trên ti vi em đã rất thích thú nhưng vì không đủ điều kiện tham gia nên cứ tiếc mãi. Chương trình chỉ dành cho những sinh viên ở các trường đại hoc và phải thông qua nhóm. Nhưng không ngờ một thời gian sau, em thấy có thông báo Trung ương Đoàn cùng Bộ Khoa học Công nghệ tổ chức phát động cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc. Em gửi đơn đăng ký ngay.”
Gửi đơn đi và vét nhẵn tất cả số tiền mà một cậu trẻ con nhà nghèo đang có để mua nguyên vật liệu, ba tháng chỉ ăn và ở nhà nghiên cứu, mày mò sáng chế cuối cùng Robot cứu người bị nạn trong đám cháy của Nguyễn Hữu Năm đã giành được giải nhất toàn quốc của Trung ương Đoàn lần thứ nhất (năm 2004). Với vật liệu sắt siêu bền, siêu nhẹ, siêu cứng kết hợp với gỗ đi cùng những tính năng cơ động, “chú” robot do Năm thiết kế, chế tạo và lắp ráp hoàn toàn chinh phục được Ban giám khảo. Năm bảo đó là cú híc, là nguồn động viện để em có những bước đi mới và niềm tin để gắn bó với con đường mình đã chọn.
‘ Nguyễn Hữu Năm trong xưởng cơ khí của mình
Và nhà khoa học trong tương lai
Năm 2006 cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ hai được phát động. Năm biết tin này khi đang đi làm phụ hồ cho mấy ông chủ trong xã và vì… không đủ tiền mua nguyên vật liệu, em chỉ gửi bản thiết kế đi dự thi. Và đề tài “Van cân bằng chống lật xe ô tô” của em giành được giải khuyến khích. “Giải khuyến khích đã là sự đánh giá lớn lao anh ạ. Vì sản phẩm của mình chỉ là lý thuyết, các cô chú ở Bộ Khoa học Công nghệ đánh giá cao những không có sản phẩm mô hình đi kèm nên bị “phê” là thiếu tính khả thi. Như vậy nhưng sau đó các cô chú "trên Hà Nội" cũng đã về nhà thăm hỏi và động viên em nên tập trung vào con đường gắn với máy móc này.”
Lần thứ ba cuộc thi tổ chức thì Năm không đủ tuổi tham gia nữa và em cũng tự nhận: “mình đã lớn rồi, phải có một kế hoạch gì đấy dài hơi cho tương lai”. Nghĩ vậy Năm xin bố mẹ cho mở một xưởng cơ khí với số vốn mà toàn gia đình tích góp được là hai tám triệu. Để làm xưởng cơ khí ít nhất phải có trong tay hàng trăm triệu đồng đề đầu tư máy móc, với số tiền ít ỏi như vậy thật khó để làm gì. “Cái khó ló cái khôn”, Năm viết thư “tố khổ” với các cô chú trên Bộ Khoa học Công nghệ. “Viết là viết vậy thôi chứ mình là một người vô danh, lại là con nít, em không hi vọng nhiều.”
Không ngờ một tuần sau, một đoàn cán bộ từ Hà Nội về, lắng nghe Năm trình bày và phản biện để rồi cuối cùng họ thống nhất cho… vay. Cho vay được cũng là quá tốt. Năm hăng hái xuống Hà Nội, Hải Phòng kiếm những loại máy móc mình cần và đúng tiêu chuẩn “rẻ - tốt”. Công việc thuận buồm mát mái, một thời gian sau, khi chất lượng đã được thẩm định, Năm được Trung ương đoàn cho vay gần một trăm triệu theo chính sách dành cho các đoàn viên làm kinh tế. Vừa học vừa làm, Năm bảo em chưa qua một lớp học về cơ khí máy móc nào, nhưng nhìn những các loại máy chỉ một thời gian em đã hiểu được nguyên lý vận hành và có thể sửa chữa. “Mà tự sửa chữa đến sáng tạo cũng không cách nhau bao xa. Em làm những máy móc đơn giản, bán ra thị trường được chấp nhận bởi chất lượng và giá thành. Đến nay em đã trả đủ số tiền nợ của các cô chú trên Bộ Khoa học công nghệ và Trung ương Đoàn”.
Không chỉ trả hết các món nợ “cậu chủ tuổi hai mươi” này giờ đã sắm được cả ô tô, nuôi hàng chục công nhân với số lương khá ổn định. Những công nhân đã từng học ở các trường đại học, cao đẳng về cơ khí cũng phải “bái phục” một “ông chủ trẻ” chưa kinh qua trường lớp như Nguyễn Hữu Năm. Với xưởng cơ khí hiện tại, Năm đã cho ra lò được hơn bốn mươi loại máy móc được thị trường chấp nhận và luôn ở tình trạng “không đủ thời gian để làm”. Khi tôi đến, Năm đang tập trung thiết kế để hai mẫu máy Đục thủy lực và máy soi trục đứng để kịp tham dự Hội chợ triển lãm trong nước. Với “ông chủ tuổi hai mươi” này, tất cả vẫn đang ở phía trước…