Hiện trường vụ cháy rừng tại Taree, bang New South Wales của Australia. (Ảnh: THX/TTXVN)
Munich Re cho biết, khoảng 9.000 người đã thiệt mạng trong 820 thảm họa thiên nhiên trên toàn cầu trong năm ngoái, giảm đáng kể so với con số 15.000 người của năm 2018, nhờ các biện pháp ngăn chặn hiệu quả hơn.
Theo Munich Re, tỷ lệ những thiệt hại được bảo hiểm ở mức trung bình 10 năm là 35%, cho thấy phần lớn vẫn không được bảo hiểm, đặc biệt là ở các nước mới nổi và đang phát triển. Thành viên Hội đồng Quản trị Munich Re, Torsten Jeworrek cho rằng những trận lốc xoáy lớn trong năm 2019 đã cho thấy tầm quan trọng trong nhận thức về những thay đổi của những rủi ro. Ông nói thêm rằng hiện nay con người có lẽ đã có sự cảm nhận và chứng kiến những tác động dài hạn do tình trạng biến đổi khí hậu gây ra.
Theo dự báo sơ bộ của Minich Re, bão Hagibis và Faxai là thảm họa thiên tai tàn khốc nhất trong năm 2019 tại Nhật Bản, gây tổng thiệt hại 26 tỷ USD trong khi mùa cháy rừng năm 2019 tại bang California, Mỹ, là tương đối giảm so với năm 2018, mùa cháy rừng tại Australia đã và đang trở nên nghiêm trọng, có nguy cơ gây thiệt hại lớn.
Munich Re nhấn mạnh rằng các thảm họa riêng lẻ có thể không phải là do tác động trực tiếp từ biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây cho thấy sẽ có những yếu tố dài hạn về môi trường khiến cháy rừng dễ xảy ra hơn, đặc biệt là ở phía Nam và phía Đông Australia.
Tại châu Âu, các đợt nắng nóng và cơn dông mưa đá trong mùa Hè 2019 là nguyên nhân khiến nhiều nước tại khu vực này chịu tổn thất lớn nhất. Tại thành phố Munich của Đức, hồi tháng 6/2019, mưa đá có kích cỡ to bằng quả bóng chơi golf đã khiến thành phố này thiệt hại gần 1 tỷ USD. Một trận mưa đá có kích cỡ to bằng quả cam cũng đã trút xuống vùng Adriatic của Italy trong tháng 7/2019. Nhìn chung, các trận bão xảy ra vào mùa Hè ở châu Âu gây thiệt hại 2,5 tỷ USD trong năm 2019.
Theo chuyên gia Ernst Rauch của Munich Re, mưa đá có thể gây thiệt hại nghiêm trọng và có thể đe dọa tới mạng sống. Một nghiên cứu mới đây dự báo các trận mưa đá sẽ xảy ra thường xuyên hơn ở một vài khu vực do hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu. Ông Rauch cho rằng để giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu các nước trên thế giới cần triển khai những biện pháp đối phó như hệ thống cảnh báo sớm hiệu quả hơn hay sử dụng các vật liệu xây dựng có sức chống chịu tốt hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!