Làng cổ dài Karen nằm sát khu vực biên giới giữa Thái Lan và Myanmar. Nơi này cách Chiang Mai chừng 180km, cách thành phố Chiang Rai khoảng 30 km, nằm tĩnh lặng sau con đường cao tốc số 1019. Bước vào thế giới của làng cổ dài, cuộc sống náo nhiệt ồn ào đầy sôi động của thế kỷ 21 như để lại phía sau.
Ngược dòng lịch sử, bộ tộc Karen có nguồn gốc từ Myanmar. Ban đầu, một số bộ phận cư dân di cư sang Thái Lan từ thế kỷ 17. Sau đó đến những năm 80-90 của thế kỷ trước, người Karen tiếp tục sang biên giới thái, sống rải rác ở khu vực Chiang Rai.
Là ngôi làng nhỏ với cư dân sinh sống thưa thớt, trong làng là những căn nhà lợp lá đơn sơ. Trước mỗi dãy nhà là các quán hàng bán đồ lưu niệm khi du khách tới thăm. Đi sâu vào trong làng, du khách sẽ bắt gặp những bé gái, thiếu nữ đeo vòng bằng đồng nặng trĩu quanh cổ và chân tay.
Các bé gái được đeo vòng cổ từ nhỏ
Theo truyền thống từ xưa, mỗi bé gái sinh ra được cả làng chúc phúc. Với những gia đình khá giả có điều kiện sẽ đúc vòng vàng cho con. Khi lên năm, các bé gái sẽ được đeo vòng cổ đầu tiên trong đời. Số vòng sẽ tăng dần theo chu kỳ 4 năm 1 lần. Người Karen quan niệm, phụ nữ cổ càng dài càng đẹp. Tập tục này được lưu giữ từ đời này qua đời khác cho tới ngày nay.
Phong tục đeo vòng kỳ lạ của người Karen xuất phát từ quan niệm họ cho rằng mình là con cháu phượng hoàng nên cổ càng dài mới coi là tiêu chuẩn của cái đẹp. Số lượng vòng trên cổ nhiều càng chứng minh sự giàu có, sung túc của gia đình. Người phụ nữ Karen còn để tóc dài rồi búi cao, lộ phần vòng cổ là biểu tượng của sự cao quý.
Những chiếc vòng cổ sẽ theo người phụ nữ suốt đời
Tuổi càng lớn, số vòng được đeo vào cổ càng nhiều thêm và sẽ theo các cô gái đến tận cuối đời. Một khi đã đeo vòng vào cổ, các cô gái không tháo vòng ra nữa. Muốn cho vòng sáng bóng, khi tắm, người phụ nữ sẽ rửa bộ vòng bằng rơm và nước chanh. Theo tục lệ của người Karen, phụ nữ phản bội chồng phải tháo vòng khỏi cổ. Đó là hình thức phạt nặng nề.
Ngoài đeo vòng cổ, nếu gia đình có điều kiện, các bé gái còn đeo vòng chân. Nhưng thường quá 10 tuổi, các bé mới bắt đầu đeo chúng vì vòng chân có trọng lượng rất nặng.
Phụ nữ người Karen dệt vải
Đến làng cổ dài, du khách bắt gặp không ít những thiếu nữ xinh đẹp mặc trang phục truyền thống, ngồi miệt mài bên khung cửa. Khi có khách tới thăm, họ nhẹ nhàng chào mời mua những món đồ lưu niệm trong gian hàng. Nguồn mưu sinh chủ yếu của dân làng phụ thuộc vào khách du lịch.
Ngoài việc tới thăm làng cổ dài, du kahchs có thể kết hợp tour tham quan cung đường Chiang Mai – Chiang Rai – Tam giác vàng. Giá tham quan làng vào khoảng 500 bath (gần 350 nghìn đồng), phần lớn được chính quyền địa phương trích ra để hỗ trợ cuộc sống của người dân trong làng.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online .