Người biểu tình bỏ chạy khi cảnh sát Haiti nổ súng trong cuộc đụng độ ở trung tâm thủ đô Haiti Port-au-Prince. (Ảnh: AFP)
Tình trạng vô luật pháp lan rộng đến các khu vực giàu có, trong khi các băng đảng siết chặt kiểm soát thành phố.
Một nhân chứng đã nhìn thấy khoảng 10 thi thể, một số có vết đạn, vào sáng 18/3 trên đường phố của khu nghỉ dưỡng cao cấp Petion-Ville ở ngoại ô thủ đô Port-au-Prince. Sau đó, các thi thể đã được xe cứu thương đưa đi. Nhà chức trách Haiti chưa bình luận về vụ việc này.
Người dân Haiti báo cáo đã nghe thấy tiếng súng và chứng kiến tình trạng cướp bóc vào sáng 18/3 (theo giờ địa phương) ở khu vực Laboule gần đó. Sau đó, các đường phố xung quanh Petion-Ville gần như vắng tanh.
Trong khi đó, cơ quan điện lực EDH cho biết một số trạm điện đã bị tấn công, dây cáp, pin và tài liệu đã bị đánh cắp.
Các băng nhóm vũ trang - ngày càng củng cố quyền lực trong những năm gần đây - đã lợi dụng sự vắng mặt của Thủ tướng Haiti Ariel Henry hồi đầu tháng 3 để leo thang bạo lực, tấn công cơ sở hạ tầng bao gồm các đồn cảnh sát và văn phòng chính phủ.
Dưới áp lực quốc tế và bị mắc kẹt ở Puerto Rico, Thủ tướng Henry không được bầu chọn đã tuyên bố từ chức trong khi chờ bổ nhiệm hội đồng chuyển tiếp và người thay thế tạm thời vào tuần trước. Tuy nhiên, hội đồng chuyển tiếp vẫn chưa được bổ nhiệm trong bối cảnh một số nhóm đều đưa ra đại diện của mình dẫn tới bất đồng.
Người biểu tình đốt lốp xe trong cuộc biểu tình ở Port-au-Prince, Haiti, ngày 12/3, sau khi Thủ tướng Ariel Henry tuyên bố kế hoạch từ chức. (Ảnh: AFP)
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết tư cách thành viên của hội đồng có thể được hoàn tất "rất sớm" và thông tin cập nhật có thể được công bố sau vào ngày 18/3.
Truyền thông địa phương đưa tin Giáo hội Công giáo Haiti sẽ không tham gia vào hội đồng, như dự kiến trước đây, nhằm duy trì một "khoảng cách về mặt đạo đức".
Thủ lĩnh của các nhóm vũ trang từ lâu tìm cách lật đổ Thủ tướng Henry đã cảnh báo về một "trận chiến" ở Haiti và đe dọa các chính trị gia tham gia hội đồng chuyển tiếp. Người dân Haiti đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực và chăm sóc y tế ngày càng trầm, trọng khi các hãng vận chuyển thay đổi tuyến đường.
Cuối tuần qua, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF cho biết một trong những container chứa "các mặt hàng thiết yếu" dành cho bà mẹ, trẻ sơ sinh và chăm sóc trẻ em đã bị đánh cắp từ cảng chính của Haiti. Sự hiện diện quốc tế ở Haiti đã giảm đi khi tình trạng bất ổn gia tăng.
Liên hợp quốc và các đại sứ quán Mỹ, Canada đã rút nhân viên khỏi Haiti trong tháng 3 này.
Cuối tuần qua, Cộng hòa Dominica - quốc gia có chung đảo Hispaniola với Haiti - đã sơ tán hàng chục công dân bằng trực thăng khỏi Haiti. Trong khi đó, hãng Thông tấn nhà nước Philippines PNA cho biết sẽ hồi hương ít nhất 63 trong số 115 công dân nước này và đang tìm kiếm các phương án khác để đưa công dân về nước như thuê máy bay. Hiện các chuyến bay thương mại tại Haiti đã bị đình chỉ.
Theo ước tính của Liên hợp quốc, khoảng 17.000 người đã rời khỏi khu vực đô thị Port-au-Prince vào tuần trước. Nhiều người trong số đó đã phải di tản.
Các nước láng giềng của Haiti đã và đang củng cố biên giới của họ. Những kế hoạch can thiệp quốc tế mà Chính phủ Haiti yêu cầu vào năm 2022 và được Liên hợp quốc phê chuẩn gần 6 tháng trước vẫn đang bị đình trệ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!