Thế nào là công nghệ nhận diện khuôn mặt?
Máy tính sẽ lấy hình ảnh của bạn và tự động tính toán khoảng cách giữa các đặc điểm trên khuôn mặt. Ví dụ, thuật toán máy tính có thể phân tích các vị trí, kích thước, hình dạng của mắt, mũi, gò má, cằm...
Những thông số này sau đó sẽ biến thành dữ liệu khuôn mặt. Một khi máy tính có được những thông tin này, nó có thể dễ dàng quét kho dữ liệu hình ảnh, và tìm ra khuôn mặt trùng khớp với những dữ liệu được lưu trữ.
Lúc đầu hệ thống nhận dạng khuôn mặt được phát triển bằng việc thu thập hình ảnh 2D. Tuy nhiên, hình ảnh 2D chỉ dựa vào khoảng cách các điểm trên khuôn mặt để nhận diện nên một khi chúng ta có hơi nghiêng mặt hay điều kiện ánh sáng không tốt thì kết quả tìm kiếm sẽ không được chính xác.
Do đó, các chuyên gia đã tìm đến một phương pháp khác đó chính là nhận dạng khuôn mặt 3 chiều. Kỹ thuật này sử dụng các cảm biến 3D để nắm bắt thông tin về hình dạng của khuôn mặt. Thông tin này sau đó được sử dụng để xác định các đặc điểm đặc biệt trên khuôn mặt như đường viền của hốc mắt, mũi và cằm. Tuy nhiên, hình thức này thi thoảng vẫn chịu thua nếu bạn có biểu lộ cảm xúc khác hay đeo thêm kính, hoặc mọc thêm râu.
Vì vậy, một xu hướng mới nổi lên, tuyên bố cải thiện được độ chính xác cao hơn nữa. Kỹ thuật này gọi là phân tích kết cấu da, đưa các đường đặc trưng, hình dạng và các điểm nốt trên làn da của một người vào phân tích. Các thử nghiệm đã chỉ ra rằng, với việc bổ sung các phân tích cấu trúc của da, hiệu quả trong việc nhận ra khuôn mặt có thể tăng 20-25%.
Với những ứng dụng hiệu quả như vậy, các doanh nghiệp tại Trung Quốc đã ngay lập tức nhận thấy rõ tiềm năng của loại hình công nghệ nhận diện khuôn mặt. Trung Quốc cũng được coi là một trong những quốc gia đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ mới này. Thị trường thanh toán trực tuyến tại Trung Quốc vốn đã rất phát triển với việc sử dụng rộng rãi QR Code tuy nhiên, phương thức này có thể sẽ sớm trở thành quá khứ và thế chân vào đó là phương thức thanh toán thông qua nhận diện khuôn mặt.
Công nghệ thanh toán bằng nhận diện khuôn mặt tại một số nước
Nhìn thẳng vào màn hình và việc thanh toán của bạn được hoàn tất. Chỉ cần đăng ký kết nối khuôn mặt của mình với một hệ thống thanh toán kỹ thuật số hoặc tài khoản ngân hàng, khách hàng có thể sử dụng công nghệ thanh toán tiên tiến này.
Gạt những chiếc thẻ thanh toán đôi khi gây phiền phức sang một bên, phương tiện thanh toán bằng nhận diện khuôn mặt đang nở rộ tại Trung Quốc, với sự vào cuộc của nhiều "ông lớn" công nghệ. Alipay đã tiến hành nâng cấp hệ thống Smile-to-Pay (Mỉm cười để thanh toán) và sẽ tiếp tục chi 3 tỷ Nhân dân tệ trong 3 năm để triển khai công nghệ này. Hay như Tencent cũng mới ra mắt công nghệ thanh toán bằng nhân diện khuôn mặt mang tên Frog Pro trong tháng 8 vừa qua, cùng với hàng loạt start-ups đua nhau đặt chân vào thị trường này tại Trung Quốc.
Ngoài thanh toán tại các cửa hàng, công nghệ nhận diện khuôn mặt hiện cũng đã được áp dụng tại một số địa điểm khác ở Trung Quốc như sân bay, bệnh viện, góp phần giúp hoạt động tiêu dùng của người dân trở nên thuận lợi hơn.
Công nghệ nhận diện khuôn mặt cũng rất phát triển tại nhiều quốc gia khác. Các hãng công nghệ lớn trên thế giới cũng không thể bỏ lỡ một công nghệ tiềm năng như vậy. Trong cuộc chạy đua này, các hãng công nghệ còn sở hữu một lợi thế rất lớn đó là kho dữ liệu khổng lồ về hình ảnh người dùng.
Chẳng hạn như với Facebook, mỗi ngày, người dùng đăng tải lên tới hơn 300 triệu bức ảnh lên mạng xã hội này. Hay hàng trăm nghìn người dùng những dòng điện thoại như là iPhone 10 và 10s tsẽ mở khóa điện thoại bằng Face ID - chính là ứng dụng nhận diện khuôn mặt bằng 3D từ Apple. Còn "ông lớn" công nghệ Google đã cho các nhân viên của mình xuống phố, tặng cho bất kỳ ai đi đường 1 tấm thẻ quà tặng trị giá 5 USD. Điều kiện duy nhất là người đi đường sẽ cho phép Google tìm kiếm được chụp và sử dụng 1 bức ảnh selfie của họ. Nghe có vẻ tiêu tốn khá nhiều công sức, nhưng đổi lại, tập đoàn này sẽ có nhiều dữ liệu cho tính năng nhận diện khuôn mặt cho dòng điện thoại Pixel 4 sắp ra mắt.
Rõ ràng nhận diện khuôn mặt là xu thế công nghệ ngày càng phổ biển. Tại Việt Nam, công nghệ nhận diện khuôn mặt cũng đã được nhiều doanh nghiệp nhanh nhạy được áp dụng, tuy nhiên, hiện mới chỉ ở bước sơ khai.
Một số cửa hàng đã áp dụng công nghệ nhận diên khuôn mặt khách hàng để thống kê các số liệu như lượng khách, thời điểm mua hàng. Nhờ đó, chủ hàng có thể đo đếm được hiệu quả chốt doanh số của nhân viên cửa hàng, hay mức độ hiệu quả của các chính sách marketing. Một số doanh nghiệp và tập đoàn lớn cũng đã bắt đầu ứng dụng công nghệ này trong vòng 1 năm trở lại đây không chỉ bởi mục đích quản trị của doanh nghiệp hay cá nhân, mà còn để tăng trải nghiệm tiêu dùng.
Tại một khu nghỉ dưỡng ở Nha Trang, khách du lịch đã được giải phóng khỏi mọi loại giấy tờ và thẻ từ. Thanh toán bằng khuôn mặt dự kiến cũng sẽ được tích hợp rộng rãi. Theo chuyên gia, mức độ chính xác của công nghệ này hiện có thể đạt tới 95-96%, có xu hướng sẽ thay cho nhận dạng bằng vân tay.
Mặt trái của công nghệ nhận diện khuôn mặt
Khắp thế giới đều phát triển các tiện ích từ công nghệ nhận diện khuôn mặt tuy nhiên, công nghệ này cũng đi kèm không ít rủi ro.
Tuần qua, hãng công nghệ Facebook đã khiến nhiều người chú ý khi quyết định dừng tính năng nhận diện khuôn mặt tự động. Theo đó, bằng cách vào phần cài đặt > quyền riêng tư > nhận diện khuôn mặt, người dùng có thể xem mình đang bật hay tắt tính năng này và đưa ra lựa chọn.
Việc mạng xã hội này phải chấp nhận để người dùng tắt tính năng nhận diện khuôn mặt do Facebook phải đối mặt với kiện cáo từ chính những người yêu thích mạng xã hội này tại Mỹ. Bởi rõ ràng, khuôn mặt cũng là dữ liệu người dùng và dữ liệu nào cũng có nguy cơ bị sử dụng cho các mục đích khác như quảng cáo, deepfake.
Gần đây nhất, người ta đã dùng công nghệ nhận diện khuôn mặt để tổng hợp các hình ảnh khẩu hình của ông Obama từ rất nhiều nguồn, rồi lắp ghép thành một đoạn video y như thật. Người tạo nên đoạn video này là đạo diễn đoạt giải Oscar Jordan Peele. Jordan Peele cho biết, mục tiêu của ông chính là để cảnh báo mọi người về khả năng những công nghệ như nhận diện khuôn mặt có thể tạo ra tin giả, đặc biệt là từ hình ảnh của những người nổi tiếng.
Quyền bảo mật dữ liệu cá nhân là điều mà mỗi người tiêu dùng cần phải ý thức khi tiếp cận các công nghệ hiện đại, để đảm bảo vừa tận dụng được tối đa những lợi ích mà chúng mang lại, nhưng cũng không phải chịu những tác động tiêu cực nếu để lộ cho kẻ xấu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!