Trong văn bản gửi Bộ GTVT, VETC cho biết, sau 5 năm thực hiện, đến nay mới chỉ có 11/44 trạm BOT ký được phụ lục hợp đồng hoặc hợp đồng dịch vụ. Kết quả, đến cuối tháng 9 vừa qua, VETC đã lỗ lũy kế 300 tỷ đồng. Vì thế, đơn vị này đề nghị 2 phương án. Một là trả lại dự án cho Bộ GTVT, hai là Bộ có phương án bù doanh thu thiếu hụt để tiếp tục thực hiện.
Theo đại diện Bộ GTVT, động thái của nhà đầu tư dịch vụ thu phí không dừng khá bất ngờ với cơ quan quản lý bởi việc doanh nghiệp trả lại dự án này cho Nhà nước không có trong các điều khoản của hợp đồng đã ký.
Mới đây, Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản không chấp nhận việc đề nghị trả lại dự án của VETC và Tập đoàn Đèo Cả cũng cho biết mới dừng lại ở việc đàm phán, hợp tác và đưa người sang làm những công việc VETC còn đang dang dở.
Với những trạm thu phí không dừng đã đi vào hoạt động, lượng xe đi qua cũng thưa thớt, ít hơn rất nhiều so với các làn thu tiền thông thường. Tỷ lệ thu phí tự động không dừng thực tế chỉ đạt khoảng 10% so với kế hoạch. Thậm chí, tính đến nay, VETC đã đầu tư và vận hành hệ thống thu phí tự động không dừng tại 23 trạm thu phí. Đối với các trạm của nhà đầu tư BOT, doanh nghiệp này mới chỉ kết nối vận hành thu phí được 4/17 trạm
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, dự án thu phí không dừng phải về đích trước ngày 31/12/2019. Tuy nhiên, việc chưa thống nhất được mức trích lại doanh thu của các nhà đầu tư BOT cho VETC là vướng mắc lớn nhất khiến cho 13 trạm thu phí không dừng dù đã lắp đặt nhưng chưa thể đi vào hoạt động
Nhưng cũng phải nói, để nhà đầu tư BOT và VETC ký được hợp đồng với nhau thì trước đó, các chủ đầu tư BOT phải ký được phụ lục hợp đồng với Bộ GTVT về việc điều chỉnh phương án tài chính để không ảnh hưởng đến việc thu hồi vốn của dự án. Mặc dù đến nay, có 35/39 trạm đã ký phụ lục hợp đồng nhưng tiến độ rất chậm, kéo dài trong suốt 5 năm nay. Có những giai đoạn công việc này gần như đình trệ, không có kết quả. Điều này, phần nào cho thấy mức độ cùng chia sẻ khó khăn với các nhà đầu tư BOT và VETC của Bộ GTVT vẫn còn hạn chế.
Câu chuyện hợp tác công tư chia sẻ rủi ro trong quá trình thực hiện dự án cũng như tiếp tục kêu gọi xã hội hóa vào các dự án xây dựng hạ tầng trong nhiều lĩnh vực với điều kiện ngân sách Nhà nước không thể đảm đương được là vô cùng cần thiết.
Việc VETC trả lại dự án cho nhà nước không phải là trường hợp duy nhất vì trước đó, có một số công ty đầu tư các dự án giao thông cũng xin trả lại dự án như trường hợp BOT Việt Trì hay Công ty đầu tư QL91 Cần Thơ, An Giang với lý do là doanh thu không như dự kiến ban đầu.
Mối quan hệ Công - Tư rõ ràng là rất phức tạp. Vậy phải có cách nào để giải quyết tình trạng này khi nó không chỉ xảy ra một lần, một trường hợp. Tuần qua, Quốc hội đã thảo luận về dự Luật Đầu tư theo phương thức hợp tác công tư PPP.
Một trong những nội dung quan trọng trong Dự luật này đó chính là mục về bảo lãnh doanh thu. Trong đó, Dự luật quy định Chính phủ cam kết sẽ hỗ trợ tối đa 50% phần hụt thu thực tế so với doanh thu tính toán trong hợp đồng. Nếu dự án vượt thu thì nhà đầu tư cũng phải cam kết chia sẻ lại tối thiểu 50% cho Chính phủ.
Khi đem câu chuyện của VETC dừng ngang dự án trao đổi bên hành lang Quốc hội, phần lớn các đại biểu cho rằng Nhà nước và doanh nghiệp là 2 đối tác của nhau do vậy cần phải có trách nhiệm, nghĩa vụ giống nhau, kể cả việc chia sẻ lợi nhuận hay rủi ro.
Nhiều đại biểu cũng cho rằng sự chia sẻ rủi ro của Nhà nước sẽ là điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư tiếp tục bỏ tiền vào các dự án PPP mới và tình trạng xin trả lại dự án cũng sẽ ít khi xảy ra. Với tình trạng của VETC hiện nay, Bộ GTVTcho dù không đồng ý cho đơn vị này bỏ ngang dự án, nhưng cũng đang tính đến việc ngồi lại với các đơn vị liên quan tìm cách tháo gỡ khó khăn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!