Hỏi đường đến nhà anh Nguyễn Khắc Nguyệt (SN 1969, trú tại xóm Thạch Sơn, xã Văn Thành, Yên Thành, Nghệ An), bà con ở gần nhà anh chỉ đường rất nhiệt tình: "Chị cứ rẽ theo lối giữa đồng, đi hết đường, đến nhà nào tồi tàn nhất là nhà anh Nguyệt. Có lẽ, ở đây không có nhà ai khổ bằng nhà ấy nữa đâu".
Căn nhà của vợ chồng anh Nguyệt được chắp nối, cũ kỹ
Dù đã được người chỉ đường "rào trước" nhưng đến khi đứng trước cổng, tôi cứ nghĩ mình đang đến một căn nhà hoang nào đó. Mấy gian nhà lụp xụp, hai cái xe đạp cũ dựng chỏng chơ bên thềm, thửa vườn ngập nước đầy cỏ dại, mấy con ngan bì bõm lội nước kiếm ăn.
Mặt trời quá đỉnh đầu, anh Nguyễn Khắc Nguyệt lảo đảo đạp xe đi về, khuôn mặt tái xám, thở hổn hển. "Tôi vừa đi lấy ít thuốc, nghe nói thuốc bên Lào hiệu nghiệm lắm", người đàn ông mang trong mình căn bệnh xơ gan cổ trướng lâu ngày cho biết.
Chị Nguyễn Thị Thành (SN 1965) - vợ anh Nguyệt cũng lùa trâu về chuồng. Đó là thứ tài sản duy nhất mà gia đình đang có. "Một con trâu thì già quá rồi nên vợ chồng tôi đang chăm con nghé lên để thay. Hồi tháng trước ông ấy đi viện, nhà không có một xu, bán con nghé được 7 triệu, không đủ chi phí thuốc thang, tiền viện phí. Nhiều khi cùng quẫn, cũng tính bán trâu đi nhưng bán rồi lấy chi mà cày ruộng?", chị Thành chép miệng.
Mái ngói cũ, thủng lỗ chỗ, ngày mưa nước dột ướt cả nhà
Vợ chồng chị Thành vốn nghèo từ trứng nước, lại sinh một lèo 6 đứa con. Thằng bé 9 tuổi, cân nặng không bằng đứa trẻ lên 4. Vừa rồi, một nhóm từ thiện đến tặng một ít tiền cùng chiếc xe đạp mới. Nó trèo lên chiếc xe mới, trông như con nhái bén vắt vẻo trên cành cây. Năm nay Phúc (tên thằng bé) học lớp 4 nhưng hỏi cái gì cũng ấm ớ…
Mấy cô con gái lớn cứ học biết mặt chữ là nghỉ, chỉ có Nguyễn Thị Luận học hết 12 rồi vào miền Nam làm công nhân, lấy chồng trong đó. Cô con gái Nguyễn Thị Tâm cũng vào tận Đắk Lắk làm thuê. Đầu năm 2016, Tâm bị tai nạn giao thông, chấn thương sọ não. Cũng may nhà chủ tốt bụng, thay mặt bố mẹ lo liệu cho Tâm. Vừa qua, những cơn đau đầu dữ dội hơn, Tâm được đưa đến bệnh viện. Các bác sĩ phát hiện trong hộp sọ của Tâm có máu tụ, phải phẫu thuật thêm một lần nữa.
Mắc căn bệnh xơ gan cổ trướng, xuất huyết dạ dày, anh Nguyệt mất hết sức lao động, uống thuốc lá cầm cự cơn đau
"Nghe tin mà vợ chồng tôi quẫn quá, không biết làm thế nào khi trong nhà không có lấy một xu. Ơn trời, con gái tôi gặp được nhà chủ tốt, lại lo liệu cho cháu, nếu không vợ chồng tôi chỉ có nước đưa con về chờ chết", anh Nguyệt thều thào.
Anh Nguyệt mắc bệnh xơ gan cổ trướng từ năm 2004. Nhà nghèo, bệnh cứ để thế, khi nào không chịu nổi thì đi viện, đỡ cơn đau lại về. Vừa rồi, anh lại bị thêm căn bệnh xuất huyết dạ dày, người cứ xám ngoét, mặt bắt đầu phù thủng, đến nói cũng chẳng ra hơi. Chị Thành cũng không được nhanh nhẹn như người khác, cũng chỉ biết cày cấy 6 sào ruộng, đến mùa giáp hạt, cả nhà bó gối ăn cơm rau qua bữa.
Chị Thành chuẩn bị nấu cơm, món ăn chủ lực của gia đình vẫn là rau
Người đàn bà nghèo khó qua 6 lần sinh nở người cũng lả như tàu chuối, mang đủ thứ bệnh không tên nhưng nào dám đến viện để khám vì sợ khám sẽ ra bệnh, lại phải chữa trị tốn kém. Thế nên, cứ thấy đau trong người, chị Thành mang thẻ bảo hiểm hộ nghèo lên trạm y tế xã xin ít viên thuốc giảm đau để uống.
Cái nghèo đói, bệnh tật khiến các con phải chịu cảnh thất học. Học hết lớp 9, cô con gái thứ 4 Nguyễn Thị Ly cũng xin nghỉ, đi học nghề may để phụ giúp cha mẹ nuôi hai đứa em.
Nhà nghèo, bố đau ốm, học hết lớp 9 Nguyễn Thị Ly quyết định bỏ ngang để học nghề đỡ đần bố mẹ
"Nhà em nghèo quá, em mà học nữa thì bố mẹ lại nặng gánh. Em xin nghỉ, nhường phần học cho hai em (hiện cô em gái tên Minh đang học lớp 9, còn thằng Phúc học tiểu học – PV). Thấy các bạn đi học cũng tủi thân lắm nhưng nhà mình nghèo như vậy, biết làm sao được. Em tính đi học nghề may rồi xin đi làm, kiếm tiền đỡ đần cha mẹ nhưng học xong nghề thì không xin được việc. Có lẽ em lại theo các chị vào miền Nam làm thuê", Ly nói, đôi mắt đẹp loang loáng nước.
"Mình không biết chữ thì mình khổ, nghèo mãi có khá được lên đâu. Nghèo khó cũng phải cho các em nó học, được chữ nào hay chữ ấy, mong đời chúng nó bớt khổ hơn cha mẹ", anh Nguyệt nói.
9 tuổi, bé Phúc chỉ nặng như trẻ lên 4. Con đường học hành của cậu bé cũng khó có thể kéo dài vì gia đình quá nghèo.
Bố mẹ không biết chữ, cái nghèo lại bó buộc nên chị em Ly cũng học cho biết chữ vậy thôi. Bữa ăn không đủ cơm, lâu lâu mới biết mùi thịt cá, cái bàn để học cho tử tế cũng chả có, con đường đến trường của hai đứa nhỏ nhà anh Nguyệt chắc cũng chẳng kéo được dài.
Thấy nhà có khách, chị Lê Thị Lịch - hàng xóm sang góp chuyện, nhiều khi phải đỡ lời hộ vợ chồng anh Nguyệt. "Nghèo là một nhẽ nhưng vợ chồng anh Nguyệt cứ ngơ ngơ ngác ngác, lắm khi cũng tội. Khi nhà có người ốm, phải lên viện, đến cái xe máy mà chở người ốm đi cũng không có, hàng xóm láng giềng phải chở lên rồi làm thủ tục giấy tờ nhập viện cho chứ chữ cũng đâu có biết", chị Lịch chép miệng.
Gia cảnh nghèo khó, chồng ốm, con dại nên có đau ốm trong người, chị Thành cũng không dám đi viện khám.
Chị Thành kéo rổ rau muống vàng úa, cố nhặt lấy mấy ngọn rau còn non cho bữa trưa. Nắng trưa tháng 9 hoe hoắt, rọi qua mái ngói vảy cũ kỹ thủng lỗ chỗ, hắt thành những vệt vàng xuống nền đất nhấp nhô. Trong ngôi nhà ấy, có 3 đứa trẻ và một người ốm kinh niên lâu lắm rồi không biết đến mùi thịt…