Theo nghiên cứu này, mỗi năm đã có hơn 2,1 tỷ tấn rác thải rắn đô thị được xả ra trên toàn cầu, đủ để lấp đầy 822.000 bể bơi có kích thước xây dựng theo tiêu chuẩn Thế vận hội. Tuy vậy, chỉ có 16% lượng rác thải rắn đô thị nói trên được tái chế mỗi năm trong khi 46% con số trên là không thể xử lý hay tái chế.
Theo Chỉ số Thế hệ Rác thải của nghiên cứu trên, được xây dựng dựa trên các mức rác thải rắn, nhựa, thực phẩm… xả ra tính trên đầu người, Mỹ là nước có lượng rác thải hàng đầu thế giới, cao gấp ba lần mức trung bình của thế giới. Với 773 kg rác thải/người dân, Mỹ chiếm tới 12% lượng rác thải rắn đô thị, trong khi dân số của nước này chỉ chiếm 4% dân số thế giới.
Cũng theo nghiên cứu trên, Mỹ mới chỉ tái chế 35% lượng rác thải rắn đô thị trong khi Đức, nước đứng đầu thế giới về hiệu quả quản lý và xử lý rác thải, tái chế 68% lượng rác thải rắn đô thị.
Theo ông Niall Smith, nhà phân tích môi trường cao cấp của Verisk Maplecroft, trong bối cảnh thế giới đặc biệt quan tâm tới vấn đề rác thải, người ta đặt kỳ vọng rằng chính phủ các nước sẽ hành động để khắc phục tình trạng trên với sự tham gia của các doanh nghiệp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!