Đã mấy tháng trôi qua nhưng vợ chồng anh Võ Công Tích (sinh năm 1975) và chị Huỳnh Thị Bích Thủy (sinh năm 1976) - bố mẹ của bé Võ Minh Triết (sinh năm 2012) - vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại ngày phát hiện con trai bị ung thư máu. Mọi thứ diễn ra quá nhanh và để lại những ký ức nặng nề khủng khiếp cho anh chị ngay ngày đầu năm mới.
Bé Triết phát bệnh ngay trong ngày mùng 2 Tết khiến gia đình chị có một cái Tết đầy ám ảnh
Chị Thủy kể trong nước mắt: "Sáng mùng 2 Tết, cả nhà đang vui vẻ thì con trai tôi tự nhiên lên cơn sốt, đau đầu, đau bụng và ho rất nhiều. Đưa cháu đến bệnh viện khám thì bác sĩ chẩn đoán bị viêm phổi và cho thuốc về uống. Đến tối bé vẫn không khỏi mà càng sốt cao hơn. Vợ chồng tôi sợ quá, lại đưa cháu đến bệnh viện để khám lại thì phát hiện cháu bị ung thư máu...".
Cầm kết quả xét nghiệm trên tay với kết luận con trai mình bị bạch cầu cấp dòng tủy (một dạng ung thư máu), vợ chồng anh Tích vẫn chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra với con trai bé bỏng của mình. Cho đến khi bác sĩ thông báo: "Gia đình chuẩn bị tinh thần, có thể cháu sẽ không qua khỏi đêm nay vì bạch cầu đang tăng cao" thì vợ chồng anh mới ngã khụy xuống.
Nửa đêm, vợ chồng anh Tích - chị Thủy gạt nước mắt ngồi nhìn con trai thoi thóp chống cự với nỗi đau mà trước đó vài giờ còn tưởng chỉ là một căn bệnh đơn giản thường gặp ở trẻ em.
Anh Tích nhớ lại: "Cả đêm đó ngồi nhìn con trai mà rụng rời, mạch máu ở tai, cổ của cháu cứ phập phình lên xuống thấy rõ, trong đầu liên tục vang lên câu nói của bác sĩ làm tâm trí rối bời... Đến sáng, con tỉnh dậy và gọi ba mẹ, bác sĩ thông báo qua cơn nguy kịch chúng tôi mới nhẹ nhõm!".
Bé Triết vốn là đứa trẻ hết sức hiếu động, dù tay đang truyền thuốc cháu vẫn vui vẻ đùa nghịch
Thế nhưng, khi đêm về, những cơn đau và thuốc hành khiến bé vật vã, đau đớn không ngủ được
Chưa hết vui mừng thì bác sĩ cho biết, đây là căn bệnh máu ác tính, nên chi phí điều trị khá cao mà khả năng sống lại rất thấp. Kết quả xét nghiệm cho thấy bé Triết bị giảm sinh cả 3 dòng tế bào tủy bình thường, tiểu cầu giảm...
Theo anh Tích, bác sĩ có đưa ra 3 phương pháp chữa trị để gia đình lựa chọn, đó là ghép tủy, xạ trị hoặc hóa trị. Phương pháp ghép tủy thì khả năng đẩy lùi bệnh cao hơn nhưng chi phí rất cao nên gia đình không dám nghĩ tới. Xạ trị và hóa trị thì tùy vào cơ địa mỗi người, nhưng sác xuất đẩy lùi bệnh không cao.
Dù chi phí xạ trị và hóa trị thấp hơn ghép tủy nhưng 1 phác đồ điều trị cũng lên đến hàng trăm triệu đồng nên gia đình vẫn đang cố gắng vay mượn, gom góp tiền chữa trị cho con mà chưa đủ. Hiện bác sĩ vẫn đang sử dụng thuốc để ngăn chặn sự phát triển của bệnh. Ngoài điều trị bằng tây y, vợ chồng anh còn tìm những loại thuốc nam được mọi người giới thiệu với hi vọng "phước chủ may thầy"...
Đơn xác nhận hoàn cảnh khó khăn của gia đình chị Thủy
Những ngày được về nhà, chị Thủy lại tranh thủ đi mua ve chai kiếm 100.000 - 200.000 đồng để có chi phí cơm nước cho cả nhà
Nhưng số tiền hàng trăm triệu đồng để cứu con thì chị không biết cách nào xoay sở
Ngồi trong căn phòng điều trị ung thư dành cho trẻ em của Bệnh viện Truyền máu Huyết học, vợ chồng anh thẩn thờ, nhìn vào vô vọng. Chị Thủy nuốt nước mắt nói: "Dù không dám hi vọng nhiều nhưng vợ chồng tôi sẽ cố gắng kiếm tiền để làm hóa trị cho con, chứ không thể để con nằm như thế này được...".
Trong số những bệnh nhi nằm tại đây, có bé mới được đưa vào, có bé đã nằm điều trị vài tháng, cũng có bé vừa ra đi mãi mãi... Cái cảnh chia ly cứ ám ảnh trong suy nghĩ của vợ chồng anh khi bác sĩ cho hay: "Căn bệnh này nếu không chữa trị sớm thì sự sống chỉ còn kéo dài trong vòng 1 năm trở lại...".
5 tuổi, em đã biết gì đâu, em cũng chẳng biết mình đang mang căn bệnh hiểm nghèo như vậy. Những lúc bệnh hành hạ thì em khóc, tiêm thuốc vào đỡ hơn em lại cười hồn nhiên như chẳng có chuyện gì. Nhìn nụ cười giòn tan của con thơ mà gan ruột người làm cha, làm mẹ như tan nát, nước mắt lại chảy dài đến chẳng kịp lau.
Thấy mẹ rơi nước mắt, em hỏi: "Sao mẹ lại khóc?", chị Thủy cố cười và giấu nhẹm đi nỗi đau đang hiện hữu trong lòng. Đau đớn nhất là khi có ai hỏi có biết mình bị bệnh gì không, em cười bảo: "Con bị sốt!"...
Ở tuổi tứ tuần mà có thêm được một cậu con trai kháu khỉnh là niềm vui quá lớn đối với đôi vợ chồng nghèo, thế mà...
Cứ mỗi lần nhìn con thơ đau đớn là anh Tích - chị Thủy không cầm được nước mắt
Ở quê quá khó khăn, 15 năm trước anh chị dẫn đứa con 2 tuổi rời Bình Định vào Sài Gòn mưu sinh bằng đủ thứ nghề lặt vặt, rồi thuê đất ruộng người ta bỏ hoang ở huyện Bình Chánh để nuôi heo, nuôi gà... Đến năm 2012, thu nhập tạm ổn định, anh chị mới dám có thêm đứa con thứ 2 là bé Triết. Vậy mà...
Giờ đây, thân con bệnh tật, mỗi tháng hết 20 ngày anh Tích - chị Thủy phải cùng con lên viện điều trị. Những ngày được về nhà, chị Thủy lại đi mua ve chai để kiếm 100.000 - 200.000 đồng chi phí cơm nước cho cả nhà. Còn anh Tích thì nhờ bạn bè thợ hồ để ý tìm việc cho trong những ngày "nghỉ phép" hiếm hoi này để kiếm thêm tiền thuốc cho con dù cái cổ anh vẫn còn đau ê ẩm vì chứng vôi hóa đốt sống cổ chưa được điều trị...
Ở tuổi tứ tuần mà có thêm được một cậu con trai kháu khỉnh là niềm vui quá lớn đối với đôi vợ chồng nghèo. Chưa kịp mừng thì giờ đây anh chị đã phải gào khóc, cố gắng giành giật mạng sống của con thơ đang ngày càng gần thêm với bờ vực sinh tử...
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!