Tại một điểm tiêm vaccine COVID-19 ở thành phố Ahmedabad, Ấn Độ ngày 30/6, cảnh sát yêu cầu xếp hàng trật tự chờ đến lượt. Ảnh: Reuters
Mỹ là quốc gia chiếm tỷ lệ số ca COVID-19 cao nhất, với 18% tổng số ca mắc toàn cầu, Ấn Độ đứng thứ hai với khoảng 15%. Mức độ lây lan hiện nay đã tương đương giai đoạn đỉnh dịch hồi tháng 7 năm ngoái, tức là cứ 2 ngày có thêm 1 triệu ca mắc mới. Nguyên nhân chủ yếu của đợt bùng phát dịch này là do biến thể Delta của virus SARS-CoV-2.
Châu Á hiện là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến thể Delta, trong đó nhiều nước Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Myanmar và Thái Lan đang chứng kiến số ca mắc theo ngày cao chưa từng có, gây ra nguy cơ khủng hoảng y tế nghiêm trọng.
Hơn 100.000 ca tử vong do COVID-19 ở Indonesia
Ngày 3/8, Indonesia ghi nhận hơn 1.700 ca tử vong, nâng tổng số trường hợp không qua khỏi vượt mốc 100 nghìn. Trong khi đó, số ca nhiễm mới ngày 4/8 là hơn 35 nghìn.
Để ngăn chặn dịch bệnh, tại các khu vực giáp thủ đô Jakarta, các chốt kiểm dịch đã được lập để đảm bảo, chỉ những cá nhân di chuyển vì mục đích thiết yếu mới được đi lại.
Trước đó, Indonesia cũng đã gia hạn lệnh hạn chế di chuyển cho đến tuần sau tại một số khu vực.
Cảnh sát tuần tra nhắc nhở người dân thực hiện các quy định phòng dịch tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 24/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Malaysia ghi nhận số ca mắc mới cao nhất từ trước tới nay
Ngoài Indonesia, Malaysia không chỉ ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao nhất từ trước tới nay, mà còn cả số ca tử vong cao chưa từng thấy do căn bệnh này. Trong ngày 4/8, nước này có thêm 19.819 ca mắc COVID-19 - cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Trong đó, bang Selangor tiếp tục đứng đầu cả nước với 8.377 ca, tiếp theo là vùng lãnh thổ liên bang Kuala Lumpur với 2.467 ca và bang Kedah với 1.371 ca.
Tới nay, Malaysia có tổng cộng 1.183.110 ca mắc COVID-19. Malaysia cùng ngày ghi nhận 257 ca tử vong vì COVID-19. Trong 6 ngày qua, số ca tử vong vì COVID-19 ở Malaysia đều trên 130 ca/ngày. Malaysia hiện có tổng cộng 9.855 ca tử vong vì COVID-19.
Ca nhiễm mới ở thủ đô Tokyo liên tục tăng
Chính quyền thủ đô Tokyo của Nhật Bản đã phát hiện thêm 4.166 ca nhiễm mới trong ngày 4/8 - mức tăng theo ngày cao nhất từ trước tới nay và tăng 457 ca so với một ngày trước đó. Số ca nhiễm mới trong một ngày cao nhất trước đó ghi nhận vào ngày 31/7, với 4.058 ca.
Một nhà hàng lắp đặt vách ngăn tại Tokyo, Nhật Bản, để ngăn dịch bệnh lây lan. Ảnh: Reuters
Kể từ giữa tháng 7 đến nay, số ca nhiễm mới ở thủ đô Tokyo đã liên tục tăng bất chấp việc Chính phủ Nhật Bản hôm 8/7 đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ tư vì dịch COVID-19 ở thành phố này. Theo chính quyền Tokyo, trong tuần từ ngày 29/7 đến ngày 4/8, số ca nhiễm mới trung bình ở Tokyo tăng 78% so với tuần trước đó lên mức cao kỷ lục 3.478,7 ca/ngày.
Biến thể Delta tiếp tục lây lan nhanh tại Mỹ
Số ca mắc COVID-19 tại Mỹ tiếp tục gia tăng và các bệnh viện chịu sức ép lớn hơn, nhất là tại các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Giới chức Mỹ đang khuyến cáo người dân đi tiêm chủng để sớm khống chế đà lây lan của dịch bệnh.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ, trong 7 ngày qua, số ca mắc COVID-19 trung bình mỗi ngày đã tăng hơn 40% so với tuần trước.
1/3 số các ca nhiễm mới là từ 2 bang miền nam Florida và Texas. Đáng chú ý, các trường hợp mắc bệnh đang gia tăng ở các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp của hai bang này.
Điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Florida. Ảnh: AP
Số bệnh nhân nhập viện do COVID-19 hiện đã tăng lên mức được ghi nhận vào mùa Đông năm ngoái. Đã có hơn 50 nghìn bệnh nhân mắc COVID-19 phải nhập viện vào ngày 2/8, nhiều hơn gấp 3 lần so với mức được ghi nhận 1 tháng trước.
EU vượt Mỹ trong tiêm chủng vaccine phòng COVID-19
Theo thống kê của hãng tin AFP dựa trên các số liệu chính thức, hơn 50% dân số Liên minh châu Âu đã được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19.
Cụ thể, gần 224 triệu người tại 27 quốc gia thành viên EU đã được tiêm chủng. Trong đó Tây Ban Nha dẫn đầu các nước lớn với 58% dân số đã được tiêm chủng, tiếp theo là Italy 54%, Pháp 52% và Đức 52%.
Các con số này đồng nghĩa châu Âu đang vượt Mỹ trong chiến dịch tiêm chủng. Hiện tại Mỹ mới có khoảng 49,7% dân số được tiêm chủng đủ liều song chiến dịch tiêm chủng đang có dấu hiệu chững lại, đặc biệt ở các bang miền Nam và Trung Tây. Trong 7 ngày qua, số ca mắc trung bình mỗi ngày đã tăng hơn 40% so với tuần trước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!